Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Cảng vụ hàng không miền Bắc cho biết, ở sân bay nào cũng có hệ thống báo khẩn nguy. Tuy nhiên, ở các sân bay lẻ như Đồng Hới (Quảng Bình), TP.Vinh (Nghệ An)… có hệ thống báo khẩn nguy, nhưng chỉ phục vụ được một chuyến bay nhỏ, ít người. Do vậy, khi chuyến bay VN 1266 gặp sự cố kỹ thuật, tổ bay đã phải hạ cánh khẩn cấp sân bay Nội Bài. Bởi vì sân bay này có đầy đủ đội ngũ cán bộ, kỹ thuật, phương tiện hỗ trợ cho các máy bay gặp trục trặc khi cần thiết. Mặt khác, nếu bay từ Nội Bài – TP Vinh cũng khá gần.
Ông Sơn cho biết, khi áp suất trong máy bay giảm thì mặt nạ dưỡng khí tự bung ra để đảm bảo hành khách không bị ù tai, chóng mặt, khó thở. Cũng có một số trường hợp, phi công cảm thấy áp suất giảm cần phải mở ngay để đảm bảo dưỡng khí tốt hơn cho hành khách thì họ sẽ ấn nút bung mặt nạ ra trước khi nó tự động mở ra. Khi xảy ra sự cố, đã kích hoạt hệ thống khẩn nguy.
“Hiện tại chúng tôi đang xem xét tính hợp lý, đến các yêu cầu đặt ra đối với công tác chỉ huy, điều hành, hoạt động bay trong vùng. Đồng thời tìm ra nguyên nhân sự cố khiến máy bay VN1266 bị ảnh hưởng”, ông Sơn nói.
Máy bay của Vietnam Airlines tại sân bay Nội Bài. Ảnh minh họa
Trung tá không quân, Lê Trọng Sành, nguyên trưởng phòng quản lý bay sân bay Tân Sơn Nhất cho hay, trong trường hợp máy bay đang bay bị gặp trục trặc, giảm sáp suất thì tổ lái hoàn toàn có thể hạ cánh ở sân bay gần nhất. Nhưng nếu tổ lái thấy vẫn đảm bảo an toàn cho hành khách được và muốn hạ cánh xuống sân bay có điều kiện tốt nhất để kiểm tra thì hoàn toàn nên làm.
“Tuy nhiên sự cố xảy ra với chuyến bay VN1266 vừa qua tôi chưa từng thấy. Đây cũng là vấn đề đáng lưu ý để các đơn vị vận hành bay xem xét, kiểm tra lại để đảm bảo an toàn cho hành khách trên mỗi chuyến bay”, ông Sành chia sẻ.
Ông Sành cho biết thêm, giả sử trong trường hợp xấu máy bay gặp phải không tặc tấn công thì tổ lái nên bình tình xử lý, có thể ấn nút thông báo có không tặc để cảnh báo. Mặt khác, phải làm theo yêu cầu của không tặc để đảm bảo cho hành khách hạ cánh xuống sân bay an toàn.
Theo phi công từng vận hành bay trong quân đội (xin giấu tên), thông thường động cơ sẽ nén khí vào bên trong buồng khách và buồng lái của máy bay. Khi áp suất bên trong máy bay giảm thì phi công sẽ phải hạ độ cao, đến một mức nào đó (có thể là 7 km hoặc 10km) mặt nạ dưỡng khí sẽ tự bung ra để hỗ trợ hành khách.
Việc máy bay VN1266 giảm độ cao xuống 7km so với độ cao ban đầu không ảnh hưởng gì nhiều đến hành khách. Nếu có thì sau đó hành khách chỉ có đau tai nhẹ. Trong trường hợp gặp trục trặc lớn về mặt kỹ thuật thì tổ lái sẽ ấn những nút thông báo để xin hỗ trợ từ Tổng công ty quản lý bay.
Phi công này cho biết, có nhiều lý do dẫn đến sự cố trên nhưng cũng không loại trừ khả năng máy bay bị hở một chỗ nào đó nên không khí ở ngoài đã tràn vào trong và áp suất trong khoang máy bay đã bị giảm xuống.
Lúc 19h15 phút ngày 16.12, chuyến bay của Vietnam Airlines mang số hiệu VN1266, xuất phát từ TP. Hồ Chí Minh đến TP. Vinh khởi hành lúc 17 giờ 12 phút (giờ địa phương), khi đến gần sân bay Vinh đã gặp trục trặc kỹ thuật, áp suất trong khoang giảm đột ngột. Máy bay đã phải hạ độ cao khẩn cấp và mặt nạ dưỡng khí bung ra để hỗ trợ hành khách.
Theo lý giải của VietNam Airlines, tổ bay đã xin hạ cánh khẩn cấp tại Nội Bài để có điều kiện trợ giúp tốt nhất. Ngay sau đó, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài kịp thời triển khai công tác khẩn nguy sân bay. Tàu bay cùng toàn bộ 135 hành khách và 7 thành viên tổ bay hạ cánh an toàn.
Máy bay Airbus A321, số hiệu đăng ký VNA357 được Vietnam Airlines đưa vào khai thác năm 2008. Kỳ kiểm tra kỹ thuật gần nhất của tàu bay này là ngày 12/11/2014. Tổ bay gồm có Cơ trưởng là Ông PECHANEC MAREK, quốc tịch CH Séc. Lái phụ: Ông Đỗ Hoàng Nam Phúc, quốc tịch Việt Nam
Vui lòng nhập nội dung bình luận.