Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Hà Thị Khuyên - Trưởng Văn phòng luật sư Nhân Chính cho biết, Điều 21 Hiến pháp năm 2013 quy định, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.
Còn trong Điều 34 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
Ngoài ra, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2020, tại Điều 72 vẫn quy định chỉ công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng việc xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong các trường hợp vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dược, khám bệnh, chữa bệnh, lao động, xây dựng…
Như vậy, việc xử phạt hành chính về hành vi mua dâm, bán dâm không thuộc trường hợp cơ quan chức năng được phép công khai quyết định xử phạt. Vì thế, hiện nay nhiều nơi công khai danh tính người bán dâm là trái quy định pháp luật.
Theo luật sư Khuyên, việc công khai thông tin cá nhân hoặc hình ảnh người mua dâm không chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của họ mà còn có khả năng hủy hoại cuộc sống gia đình, công việc của họ, không ít gia đình đã tan nát vì có người thân tham gia vào đường dây mua bán dâm.
Đặc biệt trong thời kỳ công nghệ phát triển như hiện nay thì chỉ cần vài giờ là hình ảnh của người tham gia hoạt động mua bán dâm đã tràn lan khắp các trang mạng xã hội, rồi lan truyền đến đồng nghiệp và người thân trong gia đình. Đây là hệ lụy rất lớn nếu công khai danh tính người mua bán dâm.
Về hành vi mua bán dâm, theo vị luật sư, khoản 1, 2 Điều 3 Pháp lệnh phòng, chống mại dâm 2003 quy định, hành vi bán dâm là hành vi giao cấu của một người với người khác để được trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác.
Còn hành vi mua dâm là hành vi của người dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác trả cho người bán dâm để được giao cấu. Điều 4 Pháp lệnh phòng, chống mại dâm 2003 quy định mua dâm, bán dâm là những hành vi nghiêm cấm thực hiện.
Căn cứ Điều 22 Pháp lệnh phòng, chống mại dâm 2003, người có hành vi mua dâm tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính bằng hình thức cảnh cáo hoặc phạt tiền.
Theo đó, Điều 24 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi mua dâm là phạt tiền từ 1 đến 2 triệu đồng và phạt tiền từ 2 đến 5 triệu đồng trong trường hợp mua dâm từ 2 người trở lên cùng một lúc. Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật vi phạm hành chính.
Còn trường hợp mua dâm người dưới 18 tuổi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 329 Bộ luật hình sự 2015 về tội mua dâm người dưới 18 tuổi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.