El Nino khiến cho thời tiết Việt Nam ngày càng khắc nghiệt và khó dự báo. AMH Báo Quảng Ninh.
Các dự báo mới nhất của các Cơ quan dự báo khí hậu trên thế giới đều cho rằng, thời tiết đang ở trạng thái trung tính (ENSO) nhưng có dấu hiệu chuyển dần từ pha lạnh sang pha nóng (El Nino) từ nửa cuối năm 2017. Nếu vậy, đây sẽ là năm thứ 3 liên tiếp xuất hiện El Nino tại khu vực trung tâm xích đạo Thái Bình Dương.
Trung tâm Dự báo Khí hậu Hoa Kỳ (CPC/NCEP) dự báo, xác suất xuất hiện El Nino vào khoảng 50-60% trong những tháng đầu mùa hè và xác suất này tăng lên vào thời kỳ cuối năm 2017.
Kết quả dự báo tổ hợp nhiều thành phần của Trung tâm Dự báo Thời tiết hạn vừa Châu Âu (ECMWF) cho thấy, chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển khu vực trung tâm xích đạo Thái Bình Dương sẽ đạt ngưỡng El Nino vào khoảng tháng 6/2017.
Trung tâm Khí hậu Tokyo, Nhật Bản (TCC) dự báo, có đến 60% khả năng ENSO tiếp tục ở trạng thái trung tính đến tháng 7/2017 và chỉ có 40% khả năng xuất hiện El Nino vào thời gian này.
Tại Việt Nam, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, hiện tượng ENSO, sau chuyển sang trạng thái El Nino vào nửa cuối năm 2017 chính là nguyên nhân chính khiến thời tiết trở nên khắc nghiệt và khó dự báo hơn.
Nhiều khả năng bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) trên khu vực Biển Đông sẽ xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN khoảng 12-13 cơn/năm). Tính bất quy luật của bão sẽ tăng cao, tuy nhiên, số lượng bão và ATNĐ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta sẽ ít hơn TBNN (TBNN khoảng 5 - 6 cơn).
Mùa mưa ở Bắc Bộ đến muộn hơn TBNN. Thời điểm bắt đầu mùa mưa ở Nam Bộ và Tây Nguyên có khả năng đến sớm hơn TBNN.
Dưới tác động của El Nino vào thời kỳ cuối năm, lượng mưa trên phạm vi toàn quốc có xu hướng thiếu hụt so với TBNN vào cuối mùa mưa năm 2017. Tuy nhiên, hiện tượng mưa lớn đến rất lớn cục bộ trong thời đoạn ngắn thường xuất hiện trong những tháng chịu tác động của El Nino.
Khả năng xuất hiện lũ tiểu mãn (lũ do mưa rào cuối tháng 5) trên nhiều lưu vực sông thuộc Bắc Bộ ít xảy ra. Mùa lũ 2017 trên các sông Bắc Bộ có khả năng đến muộn hơn TBNN. Đỉnh lũ trên các sông suối tương đương năm 2016, phổ biến ở mức báo đông (BĐ) 2-3, một số sông suối nhỏ trên BĐ 3. Lũ quét, sạt lở đất có khả năng xảy ra nhiều hơn năm 2016, đặc biệt tại các khu vực miền núi phía Tây Bắc Bộ.
Mùa lũ 2017 trên các sông ở Tây Nguyên và thượng nguồn sông Mê Kông đến sớm hơn so với TBNN. Diễn biến lũ trên các sông ở Trung Bộ và sông Cửu Long phù hợp với quy luật nhiều năm, đỉnh lũ trên các sông ở Trung Bộ, Tây Nguyên tương đương mức TBNN.
Lũ lớn nhất năm ở Đồng bằng sông Cửu Long ở mức BĐ2-BĐ3. Tuy ít có khả năng xuất hiện lũ đặc biệt lớn nhưng tiềm ẩn nguy cơ cường suất lũ lên nhanh hơn bình thường do tác động của việc xả ở thượng lưu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.