Vì sao khó cấm dạy thêm, học thêm?

Chủ nhật, ngày 02/04/2023 08:12 AM (GMT+7)
Câu chuyện về dạy thêm, học thêm không mới nhưng luôn được dư luận quan tâm, nhất là khi rộ thông tin giáo viên thu nhập cả trăm triệu mỗi tháng từ dạy thêm. Dù Bộ Giáo dục và  Đào tạo đã có nhiều công văn hướng dẫn về việc cấm dạy thêm, học thêm nhưng tình trạng này vẫn không thể chấm dứt. Vậy căn nguyên là do đâu?
Bình luận 0
Vì sao khó cấm dạy thêm, học thêm? - Ảnh 1.

Một tiết học ở Trường THCS Nhật Tân, Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Hoài.

Tiền học thêm gấp nhiều lần tiền học chính

“Thu nhập ở trường là phụ, thu nhập dạy thêm là chính” không chỉ là câu chuyện của riêng giáo viên ở Hà Nội như một số phương tiện truyền thông đề cập những ngày qua, mà là thực tế của nhiều giáo viên hiện nay. Nhiều năm công tác trong ngành giáo dục, cô Lê Thị Hồng Hạnh - Tổ trưởng Tổ Ngữ Văn, Trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, không phải giáo viên nào cũng muốn dạy thêm. Nhưng thực tế là thu nhập từ nghề giáo quá thấp so với đời sống hiện nay.

Dạy học từ khi ra trường tới năm nghỉ hưu, tròn 34 năm, thế nhưng mức lương cao nhất mà cô Thu Thọ - giáo viên một trường tiểu học ở Hà Nội nay đã nghỉ hưu - nhận được là hơn 11 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, cô Thọ cho hay, có nhiều trung tâm, trường tư mời cô về dạy thêm với thu nhập 15 triệu đồng/tháng. Thu nhập ở trường không đủ chi phí sinh hoạt gia đình khiến không ít giáo viên xem việc dạy thêm là chính và dạy ở trường chỉ là phụ.

Tuy nhiên có cầu thì mới có cung. Thực tế việc học thêm cũng xuất phát từ phía nhu cầu của phụ huynh, học sinh. Dưới góc độ là phụ huynh, cô Thọ thừa nhận, việc học thêm với con cô là cần thiết để củng cố và nâng cao kiến thức. Nhưng nhiều lần đặt vấn đề nhờ cô giáo chủ nhiệm của con dạy thêm mà cô giáo không dám nhận lời. “Tôi phải tìm trung tâm học thêm cho con với mức học phí khá cao 250.000 đồng/buổi. Nếu không cho giáo viên dạy thêm học sinh trên lớp thì cũng thiệt thòi cho họ. Giáo viên không có thêm thu nhập hoặc họ dạy chui, trong khi phụ huynh tìm giáo viên dạy con cũng khó”, cô Thọ cho hay.

Nhu cầu cho con học thêm là một thực tế. Tìm hiểu tại nhiều gia đình có con đang ở độ tuổi tới trường, rất hiếm gia đình không cho con học thêm và số tiền chi cho việc học thêm còn nhiều hơn so với học phí chính khóa. Anh Nguyễn Trung Kiên (quận Ba Đình, Hà Nội), phụ huynh có con năm nay học lớp 5 cho hay, một tháng con anh học thêm hết hơn 4 triệu đồng. Dù tốn kém nhưng anh Kiên chia sẻ rằng như vậy sẽ “mua được sự yên tâm”.

Cứ mỗi tuần vào 2 buổi: thứ 3 và thứ 6, khi con kết thúc giờ học trên lớp, anh Kiên lại chở con đến lớp học thêm của cô chủ nhiệm. Theo anh Kiên, tiền học thêm của cô là 150.000 đồng/buổi, trong 2 giờ. Dù việc học thêm là tự nguyện nhưng hầu hết gần 50 học sinh của lớp con anh đều tham gia học thêm.

Đấy là học sinh bậc tiểu, còn học sinh bậc học cao hơn, nhất là những học sinh chuẩn bị bước vào các kỳ thi chuyển cấp thì nhu cầu học thêm còn lớn hơn nhiều. Còn một năm nữa em Lưu Hà Linh, học sinh lớp 8 - Trường THCS Chu Văn An (quận Tây Hồ, Hà Nội) mới bước vào kỳ thi chuyển cấp vào lớp 10 nhưng áp lực của kỳ thi khiến lịch học thêm của Linh dày đặc cả tuần, có ngày lên 4 ca. Linh cho biết, ngoài giờ học trên lớp, em học thêm 3 môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh ở cả trung tâm và gia sư tại nhà. Mỗi môn 2 buổi/tuần. Tính ra, ngày nào em cũng phải học thêm, kể cả thứ 7 và Chủ nhật. Mục đích học thêm của Linh nhằm nắm chắc kiến thức đã học và học thêm kiến thức nâng cao để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.

Cần giải quyết từ gốc

Liên quan đến vấn đề này, mới đây, cử tri một số địa phương đã gửi kiến nghị Bộ GDĐT cần quản lý và xử lý nghiêm hơn việc dạy thêm, học thêm. Trả lời kiến nghị trên bằng văn bản, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, từ năm 2012, Bộ GDĐT ban hành Thông tư số 17/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 quy định, hướng dẫn việc này.

Theo đó, hoạt động dạy thêm, học thêm phải bảo đảm các nguyên tắc cơ bản: Không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa; học sinh trong cùng một lớp dạy thêm, học thêm phải có học lực tương đương nhau, khi xếp học sinh vào các lớp dạy thêm, học thêm phải căn cứ vào học lực của học sinh; tuyệt đối không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá để đưa vào giờ dạy thêm; không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa.

Thông tư 17 cũng quy định rõ các trường hợp không được dạy thêm, học thêm là: Học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống; giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được dạy thêm ngoài nhà trường, dạy chính học sinh của mình khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.

Theo Bộ trưởng GDĐT, UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn. Đồng thời trách nhiệm của Sở GDĐT là cơ quan đầu mối thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện quy định này. Sở sẽ chịu trách nhiệm trước UBND cấp tỉnh về quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn theo quy định.

Dù Bộ GDĐT đã có nhiều giải pháp, nhiều văn bản chỉ đạo nhằm chấn chỉnh việc dạy thêm học thêm nhưng GS.TSKH.NGND Nguyễn Mậu Bành - Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam nhìn nhận, vấn đề học thêm vẫn tồn tại dai dẳng từ hàng chục năm nay chứ không phải bây giờ mới xảy ra. Ở các nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc cũng có chuyện dạy thêm, học thêm. Đây là tâm lý chung của người Á Đông, muốn con học giỏi, thành tích tốt.

Trao đổi với phóng viên, ông Bành bày tỏ quan điểm rằng, học sinh muốn học giỏi, cần học thêm thì phải khuyến khích, như vậy mới tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, hiện tượng tiêu cực trong dạy thêm như ép học sinh học thêm để giáo viên tăng thêm thu nhập, trù học sinh nếu như không học thêm… thì tuyệt đối cấm. Việc này, Bộ GDĐT đã có nhiều văn bản chỉ đạo song vấn nạn này vẫn tồn tại tràn lan.

Theo chuyên gia này, việc cấm tuyệt đối dạy thêm học thêm là rất khó, bởi nhu cầu dạy thêm và học thêm là một thực tế cả với lý do chính đáng và không chính đáng. Để chấn chỉnh tình trạng này, thay vì không quản được thì cấm, ngành giáo dục cần nhìn thẳng và giải quyết căn nguyên, gốc rễ của vấn đề, trong đó có vấn đề chính sách tiền lương. GS Nguyễn Mậu Bành đề xuất: “Nhà nước cần có cách làm đột phá, tiến hành cải cách chính sách tiền lương, theo hướng ưu tiên lương giáo viên có tính đặc thù, chứ không xếp theo bậc hành chính sự nghiệp”.

Nguyễn Hoài (daidoanket.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem