Chiếc ngai vàng duy nhất còn lại của triều Nguyễn hiện ở đâu?
Chiếc ngai vàng duy nhất còn lại của triều Nguyễn hiện ở đâu?
AK
Thứ ba, ngày 12/01/2021 08:31 AM (GMT+7)
Trung tâm Bảo tồn di tích (BTDT) Cố đô Huế và Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế vẫn còn lưu giữ hàng ngàn cổ vật có giá trị gắn liền với các vua chúa thời nhà Nguyễn. Đặc biệt trong số đó là chiếc ngai vàng, một cổ vật độc bản vô cùng quý giá vừa được công nhận là bảo vật quốc gia...
Nhà Nguyễn là triều đại quân chủ cuối cùng và cũng là triều đại duy nhất để lại ngai vua còn nguyên vẹn đến tận ngày nay. Triều Nguyễn được vua Gia Long khai lập từ năm 1802, trải qua 143 năm, chiếc ngai vàng được xem là biểu tượng quyền lực của nhà vua.
Câu chuyện “cuộc chiến ngai vàng”, hay “4 tháng thay 3 vua” bắt đầu vào thời vua Tự Đức. Do không có con ruột nên theo di chiếu, ngày 19/7/1883, vua Tự Đức truyền ngôi lại cho con nuôi Nguyễn Phúc Ưng Chân, còn gọi là Dục Đức. Tuy nhiên, khi vừa mới lên ngôi được 3 ngày thì vua Dục Đức bị hai quan Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết phế bỏ, sau đó đem giam ở ngục thất và bị bỏ đói đến chết.
Ngày 30/7/1883, con thứ 29 và là con út của vua Thiệu Trị là Nguyễn Phúc Hồng Dật được Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết ép lên ngôi vua, lấy hiệu Hiệp Hòa. Khi vừa lên ngôi, Hiệp Hòa buộc phải ký một hiệp ước với Pháp có những điều khoản nặng nề, như: Nước Nam phải chấp nhận sự bảo hộ của Pháp, Pháp có quyền kiểm soát quan hệ của nước Nam với các quốc gia khác... Với bản hiệp ước này, uy tín của vua Hiệp Hòa bị tổn hại nghiêm trọng.
Theo sử sách chép lại, do nhận thấy Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường có lập trường chính trị trái ngược mình nên nhà vua đã viết một bức thư giao cho người anh em thúc bá mang sang tòa Khâm để nhờ người Pháp hạ hai quan Phụ chính trên. Tuy nhiên, lá thư có đóng dấu ấn của nhà vua nằm trong chiếc hộp son đã bị Nguyễn Văn Tường bắt được. Lập tức triều thần nhóm họp buộc vua Hiệp Hòa thoái vị và nhận “án tử” bằng cách uống độc dược tự vẫn sau 4 tháng lên ngôi.
Cuối tháng 11/1883, các quan đại thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết chọn con nuôi của vua Tự Đức là hoàng tử Nguyễn Phúc Ưng Đăng, mới 15 tuổi lên ngôi vua, lấy hiệu Kiến Phúc. Tuy nhiên, cũng chỉ sau 8 tháng lên ngồi ngai vàng, trong lúc tình hình đất nước đang rối ren thì vua Kiến Phúc, đột nhiên mắc bệnh qua đời. Và việc lập phế, tranh giành quyền lực này chỉ kết thúc khi vua Hàm Nghi lên ngôi vào năm 1884.
Theo bà Huỳnh Thị Anh Vân, Giám đốc Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế, trong suốt 143 năm của triều đại nhà Nguyễn, ngai vàng được đặt giữa điện Thái Hòa như một “nhân chứng” lịch sử của triều Nguyễn nói riêng và Việt Nam nói chung. Đây là nơi các vua Nguyễn tổ chức lễ đại triều, lễ vạn thọ, tiếp kiến sứ thần ngoại giao, hoặc các nghi lễ quan trọng khác của triều đình từ khi thiết lập triều Nguyễn đến khi kết thúc vào năm 1945.
“Đến nay, ngai vàng triều Nguyễn là hiện vật độc bản duy nhất có giá trị lịch sử, văn hóa và mỹ thuật to lớn. Đặc biệtvào tháng 1/2016, ngai vàng đã được xếp hạng là bảo vật Quốc gia”, bà Anh Vân cho biết.
Những câu chuyện nhuốm màu tâm linh
Để tìm hiểu kỹ hơn về chiếc ngai vàng của triều Nguyễn, PV tìm gặp nhà nghiên cứu Huế - Phan Thuận An. Theo ông An, dù không có sử sách nào nhắc đến các vua triều Nguyễn có bao nhiêu ngai vàng nhưng qua hình ảnh tư liệu cho thấy, 13 đời vua nhà Nguyễn có nhiều ngai vàng được sử dụng khác nhau. Ví như thời vua Duy Tân có đến 4 ngai vàng, thời vua Khải Định có 2 ngai vàng...
