Huỳnh Xây
Thứ năm, ngày 01/08/2024 09:37 AM (GMT+7)
Vài năm trở lại đây, lục bình mọc đầy sông ở miền Tây, khiến người dân gặp khó khăn khi vận chuyển hàng hóa, nông sản. Nguyên nhân lục bình mọc đầy sông được lý giải là do nguồn nước chảy chậm và yếu.
Lục bình mọc đầy sông, người dân gặp khó khăn khi vận chuyển hàng hóa, nông sản
Thời gian gần đây, xuất hiện tình trạng lục bình mọc đầy trên nhiều con sông ở các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Người dân cho hay, tình trạng trên khiến cho việc vận chuyển hàng hóa, nông sản gặp nhiều khó khăn.
Cụ thể, theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay, con sông Lộ Quan dài 6km, rộng khoảng 15-20m chạy qua phường Thuận An, Thị xã Long Mỹ và xã Thuận Hưng (huyện Long Mỹ, Hậu Giang) đang phủ kín lục bình. Theo đó, các phương tiện ghe rất khó để có thể lưu thông.
Ông Nguyễn Văn Khương ở xã Thuận Hưng có nhà cặp sông Lộ Quan cho hay, lục bình mọc rất nhiều không thể dọn hết được. Do vậy, ghe chở lúa không vào được ruộng, thương lái phải chở bằng xe tải. Lúc này, thương lái yêu cầu phải mua thấp hơn 100 đồng/kg vì bị hạn chế tải trọng, không chở được nhiều.
"Tôi có hơn 1 ha diện tích trồng lúa, vụ lúa nào cũng vậy, khi thu hoạch phải tập kết ra đường lớn, thương lái đến chở bằng xe tải thay vì bằng ghe nên ép giá 100 đồng/kg. Không riêng tôi, ai làm lúa trong khu vực cũng gặp tình trạng tương tự" - ông Khương nói.
Ông Phan Văn Quận cũng có nhà ở cặp sông Lộ Quan ở xã Thuận Hưng chia sẻ, con sông trước nhà bị xịt thuốc trừ cỏ 2 tháng trước, nay đã xanh tốt, dày đặc trở lại.
Ông Quận nói: "Mỗi khi người dân hùn tiền mua thuốc diệt cỏ xịt cho lục bình chết bớt, các ghe mới vào được sông này. Tuy nhiên, không lâu đó, con sông lại dày đặc lục bình trở lại".
Hiện nay, để mua được thức ăn cho cá, ông Quận phải đẩy chiếc xuồng từ nhà vượt qua khoảng 500 m sông đầy lục bình, mất khoảng cả tiếng mới ra ra đại lý thức ăn (nếu không có lục bình, ông Quận chỉ mất khoảng 15 phút).
Tại con sông Cái dài hàng chục km, rộng 20-30 m chảy qua địa phận huyện Long Mỹ và thị xã Long Mỹ cũng phủ kín lục bình. Tình trạng này, ngoài việc gây khó khăn cho phương tiện ghe đi lại, còn gây ô nhiễm môi trường, khó khăn trong tiêu thoát nước trong mùa mưa.
Một số thương lái cho hay, rất ngán ngại khi thu mua lúa ở vùng sông rạch có lục bình mọc đầy ở huyện Long Mỹ và thị xã Long Mỹ vì tốn rất nhiều thời gian và chi phí phát sinh.
"Ghe chở lúa 10 tấn của tôi chạy trên sông Cái đoạn khoảng 10 km phải mất gần 3 tiếng và tốn gần 10 lít dầu, trong khi trên các con sông thông thoáng, không có lục bình chỉ mất 1,5 tiếng và 5 lít dầu" - Ông Trần Văn Năm - người làm nghề thu mua lúa cho biết.
Không chỉ 2 con sông trên, nhiều con sông khác ở huyện Long Mỹ, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang cũng gặp tình trạng tương tự.
Nguyên nhân lục bình mọc đầy sông do đâu?
Về nguyên nhân lục bình mọc đầy sông, ông Nguyễn Văn Diên – Chủ tịch UBND thị xã Long Mỹ nhận định, là do dòng nước chảy yếu và chậm khiến lục bình sinh sôi nảy nở rất nhanh, ảnh hưởng đến sản xuất của người dân.
Để khắc phục tình trạng trên, ông Diên cho hay, địa phương sẽ cho kiểm tra, khảo sát cụ thể để đưa ra phương án xử lý hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Ông Lê Hồng Việt – Phó Chủ tịch UBND huyện Long Mỹ cũng cho biết, do nước chảy chậm và yếu đã khiến lục bình phát triển nhanh.
"Địa phương nằm trong vùng giáp nước, do đó mực nước thủy triều lên xuống chênh lệch không cao, cũng vì vậy mà nước chảy rất chậm và yếu, tạo điều kiện tốt để lục bình phát triển" - ông Việt thông tin.
Hàng năm, huyện Long Mỹ đều tổ chức nhiều đợt ra quân thu dọn lục bình, khơi thông dòng chảy… nhưng không xuể trước số lượng quá lớn, còn việc phun xịt thuốc diệt lục bình không được cho phép.
Hiện nay, huyện Long Mỹ có 22.000 ha đất sản xuất nông nghiệp (trong đó khoảng 18.000 ha trồng lúa), nhu cầu vận chuyển hàng hóa nông sản bằng đường thủy rất lớn. Tuy nhiên, hiện có 70-80% diện tích sản xuất nông nghiệp của huyện nằm trong vùng có các tuyến sông, rạch bị lục bình phủ kín.
Được biết, các cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ chỉ tiêu thụ một phần nhỏ nguyên liệu lục bình tại huyện Long Mỹ.
Đại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hậu Giang cho rằng, để xử lý lục bình mọc dày đặc trên các sông, địa phương cần đầu tư hệ thống máy móc thu gom, xử lý một cách đồng bộ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.