Vì sao trại gà 12.000 con ở Chương Mỹ bị cưỡng chế san phẳng?

Thành Nam Thứ sáu, ngày 15/11/2019 11:35 AM (GMT+7)
Theo vị lãnh đạo xã Tiên Phương (huyện Chương Mỹ, Hà Nội), để xảy ra việc người dân đầu tư xây dựng tiền tỷ vào làm trang trại nuôi gà sau đó huyện lại cưỡng chế vì sử dụng sai mục đích đất là do lãnh đạo xã... khóa trước tạo điều kiện cho người dân làm.
Bình luận 0

Đang chờ Thanh tra thành phố giải quyết, vẫn huy động 153 người cưỡng chế trại gà 12.000 con

Mới đây, Báo điện tử Dân Việt nhận được đơn phản ánh của bà Nguyễn Thị Tâm (đội 7, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) về vụ việc cưỡng chế trại gà của gia đình bà. Bà Tâm bức xúc khi mới đây UBND xã Tiên Phương đã tổ chức lực lượng cưỡng chế trại gà của gia đình gây thiệt hại gần 5 tỷ đồng.

Cụ thể, theo phản ánh của bà Tâm, năm 2004, theo chính sách phát triển kinh tế trang trại của TP. Hà Nội, gia đình bà thuê 6.677m2 của gia đình ông Tống Quang Hải để chăn nuôi và đào ao thả cá. Năm 2005, gia đình bà bỏ nhiều công sức, tiền bạc ra san nền, dựng nhà xưởng để chăn nuôi gà.

Thời gian sau đó, ông Hải, đề nghị với UBND xã Tiên Phương cho gia đình bà trực tiếp thuê và nộp tiền khoán sản trực tiếp cho xã. Năm 2011, gia đình bà Tâm ký hợp đồng kinh tế số 08/HĐKT với UBND xã Tiên Phương. Theo đó, gia đình bà Tâm thuê 4.497m2 đất 5% quỹ công ích của UBND xã tại khu vực đồng Mông, thôn Quyết Tiến; phần diện tích hơn 2.000m2 còn lại gia đình bà vẫn thuê và nộp tiền thông qua gia đình ông Hải.

img

Bà Tâm cho rằng việc cưỡng chế trại gà của xã Tiên Phương khiến gia đình bà thiệt hại gần 5 tỷ đồng 

Tới năm 2012, UBND xã Tiên Phương thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa. Tiếp đó, ngày 2/11/2013, UBND xã đã tiến hành thanh lý hợp đồng thuê đất. Theo đó, phần diện tích 4.497m2 đất của gia đình bà Tâm bị thu hồi giao cho 6 hộ gia đình khác, còn hơn 2.000m2 đang nuôi thả cá cũng bị thu hồi gia cho hộ gia đình ông Vũ Đình Minh làm trang trại.

Điều làm gia đình bà Tâm bức xúc là khi tiến hành thanh lý hợp đồng thuê đất, UBND xã Tiên Phương đã không xem xét đến quá trình cải tạo đất, xây dựng trang trại chăn nuôi gà của gia đình, cũng hoa màu trên đất, khiến gia đình bà Tâm bị thiệt hại nặng nề về kinh tế.

Phản đối việc này, gia đình bà Tâm đã nhiều lần làm đơn kiến nghị lên chính quyền địa phương. Năm 2018, UBND TP. Hà Nội đã thụ lý đơn và có ý kiến giao Sở NN&PTNT Hà Nội xác minh làm rõ vụ việc. Ngày 13/11/2018, Sở NN&PTNT Hà Nội có văn bản số 3456/SNN-TTr gửi UBND huyện Chương Mỹ đề nghị: “UBND huyện Chương Mỹ, UBND xã Tiên Phương tạm dừng việc cưỡng chế công trình xây dựng trang trại nuôi gà của bà Tâm cho đến khi có Kết luận giải quyết tố cáo của UBND TP. Hà Nội”.

Cùng thời điểm này, khi Thanh tra TP. Hà Nội đang thanh tra, thụ lý giải quyết đơn tố cáo của bà Tâm, thì bất ngờ trong 2 ngày 24 và 25/10/2019, UBND xã Tiên Phương đã tổ chức cưỡng chế trại gà. “Gia đình tôi không phản đối việc cưỡng chế. Tuy nhiên, chúng tôi nhiều lần đề nghị trước khi chính quyền cưỡng chế thì phải thống kê tài sản trên đất của gia đình, nhưng xã đều không làm. Vụ cưỡng chế khiến gia đình tôi thiệt hại gần 5 tỷ đồng...”, bà Tâm nói.

Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, để tiến hành cưỡng chế trại gà, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng tham gia cưỡng chế gồm 153 người, trong đó nhân sự huy động từ huyện Chương Mỹ là 89 người, nhân sự tại chỗ 64 người.Tổng số vật nuôi bị cưỡng chế ra khỏi khu vực là 12.000 con gà.

Để sự việc kéo dài là do lãnh đạo... khóa trước

Liên quan đến vụ việc trên, ngày 13/11, PV Dân Việt đã có buổi làm việc với ông Tống Văn Thái - Chủ tịch UBND xã Tiên Phương. Ông Thái cho biết, theo hợp đồng số 08/HĐKT thời gian cho gia đình bà Tâm thuê từ ngày 1/1/2011 đến hết ngày 30/10/2013. Ngày 2/11/2013, phía UBND xã Tiên Phương có tiến hành việc thanh lý hợp đồng nói trên.

Nội dung biên bản thanh lý hợp đồng ghi rõ: Yêu cầu ông Vũ Huy Cường (chồng bà Tâm) phải thu dọn toàn bộ tài sản cây cối hoa màu trên diện tích khu đấu thầu để trả lại mặt bằng cho UBND xã quản lý. Thời gian thực hiện xong trước ngày 7/11/2013, trường hợp ông Cường cố tình không thực hiện thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, ngoài ra không có bồi thường nào khác.

img

Toàn bộ khu trang trại nuôi 12.000 con gà bị bạt phẳng sau cưỡng chế

"Sau khi thanh lý hợp đồng, gia đình bà Tâm không chấp hành việc bàn giao đất lại cho xã. Từ năm 2015 xã Tiên Phương đã liên tiếp ra 3 thông báo yêu cầu gia đình bà Tâm thu dọn tài sản kiên cố trên đất để bàn giao lại đất cho xã, nhưng gia đình bà Tâm không tuân thủ"- ông Thái nói.

Khi PV hỏi, tại sao trong hợp đồng cho thuê đất ghi rõ: UBND xã Tiên Phương phải có trách nhiệm giám sát bên thuê thực hiện đúng hợp đồng, song trên thực tế trong quá trình thuê người dân đầu tư hàng tỉ đồng vào xây dựng chuồng trại, mà xã không xử lý dẫn đến việc cưỡng chế gây thiệt hại cho người dân?. Trả lời câu hỏi này, ông Thái cho biết: "Thời điểm đó, khi người dân trồng lúa, hoa màu kém nên các hộ dân đã tự ý chuyển sang làm trang trại, chính quyền địa phương biết nhưng tạo điều kiện cho các hộ làm". 

Cũng theo ông Thái, khi người dân trồng lúa, hoa màu kém hiệu quả, các hộ này đã tự ý chuyển sang làm trang trại, thời điểm đó tôi không làm Chủ tịch. Các bác ở địa phương có hướng tạo điều kiện cho các hộ làm, trường hợp này không có hồ sơ xử lý vi phạm… Việc kiểm tra, xử lý không được kịp thời nên xã không xử lý hành chính với trường hợp này trước khi kết thúc hợp đồng.

Ông Thái cho hay, trách nhiệm của lãnh đạo, cán bộ buông lỏng quản lý để xảy ra vụ việc trên đã được chỉ rõ trong kết luận của Thanh tra huyện. Đồng thời, huyện giao cho xã tự kiểm điểm.

Nêu lý do mới về nhận chức Chủ tịch UBND xã được ít tháng, nên không nắm được vấn đề kiểm điểm trách nhiệm cán bộ, lãnh đạo xã trước đây để xảy ra vi phạm, ông Thái hứa sẽ thông tin về tên tuổi, hình thức các cán bộ bị kiểm điểm sau.

Vì sao huyện "bật" lại Quyết định tạm dừng cưỡng chế của Sở NN&PTNT TP. Hà Nội?

Theo ông Lê Anh Dũng – Phó trưởng Phòng Tư pháp huyện Chương Mỹ, năm 2013 sau khi thanh lý hợp đồng, biết mảnh đất trang trại của mình trong quá trình dồn điền đổi thửa đã được 6 hộ dân trong xã bắt thăm được, ông Cường đã ngỏ ý với các hộ để thuê lại. Lúc này, các hộ đều có thiện chí cho ông Cường thuê lại để tiếp tục làm trang trại, chính quyền địa phương cũng hoàn toàn ủng hộ. Thế nhưng, khi các hộ đồng ý, thì ông Cường lại “phá ngang” không muốn thuê nữa và cho biết muốn thuê lại trực tiếp đất với UBND xã.