Nhà nghiên cứu Phan Thuận An cho hay, từ thời vua Đồng Khánh (lên ngôi năm 1885), triều đình bắt đầu cho người Pháp vào Đại nội chụp ảnh. Lúc này vua Đồng Khánh ngồi ở ngai vàng có chụp 2 bức ảnh, trong đó một bức được đưa qua Pháp và bức còn lại hiện treo ở Đại nội.
Đến thời các vua Thành Thái, Duy Tân và Khải Định... thì có nhiều hình ảnh hơn về các vị vua ngồi trên ngai vàng. Qua hình ảnh cho thấy diện mạo ngai vàng thời vua Đồng Khánh khác với thời vua Thành Thái, Duy Tân từ bệ ngai vàng, lưng tựa, tay vịn đến các hoa văn trang trí.
Năm 1923, trong khi trùng tu Điện Thái Hòa và một số cung điện để chuẩn bị lễ “Tứ tuần Đại Khánh”, vua Khải Định đã cho sửa sang lại bửu tán phía trên ngai vàng từ chất liệu vải quý sang sơn son thếp vàng; dưới bửu tán có 3 tấm bệ được chạm khắc các họa tiết và trên là ngai vua…
Tháng 8/1945, vua Bảo Đại chính thức thoái vị, đánh dấu sự sụp đổ của nhà Nguyễn sau hơn 143 năm tồn tại với 13 vị vua từng lên ngôi trị vì. Thời điểm này, hàng trăm cổ vật, như Kim ấn, Ngọc tỷ, Kim sách... có từ thời các vua Nguyễn đều được chuyển ra Hà Nội. Năm 1962, số hiện vật quý giá này được chuyển sang kho của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lưu giữ.
Năm 2007, Ngân hàng Nhà nước bàn giao toàn bộ số hiện vật quý giá triều Nguyễn cho Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia), trong đó có cả 85 chiếc Kim bảo, Ngọc tỷ được chế từ vàng, bạc, ngọc ngà dưới thời các vua Nguyễn...
“Vậy, tại sao ngai vàng, một bảo vật gắn liền với giá trị lịch sử văn hóa qua các đời vua Nguyễn vẫn không hề bị xê dịch, hay chuyển khỏi điện Thái Hòa?”. Theo ông An, do thời điểm bấy giờ, người ta chọn lựa các bảo vật gọn nhẹ để dễ di chuyển, riêng các thứ to lớn, cồng kềnh như ngai vàng, kiệu vua, bức trấn phong bằng đá thời Minh Mạng, quả cầu hình cửu long... được an vị và đến nay vẫn được Trung tâm BTDT Cố đô Huế gìn giữ.
Từng một thời gian dài làm việc tại Trung tâm BTDT Cố đô Huế nên nhà nghiên cứu Phan Thuận An chứng kiến nhiều câu chuyện tâm linh liên quan đến bảo vật ngai vàng được đặt ở điện Thái Hòa. Ông kể, mỗi lần có đoàn làm phim đến điện Thái Hòa để quay cảnh cung cấm, vua chúa thì các diễn viên đều đứng trước ngai vàng kính cẩn quỳ lạy vì sợ “phạm thượng khi quân”, sau đó diễn viên đóng vai nhà vua mới dám ngồi lên ngai vàng để diễn.
Người dân Huế cũng vậy, từ khi triều đình nhà Nguyễn sụp đổ, không có bất cứ ai dám đến sờ vào ngai vàng; hoặc dịch chuyển chiếc ngai vàng đi nơi khác. Bởi họ luôn nghĩ ngai vàng có sự linh thiêng, nếu ai ngồi hoặc chạm vào ngai vàng sẽ gặp điều tai ương.
Bà Huỳnh Thị Anh Vân cho biết thêm, ngoài chiếc ngai vàng độc nhất vô nhị này, hiện bảo tàng đang quản lý hơn 13.000 hiện vật, trong đó có những cổ vật có giá trị và ý nghĩa lịch sử. Như áo tế Giao, bia Khiêm Cung Ký hay bộ sưu tập vạc đồng thời chúa Nguyễn... Tất cả những cổ vật này đều được Chính phủ công nhận là bảo vật Quốc gia. Ngoài ra, để phục vụ du khách đến tham quan, chụp ảnh lưu niệm, Trung tâm BTDT Cố đô Huế đã thực hiện phục chế thêm một số ngai vàng đặt trong Đại Nội và lăng tẩm thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.