Vì sao mỗi km đường sắt HN giảm gần 1.000 tỷ đồng sau rà soát?

Thành An Thứ ba, ngày 21/11/2017 17:37 PM (GMT+7)
Với việc rà soát, tính toán lại các chi phí, tổng mức đầu tư đoạn đường sắt 5,9km đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình thuộc tuyến đường sắt đô thị số 2 của Hà Nội giảm hơn 5.800 tỷ đồng, tương đương mỗi km được điều chỉnh giảm khoảng 1.000 tỷ đồng.
Bình luận 0

Mới đây TP.Hà Nội có văn bản số 5037/UBND-KH&ĐT về việc giải trình ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đối với Đề xuất dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP.Hà Nội số 2, đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình dự kiến sử dụng vốn ODA Nhật Bản.

Theo đề của UBND TP.Hà Nội, dự án được lập tháng 3.2017 với tổng mức đầu tư khoảng 34.743 tỷ đồng (căn cứ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án lập năm 2012). Tổng chiều dài tuyến là 5,9km đi ngầm, ước tính chi phí đầu tư trung bình là 5.888 tỷ đồng/km (tương đương khoảng 259 triệu USD/km theo tỷ giá hiện nay).

img

Sau rà soát mỗi km đường sắt đô thị Hà Nội giảm gần 1.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau khi tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng UBND TP.Hà Nội đã chỉ đạo Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội tính toán lại tổng mức đầu tư trên cơ sở tham khảo đơn giá, suất đầu tư trong tổng mức đầu tư đề nghị điều chỉnh của dự án Tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo đã được Bộ KH&ĐT tổ chức thẩm định để tính toán lại tổng mức đầu tư của dự án này.

Theo đó, tổng mức đầu tư dự án còn 28.918 tỷ đồng (tựơng đương 144,31 tỷ Yên Nhật). Như vậy, sau khi rà soát, tính trung bình mỗi km dự án đường sắt đô thị Trần Hưng Đạo - Thượng Đình giảm khoảng 1.000 tỷ đồng.

Cụ thể, với mức chi phí bao gồm: Chi phí xây dựng, được tính toán dựa trên cơ sở khối lượng từ hồ sơ thiết kế cơ sở; đơn giá áp dụng dựa trên việc phân tích định mức do Bộ xây dựng công bố theo các điều kiện giá hiện hành tại thành phố Hà Nội tại thời điểm tháng 5.2017. Một số đơn giá không nằm trong định mức được áp dụng theo báo giá của nhà cung cấp hoặc tham khảo từ dự án khác tương tự.

Chi phí mua sắm, xây dựng và lắp đặt hệ thống đường sắt gồm: Đầu máy toa xe, công trình đường sắt, thông tin, tín hiệu, hệ thống cung cấp điện nguồn, hệ thống cung cấp điện sức kéo, hệ thống thu phí, hệ thống cửa ngăn ke ga, các trang thiết bị SCADA, biển chỉ dẫn... được tính toán dựa trên cơ sở tham khảo đơn giá của dự án Tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (số lượng toa xe cần đầu tư được tính toán theo kế hoạch sẽ vận hành đoàn tàu 6 toa từ 2030, với giãn cách chạy tàu là 3 phút và từ năm 2050 là 2,73 phút).

Chi phí quản lý dự án của chủ đầu tư: Bao gồm các chi phí cần thiết cho việc tổ chức thực hiện việc quản lý dự án của chủ đầu tư trong suốt thời gian chuẩn bị dự án, thực hiện dự án đến khi hoàn thành nghiệm thu bàn giao đưa công trình vào khai thác sử dụng. Chi phí này được tạm tính khoảng 2% chi phí xây dựng, lắp đặt.

Chi phí tư vấn đầu tư và xây dựng: Các chi phí tư vấn liên quan đến giai đoạn chuẩn bị dự án như khảo sát, lập dự án đầu tư, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường được tính theo hợp đồng đã ký kết; các chi phí thẩm tra được tính theo định mức tỷ lệ do Bộ Xây dựng công bố...

img

Sơ đồ hướng tuyến các tuyến đường sắt đô thị Hà Nội.

Bên cạnh đó, các chi phí cho dịch vụ tư vấn liên quan đến giai đoạn thực hiện dự án như khảo sát bổ sung, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, giám sát xây dựng, giám sát lắp đặt thiết bị và quản lý dự án được tạm tính trên cơ sở kinh nghiệm như đối với các dự án có sử dụng dịch vụ tư vấn có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam.

Ngoài ra, các chi phí khác như chi phí cần thiết cho việc thực hiện dự án bao gồm các loại lệ phí, chi phí trong đấu thầu, chi phí bảo hiểm công trình, chi phí kiểm toán, thẩm tra và phê duyệt quyết toán... được tính trên cơ sở áp dụng các quy định hiện hành. Các chi phí như rà phá bom mìn vật nổ, chi phí huy động và giải thể, đảm bảo an toàn giao thông và các chi phí cần thiết khác được tạm tính.

Bên cạnh đó, còn có các vấn đề liên quan đến chi phí vay, cho phí dự phòng (trượt giá, phát sinh khối lượng), chi phí bồi thường mặt bằng, chi phí dịch chuyển và di dời các công trình tiện ích hiện hữu, thuế giá trị gia tăng.

Tuy nhiên, tổng mức đầu tư này mới chỉ là dự kiến ở giai đoạn Đề xuất dự án, việc làm rõ căn cứ suất đầu tư và tổng mức đầu tư cũng như phân tích, rà soát loại bỏ các chi phí không thực sự cần thiết nhằm đảm bảo hiệu quả của dự án sể được phân tích, đánh giá và lập trong giai đoạn lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và Báo cáo nghiên cứu khả thi" – báo cáo của UBND TP.Hà Nội cho biết.

Theo UBND TP.Hà Nội, tại thời điểm lập và trình đề xuất dự án sử dụng vốn ODA, tổng số vốn ODA vay lại của dự án là 18.649,5 tỷ đồng; vốn đối ứng sử dụng ngân sách của TP chi cho phí quản lý, tư vấn…. là 5.606.743 triệu đồng. Được biết tổng dư nợ của TP tính đến hết tháng 7.2017 là 8.284,6 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem