Vì sao sự cố liên tiếp diễn ra trong cùng Dự án?

Dương tiến Thứ năm, ngày 14/05/2015 08:31 AM (GMT+7)
Như Báo danviet.vn đã phản ánh, khoảng 16 giờ 20 ngày 12.5, chiếc cần cẩu ở công trình đường sắt trên cao, tuyến Nhổn – ga Hà Nội bất ngờ đổ vào 2 ngôi nhà dân ở đường Cầu Giấy. Dây cáp cần cẩu rơi trúng 2 chiếc xe máy đang lưu thông khiến 1 phụ nữ đang mang thai bị thương nhẹ.Vụ việc càng làm tăng thêm lo ngại của người dân về an toàn thi công của công trình này.
Bình luận 0

Các chuyên gia cho rằng sự cố diễn ra liên tục trong một dự án thì cần xem lại trách nhiệm các bên liên quan như đơn vị thi công, giám sát, chủ đầu tư, ban quản lý dự án, Bộ GTVT... 

Xem xét trách nhiệm đơn vị thi công

Trao đổi với NTNN, PGS Nguyễn Văn Hùng - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng Hà Nội cho rằng, sự cố diễn ra liên tục trong một dự án thì cần xem lại trách nhiệm các bên liên quan như đơn vị thi công, giám sát, chủ đầu tư, ban quản lý dự án, Bộ GTVT... để xem sự cố do quy trình kỹ thuật hay chủ quan con người?

img
Hiện trường vụ đổ cần cẩu chiều 12.5. (ảnh: Thắng Quang)

Theo ông Hùng, nếu có các biện pháp an toàn tốt, thực hiện nghiêm ngặt, chỉ có thể giảm tối đa sự cố, không thể giảm tuyệt đối. Qua sự cố sập cần cẩu ngày 12.5, ông Hùng phân tích, lẽ ra khi thi công đưa vật nặng lên cao bằng cần cẩu phải thực hiện cho người ra cảnh báo, không cho các phương tiện giao thông đi qua...

GS-TS Nguyễn Đình Cống- nguyên giảng viên Đại học Xây dựng phân tích, nếu sự cố trong thi công xuất phát từ vi phạm của chủ đầu tư, nhà thầu thi công, tư vấn giám sát... thì cơ quan nhà nước phải kiểm tra và xử nghiêm. Tuy nhiên, ông phân tích, trong mỗi công trình xây dựng, khó tránh khỏi sự cố tai nạn lao động. Nhiều khi, người thi công đã tính toán kỹ lưỡng, bảo đảm quy trình nhưng chỉ cần người lao động bất cẩn trong 1 giây là xảy ra tai nạn. Giáo sư Nguyễn Đình Cống cho rằng, trong quá trình thi công, các cơ quan chức năng phải thường xuyên kiểm tra các công trình xây dựng về biện pháp bảo đảm an toàn. Về phía đơn vị thi công, bên cạnh tuân thủ các biện pháp an toàn, phải thận trọng, cẩn thận tối đa trong khi thi công.

Yêu cầu công an vào cuộc điều tra

Liên quan đến vụ việc trên, UBND TP.Hà Nội đã chính thức yêu cầu Ban quản lý Đường sắt đô thị chỉ đạo dừng mọi hoạt động thi công trên công trường các gói thầu số 1 và 2 của tuyến Đường sắt đô thị thí điểm Nhổn - ga Hà Nội. Qua đó để kiểm tra, rà soát các biện pháp thi công đảm bảo trật tự an toàn giao thông, an toàn lao động, phòng chống cháy nổ.

Hà Nội cũng giao Công an Thành phố phối hợp với Sở Xây dựng, GTVT kiểm tra, làm rõ nguyên nhân sự cố. Trên cơ sở đó Sở Xây dựng xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra sự cố.

Riêng Ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội phải phối hợp với tư vấn Systra và các sở ngành liên quan rà soát, điều chỉnh phương án tổ chức thi công bảo đảm an toàn cho người và phương tiện, thiết bị làm việc tại công trường, người và phương tiện tham gia giao thông trong khu vực dự án.

Tăng cường giám sát thi công trên công trường bảo đảm thi công đúng quy trình, phương án được phê duyệt.

UBND TP.Hà Nội yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra trên các công trường thi công kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là dự án đường sắt đô thị để kịp thời phát hiện những nguy cơ gây mất an toàn.

Trước đó, sáng ngày 13.5, ông Lê Huy Hoàng- Phó Trưởng ban quản lý dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Nhổn – Ga Hà Nội cho biết, nguyên nhân sơ bộ dẫn đến sự việc trên là do nhà thầu không lường trước được hết lực ma sát giữa ống vách và các lớp đất. Do đó, dẫn đến cẩu bị gục cần khi nhà thầu rút ống vách lên.

Liên quan vụ sập cần cẩu vào nhà dân, UBND Hà Nội đã giao Công an thành phố điều tra, làm rõ nguyên nhân, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có liên quan.  
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem