Cho học sinh đi dã ngoại rồi thu tiền: Một kiểu "dạy thêm, học thêm trá hình"?

Tào Nga Thứ năm, ngày 30/03/2023 08:49 AM (GMT+7)
Theo chuyên gia giáo dục, hiện nay các trường đang lấy phong trào học trải nghiệm để thu phí là không đúng. Đây là "dạy thêm, học thêm một cách trá hình".
Bình luận 0

Hoạt động trải nghiệm: Học sinh được chơi, giáo viên được "hoa hồng"?

Vụ việc hàng chục học sinh Trường Tiểu học Kim Giang, quận Thanh Xuân, Hà Nội bị ngộ độc thực phẩm sau khi đi dã ngoại về ngày 28/3 vừa qua; vụ nam sinh lớp 11, Trường THPT Lý Thánh Tông, huyện Gia Lâm, Hà Nội tử vong khi đi ngoại khóa ở Hòa Bình ngày 10/2 và một số vụ xảy ra trước đó đang khiến phụ huynh cả nước lo lắng và nổ ra tranh cãi về tính hiệu quả, an toàn của tổ chức trải nghiệm cho học sinh hiện nay trong các trường.

Anh Nguyễn Chiến Thắng, phụ huynh ở quận Thanh Xuân cho hay: "Giờ các trường tổ chức cho học sinh đi dã ngoại nhưng thực chất ép các em đi... du lịch. Em nào không đi là không cho nộp bài thu hoạch, ảnh hưởng đến điểm đánh giá năng lực và hạnh kiểm cuối năm.

Trường con tôi mỗi kỳ đều tổ chức 2 lần đi chơi như thế với chi phí không nhỏ. Có lần đi Mai Châu, học sinh phải đóng 800.000 đồng; có lần thì đi Hạ Long đóng gần 700.000 đồng nhưng chỉ cho học sinh xuống "nhí nhố" một tí rồi vào chùa ngồi. Những gia đình không có điều kiện chỉ biết than trời vì không đi không được".

Cho học sinh đi dã ngoại rồi thu tiền: Một kiểu dạy thêm, học thêm trá hình? - Ảnh 1.

Khu du lịch sinh thái Cánh Buồm Xanh đang là địa điểm được nhiều trường học đưa học sinh tới dã ngoại. Ảnh: PL

Chị Nguyễn Mai Lan, phụ huynh ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cũng cho rằng, nếu cho học sinh đi dã ngoại vào các khu sinh thái thế này thì một năm cũng chỉ nên đi dã ngoại 1 lần vì nghỉ hè các con đều được bố mẹ cho đi du lịch. Nhiều phụ huynh không muốn con tham gia nhưng bị giáo viên, nhà trường nhắc nhở không nhiệt tình. "Tôi thấy đây là đi chơi chứ có trải nghiệm học được gì đâu", chị Lan bày tỏ.

Không chỉ liên quan đến chất lượng của các hoạt động trải nghiệm, phụ huynh có ý kiến trái chiều khi được biết giáo viên sẽ nhận 10.000 đồng/học sinh đi dã ngoại.

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, một giáo viên ở Hà Nội cho hay, giáo viên được nhận 10.000-15.000 đồng cho mỗi học sinh đi chơi, tùy theo từng chuyến đi. Đây được xem là "công đi trông học sinh". Cô giáo này cũng thừa nhận là khi đi về học sinh không phải làm bản thu hoạch gì. Các em thì thích còn các cô  mệt vì quản lý sĩ số học sinh, tránh để học sinh bị tai nạn...

Hay câu chuyện tại TP.HCM, học sinh trường THCS Nguyễn Văn Bứa, huyện Hóc Môn đóng 400.000 đồng, gồm tiền xe đưa đón, tham quan 2 địa điểm, ăn trưa khi đi tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh – Bến Nhà Rồng và Công viên nước Đầm Sen, cũng gây xôn xao. Theo một tin nhắn được cho là hiệu trưởng nhà trường gửi tới nhóm giáo viên chủ nhiệm, phía công ty tổ chức du lịch sẽ gửi lại cho giáo viên chủ nhiệm 10.000 đồng/học sinh. Lớp nào sĩ số đi ít quá, giáo viên sẽ bị xem xét đánh giá thi đua trong quý II.

Một kiểu "dạy thêm, học thêm trá hình"?

Theo chuyên gia giáo dục độc lập, TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Khoa Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, trải nghiệm là một hoạt động giáo dục ý nghĩa cho học sinh. Ở trường các em chỉ được học trên sách vở, còn khi được ra ngoài, các em được học thực tế. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay trải nghiệm là học sinh chỉ đi chơi chứ không đi học.

Bà Hương cho biết: "Nếu như ngày xưa đi dã ngoại là học sinh phải chuẩn bị đồ ăn mang theo, học cách tự lo bản thân thì bây giờ, các em được người lớn "chăm sóc đến tận chân răng", chỉ cần lên xe và đi chơi. Có khi một miếng thịt còn sống, một hộp sữa bị hỏng chua cũng không phân biệt được. Trách nhiệm an toàn thực phẩm là của đơn vị tổ chức nhưng chính học sinh hiện nay cũng thụ động, thiếu kỹ năng sống. 

Thứ hai, vì sao nhiều phụ huynh thấy việc đi dã ngoại không có giá trị giáo dục? Thực tế dù bố mẹ có đưa con đi cũng không thể thay thế được thầy cô. Ví dụ như chuyện đưa trẻ đến Hồ Gươm. Bố cho tô tượng, mẹ thì cho đi ăn kem, nhưng thầy cô sẽ dạy các con về ý nghĩa lịch sử… Tuy nhiên, hiện nay chuyến đi dã ngoại có tỉ trọng học rất ít, suốt cả buổi chỉ thấy chơi. Cũng có khi trẻ được học nhưng khi về nhà chỉ ấn tượng với các trò chơi. Tôi nghĩ đã đến lúc Bộ GDĐT phải xem lại quy định về hoạt động trải nghiệm. Các em đi dã ngoại thì đi với mục đích là gì, sau chuyến đi thu hoạch được gì... tránh gây bức xúc cho phụ huynh".

Theo PGS. TS. Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục - Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội: "Khung chương trình của nhà trường cần thiết tăng thêm hoạt động trải nghiệm cho học sinh. Đây là cách thức bổ sung thiếu hụt không gian, hoạt động cho các em. Thế nhưng các hoạt động tham quan trải nghiệm này cần được lên kế hoạch và có mục tiêu rõ ràng chứ không phải đưa học sinh đi mà không ai kiểm tra đánh giá. Tôi thấy mục tiêu thì tốt nhưng cách thức làm lại sai lạc. Nhà trường thì coi đây là một cơ hội tăng thêm nguồn thu nhập, giáo viên coi có lợi ích nào đó. Như vậy cuộc trải nghiệm của học sinh lại biến thành đi chơi với nhau. 

Ngoài ra, cũng cần công khai, minh bạch tránh ý kiến trái chiều giữa phụ huynh và nhà trường. Nếu trường chứng minh được đang làm vì lợi ích cho con, hoàn thiện đặc điểm nhân cách của con thì phụ huynh sẵn sàng hỗ trợ chung tay. Nhưng tổ chức mà mất an toàn, ngộ độc, cô giáo phó mặc cho  bên tổ chức sự kiện sẽ mất đi ý nghĩa của hoạt động giáo dục".

Về việc giáo viên có hoa hồng 10.000 đồng/học sinh khi đi dã ngoại, PGS Nam khẳng định: "Quan điểm của tôi, nếu đây là chương trình trong năm học thì không nên có bất cứ nguồn lợi nào liên quan đến các hoạt động đã tổ chức. Nếu có hoạt động, trường phải thông báo cụ thể từ đầu năm. Còn nếu đây là hoạt động giáo dục thì không nên có kinh phí hay hoa hồng gì đó liên quan. 

Tôi không nhận xét đúng sai nhưng nếu đây là yêu cầu chuẩn đầu ra phát triển năng lực, phẩm chất người học theo chương trình mới, nhà trường chỉ nên huy động thêm nguồn lực để tổ chức cho học sinh tham gia. Trách nhiệm đó là của giáo viên nên không có thêm lợi tức hưởng từ bên thứ 3, bởi như vậy sẽ khiến hành động của giáo viên vi phạm chuẩn mực đạo đức".

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, một chuyên gia giáo dục khác cho hay: "Trải nghiệm thì không biết bao nhiêu là đủ, trẻ càng có điều kiện càng cần được học trải nghiệm. Học với bảng đen phấn trắng khác xa với học thực tế. Cùng đi học nhưng trẻ em nhiều nước rất hạnh phúc. Không phải kiến thức cao siêu mà cách học không gây buồn chán.

Theo tôi, giáo viên, nhà trường hãy dựa vào nguồn lực sẵn có để tổ chức và phải cung cấp miễn phí để học sinh than gia. Hiện nay các trường đang lấy phong trào học trải nghiệm để thu phí là không đúng. Đây là dạy thêm, học thêm một cách trá hình. Thay vì đưa học sinh đến nơi xa xôi để chơi, thầy cô nên đưa các em đến công viên, bảo tàng bên cạnh trường... để các em được học, được trải nghiệm".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem