Vì sao trong số chiến lợi phẩm của Quân đội Việt Nam không có tiêm kích F-4?

Thứ ba, ngày 30/07/2019 10:32 AM (GMT+7)
Sau chiến tranh, Không quân nhân dân Việt Nam thu rất nhiều chiến lợi phẩm là máy bay tiêm kích được Mỹ trang bị cho Không lực Việt Nam Cộng Hòa.
Bình luận 0

Trong số những chiến lợi phẩm mà Không quân nhân dân Việt Nam thu được, có hàng chục tiêm kích F-5E/F Tiger II, cường kích A-37 Dragonfly hay trực thăng đa dụng UH-1 Huey và vận tải cơ C-130 Hercules...

Những phương tiện trên đã đóng vai trò to lớn trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam khi giáng cho tập đoàn diệt chủng Pol Pot những đòn chí tử.

Tuy nhiên đội hình máy bay ta thu giữ lại thiếu một chủng loại cực kỳ nổi tiếng trên chiến trường Việt Nam đồng thời là đối thủ chính của "Én bạc" MiG-21, đó chính là "Con ma" F-4 Phantom II.

So với F-5E, F-4 có ưu thế ở tốc độ (Mach 2,23 so với Mach 1,6); vận tốc leo cao (210 m/s so với 175 m/s); khả năng mang tải (8.480 kg so với 3.200 kg).

Đặc biệt hơn nữa là F-4 được trang bị radar AN/APQ-72 rất mạnh, cho phép dẫn bắn hiệu quả các loại tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn như AIM-7 Sparrow.

img

Tiêm kích F-4C của Không quân Mỹ đóng tại căn cứ Cam Ranh, loại tên lửa trong ảnh là AIM-7 Sparrow. Ảnh: War History Online.

Chính vì đặc tính ưu việt trên mà Mỹ đã quyết định không cung cấp F-4 cho Việt Nam Cộng Hòa do đây là thời kỳ đảo chính diễn ra như cơm bữa, tiềm ẩn nguy cơ chính quyền Sài Gòn "bất tuân thượng lệnh" rồi dùng luôn F-4 để chống lại người Mỹ.

Theo phóng sự ngày 10/11/1972 của hãng tin NBC, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đề nghị Hoa Kỳ cung cấp F-4 Phamtom II do lo ngại các trận địa tên lửa của miền Bắc đã áp sát Khe Sanh.

Trong tình cảnh nguy cấp trên Không lực Việt Nam Cộng hòa (VNAF) lại thiếu phương tiện đủ sức chế áp lực lượng miền Bắc, yêu cầu này đã không được phía Mỹ đáp ứng.

Cơ hội lớn nhất đến với VNAF khi các đơn vị Không quân Mỹ trang bị F-4 phải rút về nước theo Hiệp định Paris, mở ra cơ hội bàn giao ngay số Phantom II đang đóng trên đất Việt Nam.

Tuy nhiên cuối cùng vẫn chẳng có chiếc F-4 nào được ở lại, chúng đã theo các đoàn quân viễn chinh Mỹ rút về nước.

img

Chiếc tiêm kích F-4C của Chuẩn tướng Robin Olds - Viên phi công nổi tiếng của Không lực Hoa Kỳ trong Chiến tranh thế giới II và Chiến tranh Việt Nam. Ảnh: Wikipedia.

Mặc dù là một loại vũ khí cực kỳ đáng gờm, nhưng nếu phía Hoa Kỳ đáp ứng nguyện vọng và viện trợ tiêm kích F-4 Phantom II cho chính quyền Sài Gòn thì cũng chưa chắc chúng đã phát huy được đầy đủ tác dụng.

Lý do là bởi một chiến đấu cơ hạng nặng như Phantom II yêu cầu thời gian thực hiện các bước chuẩn bị phức tạp và tốn thời gian hơn rất nhiều so với F-5E.

Thực tế cho thấy nhiều chiếc Tiger II bị ta thu giữ mới chỉ có vài chục giờ hoạt động, phần lớn phi cơ không sẵn sàng chiến đấu là tình trạng chung của VNAF thời điểm đó.

Ngoài ra khả năng cao là sẽ có một số F-4 nằm trong danh sách chiến lợi phẩm của Quân đội nhân dân Việt Nam vì không kịp tháo chạy, khi đó Không quân Việt Nam sẽ được bổ sung vào biên chế một loại chiến đấu cơ cực kỳ lợi hại.

Phong Vũ (Doanh Nghiệp VN)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem