Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Sau khi bão số 3 (siêu bão Yagi) đổ bộ, gây thiệt hại lớn cho các tỉnh phía Bắc, nhân dân trên cả nước đã và đang tích cực quyên góp ủng hộ tiền, hiện vật giúp đỡ đồng bào. Những ngày qua, hàng loạt đoàn người với rất nhiều tấn hàng cứu trợ được chuyển đến cho bà con vùng lũ.
Trao đổi tại buổi tọa đàm Cứu trợ thiên tai - Sao cho hiệu quả vừa được Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt tổ chức, PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung Tâm Dư luận xã hội (Viện Xã hội học Việt Nam) đánh giá cao tinh thần nhân ái, nhân văn của người dân Việt: "Từ xưa đến nay, người Việt Nam luôn đoàn kết, đồng lòng, đứng trước nghịch cảnh như thiên tai, dịch dã, tinh thần đó càng nhân lên gấp bội. Những dòng người hướng về vùng lũ nhiều ngày qua cho thấy nhân dân ta đều muốn tới chia sẻ với đồng bào, hỗ trợ nhanh nhất, thiết thực nhất cho những người đang gặp hoạn nạn, dù có thể chính họ cũng gặp không ít khó khăn, vất vả".
Bên cạnh những kết quả tích cực trong việc cứu trợ thiên tai từ các tổ chức, cá nhân, ông Trịnh Hòa Bình cho rằng vẫn có nhiều bất cập xảy ra, cần thay đổi để tránh lãng phí, chồng chéo: "Một số nơi cần cứu trợ ngay, khẩn trương nhưng nằm tại vùng sâu, vùng xa, có những món đồ khi tới nơi không còn phù hợp. Bên cạnh đó, một số địa phương được nhiều đoàn cứu trợ giúp đỡ, dẫn tới lãng phí về thực phẩm, vật dụng. Cũng bởi vậy, chúng ta phải có sự thống kê, đánh giá tình hình. Thiên tai xảy ra rất nhanh với nhiều biến động khó lường trước, người tổ chức, thực hiện công tác cứu trợ phải được đào tạo, có kịch bản phân công tuần tự, hợp lý, kịp thời. Những ngày qua, tôi nghe được thông tin rằng có những người dân đi cứu trợ nhưng gặp tai nạn, lực lượng cứu hộ phải đi cứu trợ họ, dẫn đến bộ phận điều hành thêm vất vả".
Theo ông Bình, việc cứu trợ tự phát đang thiếu đi "bàn tay" tổ chức, cần phải có bộ máy phản ứng nhanh, quy chuẩn rất cụ thể, rõ ràng: "Khi ứng phó với thiên tai, thái độ chuyên nghiệp sẽ giảm bớt thiệt hại, hậu quả, điều này cần một đội ngũ thường xuyên, sẵn sàng cao độ".
Trong cuộc tọa đàm, vấn đề các cá nhân đưa thông tin sai lệch để thu hút sự quan tâm của dư luận, lừa đảo cũng được đặt ra. PGS.TS Trịnh Hòa Bình nhận định: "Trong tình huống cấp bách này, rất nhiều người dân dễ "mắc bẫy", bởi ở trường hợp nguy cấp, họ thường có tâm lý cần giúp đỡ ngay, không thể chậm trễ. Theo tôi, mọi người nên theo dõi thông tin chính thống, không quá nóng vội. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần nhanh chóng nắm thông tin, chia sẻ với người dân, tích cực loại bỏ, phá tin giả mạo. Việc phát hiện những đối tượng lợi dụng lòng tốt của người khác cũng là nhiệm vụ của cả cộng đồng, mỗi người dân chứ không phải của riêng cơ quan chức năng".
Nhà xã hội học nhấn mạnh vai trò tích cực, chủ động tại các cấp, ngành trong việc cứu trợ thiên tai: "Lan tỏa nghĩa cử, sức mạnh của đoàn kết của cả dân tộc, cả cộng đồng sẽ giúp chúng ta tạo ra sức mạnh. Việc cần làm hiện tại là xác định rõ vai trò của các cơ quan điều phối, thực hiện hợp lý, khoa học, hiệu quả để người dân ngày càng tin tưởng và đồng lòng", ông Bình chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.