Vì sao nói nông nghiệp đô thị sẽ giải quyết vấn đề kép cho các thành phố ở Việt Nam?

Quang Sung Thứ sáu, ngày 07/06/2024 11:25 AM (GMT+7)
Nông nghiệp đô thị như một giải pháp để thích nghi với quá trình đô thị hóa chóng mặt của các thành phố lớn ở nước ta. Nếu làm tốt, nông nghiệp đô thị có thể giải quyết nhiều vấn đề đang gặp phải.
Bình luận 0

Nông nghiệp đô thị là từ khóa được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây, đặc biệt là tại các đô thị lớn. Đây là hoạt động sản xuất nông nghiệp, được kỳ vọng sẽ phát triển và thích ứng với quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh tại nhiều tỉnh, thành của nước ta.

Nông nghiệp đô thị nên hiểu như thế nào?

Theo GS.TS Nguyễn Văn Bộ - nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, hiện nay có rất nhiều định nghĩa về nông nghiệp đô thị. Song định nghĩa đơn giản và dễ hiểu nhất có lẽ là của FAO (Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc): “Nông nghiệp đô thị là trồng trọt và chăn nuôi trong và xung quanh thành phố để cung cấp thực phẩm tươi sống, tạo việc làm, tái chế chất thải và tăng cường khả năng phục hồi của thành phố trước biến đổi khí hậu”.

Vì sao nói nông nghiệp đô thị sẽ giải quyết vấn đề kép cho các thành phố ở Việt Nam?- Ảnh 1.

GS.TS Nguyễn Văn Bộ - nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, chia sẻ tại Hội thảo Nông nghiệp đô thị - Lợi ích kép cho người dân đô thị, do Báo Kinh tế và Đô thị tổ chức tại TP.HCM ngày 6/6. Ảnh: Quang Sung

Tuy nhiên tại Việt Nam, các hoạt động trong nông nghiệp đô thị có thể rộng hơn, bao gồm: sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản (gồm cả động vật, chim, cá cảnh); sản xuất hàng hóa không phải lương thực, thực phẩm (gồm hoa chậu, hoa cắt cành, hoa thảm), cây cảnh, cây xanh đô thị; chế biến và thương mại các nông sản và phi nông sản; xử lý chất thải làm phân bón; xử lý và tái sử dụng nước thải; các hoạt động khai thác khoảng trống trong công viên, khu đất quy hoạch chưa sử dụng hoặc quy hoạch treo, mặt ao, hồ nước, mặt sông thậm chí ban công, mái nhà đều có thể coi là các hoạt động của nông nghiệp đô thị.

Theo TS Nguyễn Đăng Nghĩa - Chuyên gia nông nghiệp, nông nghiệp đô thị là việc trồng trọt hay chăn nuôi xen kẽ trong nội ô hay ngoại ô để cung cấp nông sản cho dân địa phương. Các loại nông sản phù hợp với nông nghiệp đô thị là các loại ngũ cốc, rau, nấm, trái cây, chăn nuôi gia cầm, thỏ, dê, cừu, heo, cá; hoặc các loại rau thơm, cây dược liệu, hoa cảnh, bonsai… thích hợp nhất là các loại rau ăn lá, các loại cây trồng ngắn ngày.

Vì sao nói nông nghiệp đô thị sẽ giải quyết vấn đề kép cho các thành phố ở Việt Nam?- Ảnh 2.

Các loại rau ăn lá là mô hình thích hợp trong phát triển nông nghiệp đô thị. Ảnh: Q.S

Được sản xuất và phân phối tại chỗ nên thực phẩm từ nông nghiệp đô thị ít tốn phí vận chuyển, đóng gói, lưu trữ. Khi đến tay người tiêu dùng rất tươi ngon, giàu dinh dưỡng và có giá cạnh tranh do giảm được các tầng nấc trung gian, tỷ lệ hao hụt do lưu trữ vận chuyển giảm.

“Nông nghiệp đô thị thường có quy mô nhỏ, nhưng lại dễ dàng tiếp cận công nghệ, quản lý sâu bệnh, phân bón, nước tưới, giàu tiềm năng về đầu tư, chăm sóc nên thường cho năng suất cao rất nhiều lần nông nghiệp nông thôn”, TS Nghĩa cho biết.

Vì sao nói nông nghiệp đô thị sẽ giải quyết vấn đề kép cho các thành phố ở Việt Nam?- Ảnh 3.

Nông nghiệp đô thị có thể vận dụng linh hoạt, tận dụng những không gian vốn có của đô thị như: công viên, sân thượng... Ản: Q.S

Theo GS .TS Bộ, tuy nông nghiệp không đóng góp tỷ trọng lớn trong GDP của các đô thị (dưới 5% tại các đô thị lớn), song luôn giữ vai trò rất quan trọng. Để khuyến khích phát triển nông nghiệp đô thị, GS.TS Bộ khuyến nghị các địa phương có thể tham khảo chính sách của TP.HCM như hỗ trợ lãi suất cho vay từ 60 - 100%, dự án vay tối đa 200 tỷ đồng.

Nếu làm tốt nông nghiệp đô thị, có thể giải quyết lợi ích kép

Hiện nay, tồn tại lớn nhất và cũng là thách thức lớn nhất cho phát triển nông nghiệp đô thị ở Việt Nam chính là chất lượng đô thị hóa chưa cao, phát triển đô thị theo chiều rộng là chủ yếu, gây lãng phí tài nguyên đất đai. Chưa kể, công tác quy hoạch thiếu tầm nhìn đã và đang làm gia tăng các diễn biến phức tạp, gây ra nhiều tác động tiêu cực.

Theo TS Nguyễn Đăng Nghĩa, việc ứng dụng và phát triển các mô hình nông nghiệp đô thị đem lại lợi ích kép, gồm tạo thêm không gian xanh và giải quyết vấn đề về lương thực, thực phẩm cho dân đô thị.

Tại Việt Nam, dân số đến ngày 29/5/2024 là 99.440.675 người. Cơ cấu cư dân thành thị cũng tăng rất nhanh. Nếu năm 1990, tỉ lệ dân số thành thị là 19,51% thì con số này đã tăng lên 36,76% (2020), tức là gần gấp 2 lần trong 30 năm. Dự báo tỷ lệ này sẽ vượt 50% sau năm 2030. Như vậy, việc cung ứng đủ nhu cầu lương thực, thực phẩm cho cư dân đô thị (chưa kể du lịch và khách vãng lai) sẽ là áp lực lớn.

Vì sao nói nông nghiệp đô thị sẽ giải quyết vấn đề kép cho các thành phố ở Việt Nam?- Ảnh 4.

TS Vũ Thị Quyền và mô hình thí nghiệm rau thủy canh trồng trong đô thị. Ảnh: Q.S

Theo TS Vũ Thị Quyền - Trưởng ngành Công nghệ Sinh học, Khoa Công nghệ ứng dụng Trường Đại học Văn Lang, vấn đề an ninh lương thực không chỉ là việc cung cấp đủ lương thực cho con người mà phải là cung cấp đủ lượng thực, thực phẩm an toàn và dinh dưỡng cho nhân loại. Trong bối cảnh đô thị, vấn đề này trở nên đặc biệt quan trọng do sự tăng trưởng dân số đô thị và sự phụ thuộc vào nguồn cung thực phẩm từ xa.

Người dân đô thị ngày càng quan tâm hơn đến chất lượng thực phẩm và sức khỏe bản thân cũng như môi trường sống. Cuộc sống trong những căn nhà phố được bài trí thực vật xanh, tạo cảm giác gần gũi với thiên nhiên đã và đang được hầu hết cư dân đô thị ưa chuộng. 

"Kết quả khảo sát về nhận thức của người dân sống tại vùng trung tâm của quận Bình Thạnh, Gò Vấp và Tân Bình về vườn đô thị qua các năm 2020, 2022 và 2023 ghi nhận, hơn 90% hộ gia đình mong muốn làm vườn và áp dụng công nghệ vào sản xuất”, TS Quyền thông tin.

Theo GS.TS Nguyễn Văn Bộ, ngoài đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm tại chỗ, một lý do khác cho sự cần thiết phát triển nông nghiệp đô thị, chính là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu ở nông thôn từng có tình trạng “rau 2 luống, lợn 2 chuồng” thì nông nghiệp đô thị chính là giải pháp phòng tránh tốt nhất ngộ độc thực phẩm, vốn đang tăng nhanh.

Vì sao nói nông nghiệp đô thị sẽ giải quyết vấn đề kép cho các thành phố ở Việt Nam?- Ảnh 5.

TS Nguyễn Đăng Nghĩa đánh giá cao hiệu quả kinh tế và chất lượng nông sản khi phát triển nông nghiệp đô thị. Ảnh: Quang Sung

Về khía cạnh kinh tế, TS Nguyễn Đăng Nghĩa chia sẻ, nông nghiệp đô thị được sản xuất và cung ứng tại chỗ, nên sau thu hoạch, chi phí đóng gói, vận chuyển và bảo quản bằng kho lạnh được bỏ qua, giúp giảm chi phí tồn trữ. Chất lượng các sản phẩm được đảm bảo an toàn, đồng thời góp phần giảm lượng xe cộ trọng tải lớn vào ra các đô thị, giảm ô nhiễm đáng kể cho khu vực đô thị.

Bên cạnh đó, nông nghiệp đô thị góp phần tạo cảnh quan đô thị và cải thiện sức khỏe cộng đồng. Nông nghiệp đô thị sẽ tạo ra hệ thống cảnh quan, các vành đai xanh rất ý nghĩa cho các đô thị. Hệ thống cây xanh, công viên, mảng xanh trên các ban công, hay các vành đai xanh bao quanh ven đô… là những hình thức và sản phẩm của nông nghiệp đô thị.

Gần đây, hai thành phố lớn ban hành đề án phát triển nông nghiệp đô thị. Tại Hà Nội là Quyết định số 5568/QĐ-UBND ngày 1/11/2023 của UBND TP.Hà Nội phê duyệt “Đề cương Đề án nông nghiệp đô thị thành phố Hà Nội”. Tại TP.HCM là Quyết định số 6002/QĐ-UBND ngày 29/12/2023 của UBND TP.HCM phê duyệt “Chương trình phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Hiện tại, TP.HCM cho mỗi dự án vay tối đa 200 tỉ đồng, mức hỗ trợ lãi suất từ ngân sách có thể ở mức 60, 80 và 100% với thời gian hỗ trợ không quá 5 năm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem