Vì sao nhiều hợp tác xã ở Huế bị dừng triển khai dự án hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể?

Trần Hòe Chủ nhật, ngày 08/12/2024 14:58 PM (GMT+7)
14/18 dự án thành phần của dự án hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã ở Thừa Thiên Huế gặp khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện. Nhiều hợp tác xã đã phải dừng triển khai dự án.
Bình luận 0

HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022-2025.

Dự án Hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2022-2025 được HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt chủ trương đầu tư tại nghị quyết số 97/NQ-HĐND ngày 14/10/2021.

Dự án nhằm xây dựng nhà kho, sân bãi, xưởng phân loại và đóng gói sản phẩm, xưởng sơ chế - chế biến và mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của 17 hợp tác xã trên địa bàn tỉnh và xây dựng trang tin điện tử chung cho tất cả các hợp tác xã trên địa bàn.

Vì sao nhiều hợp tác xã ở Huế bị dừng triển khai dự án hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể?  - Ảnh 1.

Mô hình trồng rừng gỗ lớn cho hiệu quả kinh tế cao tại Hợp tác xã Lâm nghiệp bền vững Hòa Lộc (xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế). Ảnh: Trần Hòe.

Dự án có tổng mức đầu tư 60,1 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương 20 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 15 tỷ đồng, còn lại là vốn từ các hợp tác xã và các nguồn khác. Dự án được phân thành 18 dự án thành phần, thực hiện trong thời gian 4 năm.

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, trong tổng số 18 dự án thành phần được duyệt chủ trương đầu tư, đến nay mới chỉ có 4 dự án thành phần được phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật và triển khai thực hiện. 14/18 dự án thành phần gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới các vướng mắc do nhiều hợp tác xã chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vị trí đề xuất xây dựng không phù hợp quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đã ảnh hưởng đến vị trí đề xuất xây dựng nhà kho, sân bãi của các dự án thành phần.

Bên cạnh đó, UBND cấp huyện triển khai công tác lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng còn chậm. Một số đơn vị đăng ký quy mô đầu tư chưa phù hợp, các đơn vị chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện hướng dẫn chưa cụ thể trong công tác lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư ban đầu.

Ngoài ra, cam kết vốn đối ứng của các hợp tác xã không đảm bảo theo chủ trương đầu tư được duyệt, năng lực triển khai dự án của nhiều hợp tác xã rất yếu, chưa nắm quy trình, thủ tục triển khai theo quy định đối với dự án đầu tư công.

Từ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và đầu tư chủ trì, phối hợp Sở NNPTNT, các UBND cấp huyện, Liên minh hợp tác xã tổ chức làm việc, nắm bắt tình hình triển khai các dự án thành phần, các khó khăn vướng mắc, nguyện vọng đề xuất của các hợp tác xã, chủ đầu tư để tổng hợp, đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đảm bảo triển khai phù hợp với tình hình thực tế và hiệu quả.

Để đảm bảo thực hiện các nội dung tiếp theo của dự án đạt hiệu quả, mục tiêu đầu tư, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị HĐND tỉnh xem xét, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.

Sau khi được điều chỉnh chủ trương đầu tư, dự án có tổng kinh phí thực hiện 60,140 tỷ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách trung ương 20 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 15 tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn từ các hợp tác xã và các nguồn vốn khác. Dự án được chia thành 23 dự án thành phần, tăng 5 dự án thành phần so với trước đây.

Với việc điều chỉnh chủ trương đầu tư này, một số dự án thành phần không có khả năng thực hiện đã bị dừng triển khai, một số dự án được tăng vốn hoặc bị giảm vốn đầu tư và một số dự án thành phần mới được triển khai cho các hợp tác xã khác có đủ năng lực thực hiện. 

Tại thị xã Hương Thủy, Hợp tác xã Nông nghiệp Phù Bài không có khả năng thực hiện dự án do không có kinh phí để đối ứng (1 tỷ đồng/2,8 tỷ đồng) và Hợp tác xã Lâm nghiệp bền vững Thuận Thiên không có cơ sở triển khai dự án do không thuê được đất. Nguồn vốn hỗ trợ cho 2 đơn vị này được chuyển sang cho 4 dự án đề xuất bổ sung mới.

Tại huyện Phong Điền, Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp An Lỗ không đủ điều kiện triển khai do vị trí xây dựng không phù hơp quy hoạch. Nguồn vốn hỗ trợ cho hợp tác xã này được chuyển sang cho các hợp tác xã trên địa bàn xã Phong Sơn.

Tại huyện Nam Đông, Hợp tác xã Hương Phú không có khả năng thực hiện dự án do không có kinh phí để đối ứng (700 triệu đồng/2,4 tỷ đồng). Phần vốn bố trí cho hợp tác xã này được điều chuyển sang cho các dự án thành phần tại các địa phương khác.

Tại huyện Phú Lộc, Hợp tác xã Nông nghiệp Nam Sơn không có khả năng thực hiện dự án do không có kinh phí để đối ứng (800 triệu đồng/2,3 tỷ đồng). Nguồn vốn bố trí cho hợp tác xã này được điều chuyển cho Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Thành và Hợp tác xã Nông nghiệp Mỹ Hải.

Tại thị xã Hương Trà, Hợp tác xã Lâm nghiệp bền vững Hương Vân không không có kinh phí để đối ứng (1,5 tỷ đồng/3,3 đồng) nên cũng bị dừng thực hiện dự án. Nguồn vốn hỗ trợ cho hợp tác xã này được chuyển sang cho Hợp tác xã Văn Xá Tây (tổng mức đầu tư 1,1 tỷ đồng) và các dự án thành phần tại các địa phương khác... 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem