Trung Quốc đang vật lộn để kiềm chế tình hình dịch Covid-19 bùng phát ở Thượng Hải. Lệnh phong tỏa kéo dài buộc hầu hết 25 triệu dân trong thành phố phải ở yên trong nhà.
Tọa lạc tại bờ biển phía đông của Trung Quốc, Thượng Hải là thành phố lớn và giàu có nhất đất nước, đồng thời là một trong những đô thị lớn nhất trên thế giới. Thượng Hải, cùng với thành phố Côn Sơn lân cận vốn đã phong tỏa từ đầu tháng, đóng một vai trò đáng kể đối với nền kinh tế toàn cầu.
Hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy chính phủ Trung Quốc sẽ sớm nới lỏng các quy định phong tỏa, trong khi nước này đang phải hứng chịu nhiều thiệt hại kinh tế đáng lo ngại. Cú sốc kinh tế này được dự đoán sẽ nhanh chóng lan đi khắp thế giới.
Thượng Hải là tâm dịch trong đợt bùng phát Covid-19 lần này tại Trung Quốc. Tuy nhiên không chỉ riêng Thượng Hải, theo ước tính, Trung Quốc có khoảng 45 thành phố đang bị phong tỏa toàn bộ hoặc một phần, gây ảnh hưởng đến một phần tư dân số và 40% giá trị kinh tế của đất nước.
Hôm 11/4, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã ra cảnh báo lần thứ ba trong tuần về mối đe dọa của làn sóng Covid-19 đối với nền kinh tế Trung Quốc.
Dưới đây là ba lý do tại sao các quốc gia khác trên thế giới cần phải theo dõi chặt chẽ tình hình ở Thượng Hải.
Tình hình kinh doanh và tài chính
Thượng Hải có số GDP cao nhất trong tất cả các thành phố của Trung Quốc, đạt mức 4,32 nghìn tỷ nhân dân tệ (679 tỷ USD). Đây là thị trường chứng khoán lớn thứ ba trên toàn cầu tính theo giá trị của các công ty giao dịch và có số lượng tỷ phú nhiều thứ năm trên thế giới. Thượng Hải cũng là điểm đến hấp dẫn nhất đối với các doanh nghiệp quốc tế muốn tiến vào Trung Quốc đại lục.
Theo chính quyền thành phố, đến cuối năm 2021, hơn 800 tập đoàn đa quốc gia đã thành lập trụ sở tại Thượng Hải. Trong đó, 121 tập đoàn thuộc top 500 của thế giới (Global 500) do tạp chí Fortune xếp hạng, gồm Apple (AAPL), Qualcomm (QCOM), General Motors (GM), Pepsico (PEP) và Tyson Foods (TSN).
Ngoài ra, thành phố này cũng là nơi đặt trụ sở của hơn 70.000 công ty nước ngoài, với hơn 24.000 trong số đó là các công ty Nhật Bản.
Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải được thành lập vào năm 1990, hiện sở hữu tổng vốn hóa thị trường là 7,3 nghìn tỷ USD, chỉ xếp sau New York và London. Các giao dịch tại đây vẫn diễn ra bất chấp lệnh phong tỏa, thậm chí một số ngân hàng và công ty đầu tư đã yêu cầu nhân viên của họ ngủ tại bàn làm việc để giữ cho thị trường hoạt động.
Vốn điều lệ của các công ty niêm yết tại Thượng Hải chủ yếu đến từ các doanh nghiệp nhà nước lớn đóng vai trò trọng yếu trong nền kinh tế Trung Quốc. Các doanh nghiệp này gồm hãng sản xuất rượu cao cấp nhất thế giới như Kweichow Moutai, những ông lớn như Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC), Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Trung Quốc (LFC), và công ty dầu khí quốc gia PetroChina (PCCYF).
Sàn giao dịch Thượng Hải cũng là cái nôi cho sàn giao dịch Star Market của Trung Quốc, một thị trường chứng khoán điện tử tương tự như Nasdaq của Mỹ.
Tình hình thương mại và chuỗi cung ứng
Theo thống kê chính thức năm 2021, Thượng Hải chỉ chiếm 3,8% GDP của Trung Quốc, nhưng nắm giữ đến 10,4% cổ phần trong lĩnh vực thương mại của nước này với quốc tế.
Cảng Thượng Hải là thương cảng sầm uất nhất thế giới chuyên chở các container. Năm 2021, tại đây vận chuyển 47 triệu đơn vị hàng hóa, gấp bốn lần khối lượng được xử lý tại Cảng Los Angeles. Con số này chiếm 16,7% tổng số chuyến hàng container của Trung Quốc vào năm ngoái.
Thượng Hải cũng là một trung tâm hàng không lớn ở Châu Á. Năm 2019, hai sân bay Quốc tế Pudong và sân bay Hongqiao của thành phố đã đón 122 triệu lượt hành khách, đưa Thượng Hải trở thành trung tâm hàng không sôi động thứ tư trên thế giới sau London, New York và Tokyo.
Tuy vậy, tình hình dịch Covid-19 bùng phát trở lại đã làm trì trệ hoạt động tại các cảng biển và buộc nhiều chuyến bay chở khách phải tạm dừng, khiến giá cước vận tải đường hàng không tăng vọt và áp lực đè nặng lên chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cảng Thượng Hải mặc dù vẫn hoạt động, nhưng số lượng tàu chờ đợi đóng hàng hoặc bốc dỡ đã tăng vọt lên mức kỷ lục. Báo chí trong nước cũng đưa tin rằng nhiều tài xế đã phải vật lộn để đưa container ra vào cảng đúng giờ vì quy định hạn chế đi lại.
Tình hình sản xuất và công nghệ
Khu vực Đại Thượng Hải, gồm Côn Sơn và một số thành phố phía đông khác, là trung tâm sản xuất chủ lực cho các ngành công nghiệp ô tô và chất bán dẫn.
Hai ông lớn ngành xe hơi Volkswagen và General Motors đều đặt nhà máy ở Thượng Hải và hợp tác với hãng ô tô nội địa SAIC Motor. Thượng Hải cũng là nơi đặt siêu nhà máy Giga đầu tiên của Tesla (TSLA) ở châu Á. Hãng xe điện này của Mỹ đã bán ra hơn 65.000 chiếc ô tô từ nhà máy ở Thượng Hải vào tháng trước, đưa Tesla trở thành thương hiệu xe điện bán chạy nhất tại Trung Quốc.
Hồi tháng 1, tập đoàn ô tô đa quốc gia Ford đã mở trung tâm thiết kế mẫu xe thứ sáu của hãng tại Thượng Hải, hướng tới nhịp sống sôi động tại thành phố này và tôn vinh các nhà thiết kế trẻ Trung Quốc với sự kết hợp giữa "tư duy mới, tri thức dân tộc và triển vọng toàn cầu."
Trong khi đó, nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, TSMC, đang điều hành một nhà máy sản xuất chất bán dẫn lớn ở ngoại ô Thượng Hải. Các nhà sản xuất chip hàng đầu của Trung Quốc như SMIC và Hua Hong Semiconductor đều có nhà máy ở Pudong, phía đông thành phố.
Tuy nhiên, các lệnh phong tỏa do dịch bệnh đã buộc nhiều nhà máy phải tạm ngừng hoạt động ở cả Thượng Hải và Côn Sơn. Điều này có nguy cơ làm gián đoạn chuỗi cung ứng chủ lực cho ô tô và các đồ điện tử.
Các nhà máy của Volkswagen và Tesla ở Thượng Hải đã đóng cửa trong nhiều tuần nay. Nhà sản xuất xe điện Nio của Trung Quốc cũng phải tạm dừng hoạt động do tình hình Covid-19 ở Thượng Hải và các thành phố khác của Trung Quốc.
Pegatron, một nhà cung ứng quan trọng của Apple, cũng đang tạm ngừng các nhà máy ở Thượng Hải và Côn Sơn cho đến khi có thông báo mới. Ngoài ra, công ty Unimicron Technology của Đài Loan (Trung Quốc) - chuyên cung cấp bảng mạch in cho Apple, và công ty Eson Precision - thuộc Foxconn - chuyên cung cấp linh kiện cho iPhone và Telsa, đã ngừng sản xuất tại các nhà máy tại Côn Sơn từ đầu tháng.
Các chuyên gia cảnh báo: “Tình hình hiện nay có thể tác động đến chuỗi cung ứng của toàn bộ các nước Đông Á do những giao kết thương mại quan trọng của khu vực này với Thượng Hải”.
Trong đó, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Việt Nam được dự đoán sẽ chịu ảnh hưởng từ đợt gián đoạn này ít hơn so với Nhật Bản.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.