Ngỡ ngàng trước hàng loạt lý do khiến lao động làng nghề ở Hà Nội không muốn tham gia BHXH tự nguyện

Thùy Anh Thứ năm, ngày 23/05/2024 19:00 PM (GMT+7)
Cả nước có hàng triệu lao động đang làm tại làng nghề, tuy nhiên, chỉ một bộ phận tham gia BHXH tự nguyện. Điều này được phóng viên ghi nhận tại các làng nghề Hà Nội.
Bình luận 0

Không muốn tham gia BHXH tự nguyện vì nghĩ lương hưu thấp

Ngày nào cũng vậy, đều đặn từ 7 giờ sáng, anh Nguyễn văn Sáng (35 tuổi) ở làng nghề Khảm trai Chương Mỹ đến xưởng để bắt đầu công việc làm khảm trai tại Xưởng sản xuất đồ gỗ Duy Hải Phát (Chương Mỹ, Hà Nội).

Anh Sáng cho biết: "Tôi làm nghề được gần 20 năm, công việc nhìn có vẻ nhẹ nhàng vì chỉ toàn ngồi cắt gọt hình ảnh khảm trai nhưng thực tế cũng khá vất vả. Ngồi nhiều đau lưng, mỏi mắt, được cái nắng không đến mặt, mưa không đến đầu và thu nhập cũng tương đối ổn định".

Hiện nay thu nhập của anh Sáng được khoảng 10-14 triệu đồng/tháng, tùy thuộc vào ngày công làm việc. Trung bình ngày công khoảng 300-500 nghìn đồng, tùy tay nghề của từng lao động.

Ngỡ ngàng trước hàng loạt lý do khiến lao động làng nghề ở Hà Nội không muốn tham gia BHXH tự nguyện- Ảnh 1.

Hầu hết lao động tại làng nghề chưa tham gia BHXH tự nguyện. Ảnh: Duy Khánh

Khi được phóng viên Báo Dân Việt đặt câu hỏi "có hay không tham gia BHXH tự nguyện, BHYT" anh Sáng chỉ cười bù: "Thu nhập mang tiếng là cao nhưng thực tế vẫn không đủ chi phí cho cuộc sống vì chúng tôi phải chi phí khá nhiều khoản, chưa kể tiền lương không ổn định, tiền lương hưu hưởng sau này thấp".

Một lý do nữa khiến anh Sáng không muốn tham gia BHXH tự nguyện là vì có vợ đi công ty, được đóng BHXH bắt buộc rồi. Anh Sáng cho biết, tuổi nghề thấp nên 40 tuổi là những lao động làm nghề bắt đầu đau mỏi, mắt mờ nên không thể làm nghề được nữa. Lúc đó phải chuyển nghề hoặc mở xưởng thuê lao động tự làm.

Tương tự, bà Lê Thị Anh, 58 tuổi (xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, TP. Hà Nội) - một lao động tự do ở đây cũng cho biết chị chưa tham gia BHXH, mới chỉ có BHYT. Bà Anh kể bà làm nghề buôn bán chân hương và cho thuê trang phục chụp ảnh tại điểm du lịch, thu nhập chỉ khoảng 6 triệu đồng/tháng. Vì thế, thời điểm hiện tại chị cũng chưa nghĩ đến việc đóng BHXH vì còn phải nuôi 3 đứa con, trong khi đó thời gian đóng quá dài.

Ngỡ ngàng trước hàng loạt lý do khiến lao động làng nghề ở Hà Nội không muốn tham gia BHXH tự nguyện- Ảnh 2.

Nhiều lao động ở làng nghề muốn tham gia BHXH tự nguyện nhưng lại chưa thể tham gia bởi theo họ, quyền lợi bị hạn chế. Ảnh: Duy Khánh

"Hiện nay, đa số người dân trong thôn chỉ tham gia BHYT, ít người tham gia BHXH. Bởi lẽ, quyền lợi hưởng BHXH tự nguyện phải trên 20 năm mới được hưởng, trong khi đó thu nhập của người dân ở đây thấp, mức đóng cao và phải phụ thuộc vào độ tuổi để đóng. Như tôi bây giờ muốn đóng cũng không được", bà Lan Anh nói. 

Tìm giải pháp giúp lao động làng nghề tiếp cận với an sinh nói chung và BHXH tự nguyện nói riêng

Làng nghề giúp bảo tồn các giá trị văn hóa nhưng đồng thời cũng tạo ra nhiều cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho lao động nhưng phần đông các lao động ở làng nghề lại chưa tiếp cận được với các vấn đề về an sinh - xã hội.

Theo báo cáo của Hiệp Hội làng nghề Việt Nam, hiện cả nước có 5.407 làng nghề đang hoạt động, trong đó có 1.748 làng nghề truyền thống, thu hút khoảng 11 triệu lao động và mang lại kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,7 tỷ USD/năm.

Vấn đề này cũng đã được đặt ra tại tọa đàm "Để lao động làng nghề tiếp cận an sinh xã hội" do Báo Kinh tế và Đô thị, Tổ chức ActionAid quốc tế tại Việt Nam (AAV) và Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) phối hợp tổ chức, nằm trong khuôn khổ các hoạt động của chương trình truyền thông "Những cống hiến thầm lặng năm 2024".

Tại tọa đàm, các chuyên gia đã cùng trao đổi để đưa ra các giải pháp, đề xuất các chính sách để góp phần bảo đảm chính sách an sinh xã hội, nâng cao tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện của người lao động tại làng nghề.

Ngỡ ngàng trước hàng loạt lý do khiến lao động làng nghề ở Hà Nội không muốn tham gia BHXH tự nguyện- Ảnh 3.

Ông Ngô Xuân Giang - Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Ứng Hòa (Hà Nội) cho biết việc vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Duy Khánh

Ông Ngô Xuân Giang - Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Ứng Hòa (Hà Nội) cho biết, hiện nay tỷ lệ người tham gia BHXH trên địa bàn huyện còn thấp.

Ông Giang dẫn ra ví dụ: Như xã Quảng Phú Cầu, nơi nổi tiếng với nghề làm tăm hương truyền thống, có dân số 12.656 người. Số trong độ tuổi lao động 7.379 với mức thu nhập bình quân là 72 triệu đồng/năm/lao động nhưng hiện tại chỉ có 88 người tham gia BHXH tự nguyện. Tuy nhiên, thực tế vẫn có những người dân sẵn sàng chi cả chục triệu đồng một năm để tham gia bảo hiểm thương mại, nhưng lại cân nhắc với số tiền vài trăm nghìn đồng hoặc hơn 1 triệu đồng để tham gia BHXH tự nguyện. Lý do chính là họ chưa hiểu chính xác về về chính sách an sinh xã hội của Nhà nước.

Ông Giang cho biết, để khuyến khích người dân tham gia BHXH, vừa qua TP Hà Nội đã có chính sách hỗ trợ tiền đóng cho lao động tham gia BHXH tự nguyện thời gian từ tháng 8/2022 đến 31/12/2025, bằng với mức hỗ trợ của Chính phủ.

Ngoài ra, BHXH huyện cũng ký hợp đồng với bưu điện huyện và Dịch vụ thu phát của Viettel để chi trả tiền lương hưu và phát triển BHXH tự nguyện. BHXH huyện còn phối hợp với các địa phương, tuyển thêm các cộng tác viên từ thôn, bản để cộng tác viên vào từng nhà vận động tuyên truyền người dân tham gia BHXH; BHYT.

Chia sẻ thêm tại tọa đàm, ông Tạ Việt Anh - Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) nhấn mạnh đến tầm quan trọng của làng nghề trong việc xóa đói, giảm nghèo và trực tiếp giải quyết việc làm cho người lao động nông thôn, góp phần tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống văn hóa cho người dân. Tuy nhiên, ông Việt Anh cũng trăn trở vì tỷ lệ lao động tại làng nghề tham gia BHXH tự nguyện rất thấp. Điều này dẫn đến nguy cơ lọt lưới an sinh khi người dân hết tuổi lao động, tạo gánh nặng cho con cái, cộng đồng khi về già.

Đại diện của AFV hy vọng, trong lần bàn thảo của kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sẽ có nhiều điểm mới để "hút" lao động tự do nói chung và lao động làng nghề nói riêng tham gia BHXH tự nguyện, hướng tới mục tiêu bao phủ BHXH toàn dân.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem