Vì sao Trung Quốc “xuống thang”, Mỹ - Trung vẫn khó thỏa hiệp?

Huyền Anh Thứ ba, ngày 08/10/2019 09:00 AM (GMT+7)
Các quan chức cấp cao của Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục ngồi vào bàn đàm phán thương mại trong ngày 10 - 11/10 tại Washington. Theo SSI, cuộc đàm phán lần này có vẻ như chỉ là một kỳ nghỉ giữa hiệp để cả hai cùng tính toán lại đường đi nước bước trong trận chiến dài hơi phía trước. Triển vọng về một thỏa thuận Mỹ- Trung là không cao vì có những vấn đề mấu chốt khó có thể giải quyết.
Bình luận 0

Một tháng lắng dịu nhưng yếu tố bất định đang làm gia tăng rủi ro của thị trường tài chính tiền tệ toàn cầu. Đó là một trong những nội dung đáng chú ý được các nhà phân tích của Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI) đưa ra trong bản báo cáo thị trường tiền tệ tháng 9 vừa công bố.

Báo cáo của SSI đề cập, những tổn hại với nền kinh tế Trung Quốc trong cuộc đối đầu với Mỹ đang ngày càng rõ nét, các chỉ số về sản xuất công nghiệp, bán lẻ đều thấp hơn kỳ vọng, tín dụng tăng trưởng yếu.

img

Mỹ - Trung tuyên bố nối lại đàm phán cấp cao vào ngày 10-11/10 tới đây

Thủ tướng Trung Quốc thừa nhận rằng tăng trưởng kinh tế 2019 khó đạt được 6%. Để tránh phải trải qua kỳ nghỉ lễ quốc khánh u ám, Trung Quốc đã có các động thái “xuống thang” với thông báo miễn thuế trong vòng 1 năm với 16 mặt hàng Mỹ đang bị áp thuế 25%, cử phái đoàn cấp thấp tới Washington và đưa ra kế hoạch nhập khẩu đậu tương và thịt lợn từ Mỹ. Hai bên tuyên bố nối lại đàm phán cấp cao vào ngày 10-11/10.

Tuy vậy, SSI cho rằng, triển vọng về một thỏa thuận Mỹ- Trung là không cao vì có những vấn đề mấu chốt khó có thể giải quyết và phía Mỹ thì tuyên bố không chấp nhận thỏa thuận một phần.

Cũng nên nhớ rằng, ngay trong ngày đầu tiên của tháng 9, hai bên đã tăng thuế thêm một nấc đối với hàng hóa của nhau. Cuộc đàm phán lần này có vẻ như chỉ là một kỳ nghỉ giữa hiệp để cả hai cùng tính toán lại đường đi nước bước trong trận chiến dài hơi phía trước. Triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu vì thế không có nhiều thay đổi, làn sóng nới lỏng tiền tệ để kích thích kinh tế tiếp tục lan rộng.

Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) với lần hạ lãi suất thứ 2 trong năm, xuống mức 1,75%-2%/năm, và kỳ vọng FED sẽ hạ lãi suất thêm 1 lần nữa trong năm nay; ECB giảm 0.1% xuống -0.5% và khẳng định sẽ duy trì hoặc giảm tiếp cho đến khi triển vọng lạm phát có cải thiện; Trung Quốc hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc lần thứ 4 trong năm và giảm lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm từ 4.25% xuống 4.2%/năm; Nhật Bản, Đài Loan quyết định duy trì lãi suất âm -0.1%/năm. Tính chung trong tháng 9, có tổng cộng 25 NHTW đã cắt giảm lãi suất điều hành và Việt Nam cũng nằm trong số đó.

“Dù FED đã chuyển hướng chính sách tiền tệ nhưng có vẻ như tốc độ nới lỏng tiền tệ vẫn không theo kịp các nước khác, chỉ số DXY dao động nhưng vẫn nằm trong kênh tăng, kết thúc tháng 9 ở mức 99,34 – mức cao nhất kể từ tháng 5/2017 đến nay”, báo cáo đề cập.

img

Các số liệu kinh tế như chỉ số công nghiệp, bán lẻ, lạm phát PCE lõi đến tháng 8 của Mỹ vẫn khá tích cực là cơ sở để FED thận trọng với lộ trình nới lỏng tiền tệ của mình. Tuy vậy, động thái của FED lại phụ thuộc nhiều vào diễn biến cuộc chiến Mỹ - Trung vốn dĩ đã rất khó lường nên thị trường hiện tại rất nhạy cảm và dễ biến động.

Xét riêng tháng 9, tâm lý thị trường lạc quan hơn, các đồng tiền trú ẩn như JPY, CHF giảm giá lần lượt là 1,69% và 0,76%, giá vàng cũng giảm 3,2% trong khi hầu hết các đồng tiền khác hồi phục so với USD. Riêng EUR vẫn nối dài xu hướng mất giá, về mức 1,09USD/EUR – giảm 0,84% MoM và 4,96%Ytd, nền kinh tế Châu Âu đang đứng trước nguy cơ suy thoái do suy giảm sản xuất, các tranh chấp thương mại và sự bất định của Brexit.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem