1. Ảnh hưởng truyền thống
Nước Nhật có tốc độ phát triển kinh tế, hiện đại hóa rất nhanh nhưng người dân vẫn giữ nhiều nét truyền thống. Một trong số đó chính là việc tách biệt khu vệ sinh.
Người Nhật thích dành nhiều thời gian thư giãn ở phòng tắm, nhà vệ sinh. Ảnh: Freshome.
Cũng giống như ở Việt Nam, trước đây, người Nhật thường bố trí nhà vệ sinh xa khu nhà chính, thường là ở giữa vườn tĩnh mịch hay cuối hành lang. Nhờ đó, khu vực này luôn có cửa sổ, ánh sáng tự nhiên, thông gió giúp nhà vệ sinh thoáng đãng. Không gian này cũng yên tĩnh, kín đáo, không ảnh hưởng tới sinh hoạt của các thành viên khác.
2. Giữ gìn vệ sinh
Việc bố trí WC ngoài vườn đảm bảo sự sạch sẽ, thông thoáng nhưng gây khó khăn vào mùa đông và buổi tối. Thêm vào đó, khi diện tích nhà bị thu hẹp, người Nhật buộc phải bố trí nhà vệ sinh gần chỗ ở hơn nhưng họ vẫn cố tách biệt WC với nhà tắm.
Họ quan niệm, khu vệ sinh trong nhà tích tụ nhiều cái bẩn còn nhà tắm là nơi làm sạch cơ thể. Bởi vậy, người Nhật thấy lạ khi người Mỹ và các nước khác lại ghép chung 2 khu vực này dù nhà rộng.
Theo Life Buzz, không chỉ thế, họ luôn phân biệt dép đi trong nhà và dép đi trong khu vệ sinh. Bạn nên tránh việc đi lẫn lộn hai loại dép này khi tới chơi nhà người Nhật.
Khu vệ sinh có dép riêng với ký hiệu rõ ràng để tránh nhầm lẫn. Ảnh: Japan Talk.
3. Tiện lợi trong sinh hoạt
Nếu như người phương Tây tránh nhắc tới nhà vệ sinh thì người Nhật không thấy ngại ngần bởi họ muốn tìm mọi cách để cải tiến chúng. Nhịp sống hàng ngày của người Nhật rất gấp gáp nhưng họ có nhiều cách tận hưởng cuộc sống.
Việc tách biệt 2 loại phòng này giúp cho người trong nhà có nhiều thời gian sử dụng không gian hơn. Dù diện tích nhà tắm nhỏ nhưng người Nhật vẫn cố bố trí bồn tắm. Bởi vậy, cách bố trí riêng 2 không gian giúp những người ngâm bồn thư thái, không ảnh hưởng tới các thành viên khác trong nhà.
Lam Huyền (VnExpress)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.