Vì sao "kẻ hủy diệt" Tiger II không phải xe tăng mạnh nhất?
Vì sao "kẻ hủy diệt" Tiger II không phải cỗ xe tăng mạnh nhất?
Thứ tư, ngày 13/01/2021 08:31 AM (GMT+7)
Tiger II – Cỗ máy hủy diệt khét tiếng một thời trong chiến tranh thế giới thứ 2, từng là nỗi ám ảnh của bất cứ quân đội hùng mạnh nào trên thế giới. Thế nhưng “kẻ hủy diệt” này lại không được đánh giá là cỗ xe tăng mạnh nhất. Nguyên nhân do đâu?
Trong Thế chiến II, Tiger là một trong những dòng xe tăng mạnh nhất thế giới. Tuy nhiên, điều quan chức đứng đầu quân đội Đức cần còn hơn thế nữa, bởi nếu không có một loại vũ khí mạnh mẽ hơn, Đức có thể sẽ bị bất ngờ trước những đòn tấn công của quân đội Liên Xô.
Trước tình hình đó, Hitler đã ra lệnh cho cơ quan vũ khí xúc tiến chương trình nghiên cứu vào tháng 8/1942 với yêu cầu cho ra đời loại xe tăng mới có giáp trước đặt nghiêng, dày ít nhất 150 mm và mang pháo chính cỡ 88 mm. Hai hãng Henschel và MAN cùng tham gia chương trình chế tạo xe tăng hạng nặng mới. Sau nhiều lần đưa ra ý tưởng mà không được chấp thuận, cuối cùng mẫu thiết kế VK4503 (H) có chỉnh sửa hoàn tất vào tháng 10/1943 với tháp pháo Henschel-Krupp chính thức được chọn với tên SdKfz 182 Panzerkampfwagen VIB Tiger II, gọi tắt là Tiger II.
Về thiết kế, Tiger II có nhiều nét tương đồng với Panther hơn là mẫu Tiger I. Chiếc xe tăng này có giáp mặt trước, sau, hông nghiêng nhiều hơn Tiger I. Kíp lái bao gồm 5 người: lái xe, trưởng xe, pháo thủ, nạp đạn viên và điện đài viên. Lái xe ngồi bên trái phía trước, điện đài viên ngồi bên phải, những người còn lại ngồi trong khoang chiến đấu với tháp pháo gắn khẩu pháo 88 mm KwK 43 nòng dài hơn khẩu 88 mm trên Tiger I, cùng với pháo chính là súng máy 7,92 mm đồng trục và một khẩu 7,92 mm khác ở đầu xe. “Kẻ hủy diệt” mang theo số đạn dược lớn gồm 86 viên đạn pháo 88 mm với hai loại đạn AP để xuyên giáp và đạn nổ HE cùng gần 6.000 viên đạn súng máy.
Hỏa lực của Tiger II được đánh giá là vô cùng khủng khiếp. Khẩu pháo 88 mm nòng dài có thể xuyên giáp xe tăng Đồng minh “dễ như ăn cháo” , xe tăng Sherman, Cromwell và T-34/85 có thể dễ dàng bị hạ ở khoảng cách 3,5 km. Kính ngắm quang học nổi tiếng của Đức đảm bảo tính chính xác gần như tuyệt đối - “thấy trước, bắn trước, bắn hạ ngay từ phát đầu tiên”. Tuy nhiên, xe tăng Đồng minh chưa bị bắn cháy còn phải chạy đến tầm gần hơn mới có cơ may bắn hạ Tiger II vì giáp của chiếc xe này quá dày. King Tiger II “lì” đến nỗi phải rất nhiều xe tăng khác hợp lực mới có thể hạ gục nó. Lớp giáp dày khiến khối lượng xe cũng nặng tới 69,8 tấn.
“Con cưng” của Hitler sử dụng động cơ Maybach HL 230 P30 với công suất 700 mã lực, tương đương với xe tăng Panther. Nặng nề nhưng Tiger II không hề chậm chạp, tốc độ di chuyển tối đa đạt 38 km/h còn trên đường địa hình là 17 km/h.
Mạnh mẽ và sức công phá khủng khiếp như vậy nhưng Tiger II không được đánh giá là cỗ xe tăng mạnh nhất bởi để một thứ vũ khí trở nên có tầm ảnh hưởng lớn thì nó phải thỏa mãn nhiều tiêu chí: Dễ sử dụng, dễ chế tạo, chi phí thấp, và hiệu quả cao, được sản xuất với số lượng lớn.
Tiger II được phát triển muộn trong cuộc chiến và được sản xuất với số lượng khá nhỏ - 485 chiếc. Chiếc xe này còn gặp vấn đề khi “uống” hết 500 lít nhiên liệu/100km khiến việc tiếp liệu cho Tiger II trên chiến trường thực sự là cơn ác mộng với cả kíp lái và hậu cần. Thực tế đã ghi nhận nhiều chiếc Tiger II bị bỏ lại vì hết xăng. Không những vậy, trên đường địa hình, tầm hoạt động của King Tiger II bị hạn chế cộng với việc cần liên tục bảo dưỡng làm giảm nhiều sự ưu việt của chiếc xe tăng này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.