“Khi dồn điền đổi thửa, bản thân ông Cường muốn thuê lại mảnh đất mà các hộ đã bắt thăm được, sau khi các hộ đồng ý cho thuê, ông Cường lại nói không thuê nữa và nói tôi phải thuê lại của UBND xã. Sở dĩ muốn thuê lại của xã, vì xã chỉ lấy có 50kg thóc/sào/năm, còn các hộ lại đòi 2 tạ thóc/sào/năm là quá cao. Nếu thuê, ông Cường không phải tự tháo dỡ chuồng trại mà sẽ được sử dụng luôn. Đồng thời, các hộ kia lại được giao ruộng, nhà nước giải quyết xong việc dồn điền đổi thửa…”, ông Dũng nói.

img

Ông Thái (thứ hai từ trái sang) cho biết, lãnh đạo xã thời trước tạo điều kiện cho gia đình bà Tâm xây trang trại

Về nội dung gia đình bà Tâm phản ánh, đề nghị UBND xã tiến hành kê biên tài sản trước khi cưỡng chế nhưng xã không làm, ông Thái cho biết, nếu kê biên trước khi cưỡng chế là vi phạm pháp luật. Huyện Chương Mỹ phê duyệt ngày 24/10 cưỡng chế, gia đình yêu cầu ngày 21, 22/10 phải đến kê biên thì không được, vì chưa cưỡng chế chính quyền chưa dám kê biên…

Về việc Sở NN&PTNT Hà Nội có ý kiến đề nghị UBND huyện Chương Mỹ tạm dừng việc cưỡng chế trại gà cho đến khi có kết luận của UBND TP. Hà Nội, nhưng huyện Chương Mỹ vẫn tiến hành cưỡng chế, ông Thái cho biết: "Theo quy định của luật xử lý vi phạm hành chính, Giám đốc Sở NN&PTNT không phải là người có thẩm quyền đình chỉ việc làm của cơ sở. Trường hợp phát hiện ra có gì không đúng, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội mới là đơn vị ra quyết định đình chỉ".

Như vậy, có thể nói sự việc của gia đình bà Nguyễn Thị Tâm và ông Vũ Huy Cường là có vi phạm về sử dụng đất đai, nhưng vi phạm này là do lãnh đạo xã Tiên Phương từ khóa trước buông lỏng quản lý, thậm chí có tính chủ quan, không lường trước được hết sự phức tạp của vụ việc. Song thay vì giải quyết "cái sai" của lãnh đạo xã khóa trước, lãnh đạo mới của xã đã thẳng tay cưỡng chế một trang trại chăn nuôi lớn nhất, nhì của huyện Chương Mỹ với 12.000 con, gây thiệt hại tài sản cho công dân, dẫn đến khiếu kiện kéo dài là chưa hoàn toàn thỏa đáng.

Cũng theo ông Thái, trước đó, ông Hoàng Minh Hiến – Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cũng đã có ý kiến “phản pháo” việc Sở NN&PTNT Hà Nội ra văn bản tạm dừng cưỡng chế là không đúng thẩm quyền, là chưa phù hợp. Văn bản nêu rõ: Sở NN&PTNT Hà Nội viện dẫn quy định tại các Điểm b Khoản 2 Điều 11, Điều 35, 39 Luật Tố cáo năm 2011, Điều 15 Nghị Định số 76/2012/NĐ-CP ngày 3/10/2012 của Chính phủ, Điều 16, 17 Quyết định số 79/2014/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội để ban hành văn bản số 3456/SNN-TTr ngày 13/11/2018 đề nghị UBND huyện Chương Mỹ, UBND xã Tiên Phương tạm dừng cưỡng chế công trình vi phạm của ông Vũ Huy Cường là chưa phù hợp, không đúng thẩm quyền bởi vì các quy định của pháp luật trên là áp dụng trong trường hợp xét thấy do việc tố cáo hành vi vi phạm pháp luật mà người tố cáo có thể bị xâm phạm tài sản thì người giải quyết tố cáo (là Chủ tịch UBND TP) sẽ áp dụng các biện pháp để bảo vệ người tố cáo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem