Có hay không một âm mưu “thôn tính”?
Ông Yew Kean Lai, tên thường gọi là Simon, gầy rộc đi trong mấy tuần qua vì lo âu. Ông nói: “Thời điểm hiện nay, công ty ANCO với 800 cán bộ công nhân viên, 1.000 đại lý, và hơn 100.000 hộ chăn nuôi đang bị ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và kinh doanh hàng ngày.
Chúng tôi đang trong tình trạng suy sụp và bất an khi liên tục bị hai người cộng sự cũ, vốn là các thành viên trong HĐQT ANCO (ông Thân Trung Tín, Tổng Giám đốc đến ngày 20.11.2013; ông Lê Văn Hiếu, Phó Tổng Giám đốc đã bị bãi nhiệm) đưa ra những thông tin sai lệch, phiến diện nhằm mục đích bôi xấu, hủy hoại danh dự của công ty và gây bất ổn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty ANCO”.
Như báo Công An TP.HCM đã đưa tin, trước đó, ông Thân Trung Tín, nguyên là tổng giám đốc và phó chủ tịch HĐQT công ty ANCO đã cùng rất đông nhân viên thân tín của mình và người nhà của họ lập ra một nhóm các công ty cạnh tranh với thương hiệu RICO.
Nhóm lợi ích riêng này ra sức sử dụng quyền lực của mình tại ANCO để phục vụ cho lợi ích của RICO như sử dụng nhân viên bán hàng đi bán sản phẩm của đối thủ, chèn ép các đại lý và đe dọa những ai không theo phe họ. Những sự việc này, cơ quan điều tra của tỉnh Đồng Nai đã vào cuộc để làm rõ về việc cạnh tranh không lành mạnh.
Nhưng vì sao một công ty đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ suốt 10 năm qua, doanh số lên đến hơn 6.500 tỷ đồng mỗi năm lại rơi vào tình trạng khủng hoảng nội bộ dẫn đến những rủi ro cả về kinh tế lẫn về danh dự? Đó là một điều mà nhiều thành viên còn lại ở ANCO gọi là một “âm mưu”.
Ông Simon cho biết: “Gần 20 năm quen biết và làm việc chung, ông Thân Trung Tín đã tạo cho tôi cảm giác về một người thân trong gia đình, lúc nào cũng gắn bó như anh em trong nhà. Vì vậy, bất cứ lúc nào, kể cả lúc tôi khó khăn nhất về tài chính, thì ANCO vẫn là địa chỉ để tôi tập trung tiền bạc, công sức để giữ mức tăng trưởng theo đề nghị của ông Tín – vốn là tổng giám đốc.
Tôi thực sự không ngờ từ lâu, ông Tín đã thiết kế một cuộc lật đổ từ bên trong, nhằm biến ANCO thành một mắc xích của RICO. Khi tôi phát hiện và thực hiện việc điều chỉnh để cứu công ty đang bị lao dốc, thì ông này đã bộc lộ rõ mong muốn đánh sập ANCO để dọn đường cho công ty riêng của mình thông qua việc hủy hoại danh dự và sự vận hành bình thường của công ty”.
Bài học về đạo đức kinh doanhTrước những nghi án về việc công ty ANCO chuyển giá và hành xử không đúng với nhân viên, ông Simon phân trần: “Tôi đã lớn tuổi, và đã làm kinh doanh suốt cuộc đời rồi, tôi không bao giờ muốn làm việc xấu. Tôi luôn yên tâm khi thấy ANCO là một trong những đơn vị đóng thuế nhiều nhất trong ngành và giá sản phẩm luôn rẻ nhất.
Tôi thật sự phẫn nộ và đau khổ khi chính ông Tín và ông Hiếu là những người Việt Nam ở vị trí điều hành cao nhất tại công ty ANCO lại đổ lỗi cho cá nhân tôi. Cả một tập thể người Việt Nam như vậy làm sao cá nhân tôi có thể “ra lệnh” được cho họ, khi chính họ điều hành chính sách công ty, chính họ là người đang được hưởng lương cao nhất, quyền cao nhất, quyết định cao nhất trong điều hành Công ty.
Họ cũng chính là những cổ đông. Khi họp HĐQT, nếu ý kiến nào của tôi không đúng, họ có quyền biết hoặc phát biểu. Với các việc mua bán trong công ty, họ phải là người quyết định và chịu trách nhiệm trước pháp luật mới đúng sự thật. Vì ANCO, vì hàng trăm cán bộ nhân viên, hàng ngàn đại lý, cũng như hàng chục ngàn người chăn nuôi, chính tôi đã gửi đơn cứu xét đi các cơ quan chức năng để đề nghị kiểm tra các sai phạm mà báo chí đã nêu. Nếu tôi là người làm, chắc chắn tôi không dám đi gửi các văn bản đó.
Mọi việc điều hành trước đây đều do ông Tín và ông Hiếu phụ trách vì tôi vô cùng tin tưởng họ. Nếu chúng tôi vi phạm và các ông này nắm rõ bằng chứng, vì sao không chờ cơ quan chức năng kết luận mà lại vội vàng đi gặp báo chí để đưa một mớ thông tin sai lệch?
Đó là vì hơn ai hết, họ hiểu rằng mong muốn lớn nhất của chúng tôi là làm ăn lương thiện, chăm sóc cho cán bộ công nhân viên – đại lý, đóng góp những sản phẩm tốt nhất cho xã hội và tìm kiếm lợi nhuận hợp pháp cho mình. Vì vậy, tôi đã đi mời tất cả cơ quan chức năng vào thanh kiểm tra để trả lại danh dự cho mình, một việc mà nếu cố tình làm sai, sẽ không ai có những hành động như vậy cả”.
Sự chua xót hiện rõ trong giọt nước mắt uất nghẹn của người đàn ông từng được bà con nông dân miền Tây ôm lấy người để cám ơn vì nhờ ANCO, họ có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Ông thì thầm: “Hành động vi phạm đạo đức kinh doanh, đạo đức làm người này không chỉ là sự phản bội đối với ANCO, mà còn là việc cố tình xâm hại lợi ích của hơn 800 cán bộ công nhân viên, hơn 1.000 đại lý và hàng trăm ngàn hộ chăn nuôi đang sử dụng sản phẩm của chúng tôi”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.