Vì sao một số trường đại học mịt mờ thông tin giảng viên?

Thứ tư, ngày 27/10/2021 08:03 AM (GMT+7)
Nhiều trường đại học “quên” công bố về đội ngũ giảng viên trong đề án tuyển sinh. Một người có thể đồng thời nằm trong danh sách giảng viên cơ hữu của hai trường…
Bình luận 0

Theo quy định của Bộ GDĐT về mở mã ngành, các cơ sở giáo dục ĐH phải có ít nhất 10 giảng viên cơ hữu có trình độ thạc sĩ trở lên cùng ngành hoặc ngành gần với ngành đăng ký đào tạo, trong đó có ít nhất 1 tiến sĩ và 4 thạc sĩ, hoặc 2 tiến sĩ và 2 thạc sĩ cùng ngành đăng ký đào tạo.

Vì sao số đại học mịt mờ thông tin giảng viên? - Ảnh 1.

Thí sinh khó có thể “kiểm định” được thông tin chất lượng đào tạo của tất cả các trường đại học. Ảnh: Như Ý

Trong Đề án tuyển sinh 2021, Học viện Phụ nữ Việt Nam công bố có 139 giảng viên cơ hữu, nhưng ít giảng viên có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ theo chuyên môn được đào tạo gắn liền với ngành được Học viện mở ra.

Ví dụ, với ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Đề án cho thấy chỉ có 1 thạc sĩ cùng chuyên ngành, không tìm thấy giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ cùng chuyên ngành. Tương tự, ngành Truyền thông đa phương tiện có đào tạo Báo chí đa phương tiện và Thiết kế đa phương tiện chỉ có 3 giảng viên là thạc sĩ và 1 giảng viên là tiến sĩ có chuyên ngành Báo chí.

Bộ GDĐT quy định, tổng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH vừa làm vừa học (bao gồm đào tạo ĐH vừa làm vừa học, đào tạo ĐH liên thông) không được quá 30% tổng chỉ tiêu tuyển sinh chính quy của cơ sở giáo dục. Chiếu theo quy định này, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ không vi phạm.

Tuy nhiên, chỉ tiêu trong từng ngành cụ thể có độ chênh lệch lớn. Ví dụ, với ngành Quản lý nhà nước, chỉ tiêu đào tạo ĐH chính quy là 50, nhưng chỉ tiêu vừa học vừa làm (gồm cả liên thông) lên tới 190; với ngành Luật Kinh tế, chỉ tiêu vừa học vừa làm cao gấp gần 3 lần chỉ tiêu ĐH chính quy (275/100).

“Nói chung, trong tự chủ, các chiêu trò thể hiện thương hiệu của trường. Trường đẳng cấp sẽ không sử dụng chiêu trò để ảnh hưởng đến uy tín của họ”. Một vị chuyên gia giáo dục nhận định


Theo quy định, các trường ĐH phải công khai đội ngũ giảng viên trong đề án tuyển sinh, nhưng nhiều trường “quên” làm việc này. Trên website chính thức của Trường ĐH Kinh Bắc, Đề án tuyển sinh 2021 không có phần phụ lục liên quan đội ngũ giảng viên của trường. Website của Trường ĐH Phương Đông có đăng Đề án tuyển sinh ĐH năm 2021, công khai thông tin về cơ sở vật chất, nhưng không có dòng nào về đội ngũ giảng viên. Đề án tuyển sinh của Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng không có thông tin liên quan đội ngũ giảng viên.

Từ năm 2020, báo chí đã phản ánh, trong đề án tuyển sinh, nhiều trường ĐH chỉ công bố thông tin tuyển sinh, không có danh sách giảng viên cơ hữu. Đó là Trường ĐH Kinh tế tài chính TPHCM, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM), Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ...

“Đánh trống ghi tên”

Từ đề án tuyển sinh, báo chí cũng như Bộ GDĐT đã phát hiện nhiều giảng viên bị trùng danh sách giữa các trường. Năm nay, sau khi phát hiện có tới hơn 60 giảng viên trùng với người của trường khác, Trường ĐH Văn Lang đã phải rút đề án xuống để điều chỉnh. Tương tự, sau khi đưa đề án tuyển sinh về Bộ GDĐT, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có 17 giảng viên bị trùng với trường khác nên phải kiểm tra, rà soát.

Trước thực tế một giảng viên đồng thời nằm trong danh sách giảng viên cơ hữu của hai trường, Bộ GDĐT kiên quyết yêu cầu các trường giải trình, điều chỉnh, đồng thời có giải pháp mạnh để ngăn chặn tình trạng này.

Bộ GDĐT đã xây dựng phần mềm để hỗ trợ các trường cập nhật danh sách giảng viên cơ hữu vào một cơ sở dữ liệu chung. Phần mềm sẽ tự động rà soát (theo định kỳ hoặc khi có yêu cầu), nếu phát hiện giảng viên cơ hữu của trường đang đứng tên là giảng viên cơ hữu ở trường khác thì sẽ gửi email đến Bộ GDĐT và các trường có giảng viên liên quan.

Trên cơ sở thông tin cảnh báo liên tục và kịp thời từ hệ thống, các trường sẽ phải điều chỉnh để đảm bảo đúng quy định về giảng viên cơ hữu. Phần mềm mới chỉ xác minh tình trạng giảng viên trùng nhau, chưa xử lý thông tin liên quan đảm bảo chất lượng đào tạo như trình độ giảng viên có phù hợp với chuyên ngành đào tạo hay không…

Một chuyên gia giáo dục cho rằng, cần điều chỉnh quy chế tuyển sinh của Bộ GDĐT. Cụ thể, cần thay đổi cách tính chỉ tiêu để đảm bảo chất lượng; trong cùng một khối ngành có nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau, không thể dùng chung giảng viên; cần lên án hiện tượng giảng viên thỉnh giảng “đánh trống ghi tên” (dù người đó chủ động hay bị động) hoặc đã quá nhiều tuổi, không còn khả năng lao động, thậm chí đã qua đời…

Nghiêm Huê (tienphong.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem