Vì sao người cháu kỳ tài của Gia Cát Lượng bị ám sát và tru di tam tộc
Vì sao người cháu kỳ tài của Gia Cát Lượng bị ám sát và tru di tam tộc
Thứ ba, ngày 07/03/2023 11:31 AM (GMT+7)
Gia Cát Khác (203 - 253) tự Nguyên Tốn, là con cả của Gia Cát Cẩn, gọi Gia Cát Lượng bằng chú. Ông là vị đô đốc kế nhiệm Lục Tốn và cũng là một trong những nhân vật hiếm hoi của Đông Ngô, được Tam quốc diễn nghĩa nhắc đến sau khi Gia Cát Lượng qua đời bên cạnh những cái tên như Khương Duy, Chung Hội, Đặng Ngải.
Theo Tam quốc diễn nghĩa, Gia Cát Khác là người thông minh lanh lợi, có tài từ nhỏ, giỏi ăn nói, ứng đối hơn người. Gia Cát Khác hàng ngày thường tự đặt ra câu hỏi và tìm cách giải thích. Ông có tài nghị luận, ứng đối nhiều người không theo kịp. Tôn Quyền từ khi gặp Gia Cát Khác rất quý mến ông.
Về tài dùng binh của Gia Cát Khác thì Tam quốc diễn nghĩa kể khi quân Ngụy khởi binh đánh Ngô, chia làm 3 đường, trong đó cánh quân 7 vạn người do Hồ Tôn, Gia Cát Diên chỉ huy đánh vào Đông Hưng. Gia Cát Khác nghe tin, bèn mang 4 vạn quân đi ngày đêm tới Đông Hưng cứu viện.
Hồ Tôn lệnh cho quân sĩ làm cầu nổi vượt qua hồ, tiến gần vào đập, chia quân làm 2 đường. Gia Cát Khác cắt đặt Đinh Phụng cùng Lã Cứ, Lưu Tán đi trước. Đinh Phụng hành quân khẩn cấp đến chiếm cứ Từ Đường, nhân lúc Hồ Tôn trễ nải canh phòng vì trời đang tuyết, phát lệnh tấn công. Quân tiên phong của Tào Ngụy bị đánh tan tành, cùng lúc cánh quân Lã Cứ tiến đến trợ chiến khiến quân Ngụy đại bại, rơi xuống sông chết rất nhiều.
Quân Ngô đại thắng, giết hơn 1 vạn quân Ngụy và thu nhiều xe cộ, trâu ngựa. Gia Cát Khác nhờ thắng trận này được Tôn Lượng phong làm Dương đô hầu, gia phong Kinh châu mục, Dương châu mục, thống lĩnh toàn quân.
Có điều trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, La Quán Trung không nói vì sao Gia Cát Khác lại có thể trở thành đại đô đốc, khi hoàng đế khai quốc của nhà Ngô là Tôn Quyền băng hà, Gia Cát Khác được Tôn Quyền di mệnh chọn làm phụ chính đại thần phò tá ấu chúa Tôn Lượng (Tôn Lượng là con trai út của Tôn Quyền. Trong số những người anh của ông thì Tôn Đăng, Tôn Lự mất sớm, thái tử Tôn Hòa bị phế truất, hoàng tử thứ tư là Tôn Bá do có âm mưu tạo phản nên cũng bị ép tự tử, do đó Tôn Lượng được lập làm thái tử).
Tuy nhiên, khoảng thời gian mà ông nhiếp chính lại là một thảm họa quân sự đối với nước Ngô vì ông không ngừng gây chiến với nhà Tào Ngụy. Năm 253, Gia Cát Khác bị ám sát và bị diệt tộc trong cuộc chính biến giành quyền lực.
Về cái chết của ông trong dân gian có giai thoại kể lại rằng, Thái phó Gia Cát Khác của nước Ngô sau khi bại trận bị thương quay về triều, trong lòng vô cùng buồn bực, đã lộ ra bản tính giả tạo và tàn bạo. Gia Cát Khác không chỉ hãm hại đồng liêu mà còn giết chết mấy chục binh lính giữ cổng, khiến lòng người hoang mang. Ngay đến tiểu Hoàng đế Tôn Lượng do ông lập nên cũng muốn tiêu diệt ông. Thế là dưới sự kiến nghị của vài vị đại thần, Tôn Lượng chuẩn bị tru di Gia Cát Khác.
Đêm đó, Gia Cát Khác nằm mơ thấy oan hồn của mấy chục binh lính bị ông vô cớ giết hại đến đòi mạng. Buổi sáng khi thức dậy rửa mặt, ông ngửi thấy nước trong thau toàn là mùi tanh của máu. Trước khi ông đi ra khỏi nhà, một con chó màu vàng trong nhà cắn vào quần của ông, kêu khóc như một đứa trẻ. Trên đường đi, phía trước xe đột nhiên hiện ra một luồng ánh sáng trắng lao thẳng lên trời. Cuối cùng ông bị giết chết. Sau khi chết, hồn phách của ông nhập vào người của một nha hoàn trong nhà để truyền tin cho người nhà, nhưng vẫn không thể tránh được kết cục cả nhà đều bị giết hại thê thảm.
Còn theo sử liệu, tháng 4/252, Tôn Quyền giao cho ông cùng Tôn Hoằng lo liệu hậu sự rồi qua đời. Tôn Hoằng bất hòa với Gia Cát Khác, sợ sau này ông sẽ nắm hết quyền hành nên giấu kín tin Tôn Quyền qua đời, định mạo chiếu để tiêu diệt Gia Cát Khác. Khác biết tin bèn ra tay trước, mang quân tiêu diệt Tôn Hoằng, công bố tin Tôn Quyền mất và tổ chức tang lễ. Gia Cát Khác đưa thái tử Tôn Lượng mới 10 tuổi lên ngôi, tức là Ngô Phế Đế. Đồng thời, Gia Cát Khác viết thư cho em là Gia Cát Dung đang trấn thủ Công An, dặn lo việc nước cẩn thận.
Gia Cát Khác nhận chức thái phó làm phụ chính. Để yên lòng dân chúng, Gia Cát Khác thủ tiêu chế độ giám sát dân, bỏ chức quan Giám sát, xóa bỏ thuế còn nợ của dân và xóa bỏ thuế quan. Do đó nhân dân trong nước Đông Ngô rất ca ngợi ông. Bất cứ nơi nào ông xuất hiện, luôn có đám đông dân chúng reo hò để được ông chú ý.
Cuối năm 252, Gia Cát Khác cho xây lại đê Đông Hưng, con đê này do Tôn Quyền cho xây dựng vào năm 230 nhưng lại bị phá hủy vào năm 241, nhằm tạo ra một hồ chứa nước gần Hồ Sào với mục đích là dùng nó để chống lại những cuộc tấn công của Tào Ngụy trong tương và cùng với hai thành trì gần đó sẽ tạo thành bàn đạp để thủy sư nước Ngô có thể tiến công nước Ngụy bất cứ lúc nào.
Đầu năm 253, ông lại muốn xuất quân đánh Ngụy. Các đại thần cho rằng với thực lực của Đông Ngô không nên ra quân, nhưng ông không nghe, phát hịch ra toàn dân chúng kêu gọi đánh Ngụy. Ông còn liên kết với phụ chính đại thần của Thục Hán là Khương Duy để cùng nhau tiến quân. Xong lần xuất quân này của Gia Cát Khác bị thất bại, nhưng ông không về nước ngay mà lưu lại ở Giang Chử 1 tháng, tới khi triều đình có lệnh mang quân về ông mới lên đường. Vì vậy quân sĩ và nhân dân nhiều người oán thán ông.
Tháng 8/253, Gia Cát Khác về tới Kiến Nghiệp. Ông rất tức giận vì trong thời gian đi vắng đã có một số quan chức bị thay đổi, vì vậy bèn cách chức hết những người được bổ nhiệm trong khi ông ra trận, lập lại trật tự cũ như trước. Ông thay quân túc vệ, cho người thân tín của mình vào, rồi lệnh cho toàn quân chỉnh đốn chuẩn bị phát binh đánh Tào Ngụy báo thù.
Chính vì sự chuyên quyền này khiến nhiều người rất sợ Gia Cát Khác, ngày cả Hoàng đế Tôn Lượng cũng muốn giết trừ ông.
Người trong hoàng tộc là Tôn Tuấn (cháu Tôn Tĩnh – em Tôn Kiên) nhân lúc Gia Cát Khác mất lòng người bèn nảy ý định lật đổ ông để thay thế. Tháng 10/253, Tôn Tuấn bày mưu cùng Hoàng đế Tôn Lượng mở tiệc rượu và mời Gia Cát Khác đến. Thủ hạ của ông là Trương Ước, Chu Ân, Đằng Dận thấy có vẻ bất thường nên khuyên ông không nên đi, nhưng ông không nghe, cho rằng không ai làm gì nổi mình.
Gia Cát Khác đeo kiếm vào điện và uống rượu, có Trương Ước đứng hộ vệ. Uống được nửa chừng, Tôn Lượng đi ra, Tôn Tuấn cũng lấy cớ ra nhà tiêu, thay bộ quần áo ngắn rồi bất ngờ ra lệnh cho quân đao phủ vào bắt Gia Cát Khác theo chiếu lệnh. Gia Cát Khác không kịp trở tay, bị Tôn Tuấn chém. Trương Ước rút gươm chém vào tay Tôn Tuấn làm Tuấn bị thương, thủ hạ của Tôn Tuấn là Chu Tuấn cũng rút gươm chém vào tay Trương Ước. Quân đao phủ ùa vào giết chết Gia Cát Khác và Trương Ước. Sau cả họ củ Gia Cát Khác còn bị tru di tam tộc.
Các nhà nghiên cứu nhận định, Gia Cát Khác có tài, thông minh, giỏi ứng đối, nhưng vì kiêu ngạo, khinh thường người khác nên cuối cùng thất bại gặp họa diệt tộc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.