Vì sao Trung Quốc yêu cầu Việt Nam phải đáp ứng 1 trong 2 điều kiện này mới nhập khẩu ớt?

Thiên Hương Thứ hai, ngày 14/06/2021 06:15 AM (GMT+7)
Theo thông tin mới đây từ Bộ Công Thương, ớt Việt Nam sẽ được xuất khẩu trở lại sang Trung Quốc sau khi bị tạm dừng nhập khẩu từ năm 2020, với điều kiện phải đáp ứng được một trong hai yếu tố.
Bình luận 0

Phải đáp ứng 1 trong 2 điều kiện, Trung Quốc mới nhập khẩu ớt từ Việt Nam

Theo đó, phía cơ quan chức năng Trung Quốc yêu cầu quả ớt nhập từ Việt Nam sẽ phải được sản xuất từ những vùng không nhiễm ruồi đục quả, hoặc phải được xử lý kiểm dịch thực vật trước khi xuất khẩu.

Song song đó, Trung Quốc cũng đồng ý xem xét mở cửa cho khoai lang tím Việt Nam xuất khẩu tạm thời sang thị trường này, với điều kiện toàn bộ vùng trồng cũng như cơ sở đóng gói được kiểm tra kỹ lưỡng.

Ớt Việt Nam được nhiều đối tác nước ngoài đánh giá là chất lượng, độ cay hơn ớt của các nước khác. Ngoài ra ớt tươi Việt Nam không có thuốc trừ sâu, đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng về vệ sinh an toàn thực phẩm nên nhu cầu tiêu thụ ớt tại thị trường nước ngoài luôn có sự tăng mạnh.

Trong đó, Trung Quốc là thị trường lớn trong việc tiêu thụ ớt Việt Nam. Ngoài ra, ớt xuất khẩu sang Hàn Quốc, Trung Quốc,… liên tục tăng mạnh những năm gần đây.

Theo thông tin từ Công ty Ratraco Solutions, thời gian qua Trung Quốc ngày càng siết chặt nhiều mặt hàng nhập từ Việt Nam. Trong đó, quả ớt xuất khẩu sang thị trường này có một số vấn đề vướng mắc về kiểm nghiệm, kiểm dịch.

Vì sao Trung Quốc yêu cầu Việt Nam phải đáp ứng 1 trong 2 điều kiện này mới nhập khẩu ớt? - Ảnh 1.

Thời điểm này, nông dân xã Tượng Sơn (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) đã bắt đầu bước vào vụ thu hoạch ớt. Tuy nhiên, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, thưa vắng thương lái thu mua nên giá ớt giảm mạnh, chỉ còn từ 3.000 - 5.000 đồng/kg. Ảnh: Dân Việt

Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) cho biết, từ năm 2020, Trung Quốc đã yêu cầu phía Việt Nam phải chủ động tạm dừng xuất khẩu mặt hàng ớt sang Trung Quốc.

Do quả ớt gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu nên giá ớt thời gian qua giảm mạnh. Tại cánh đồng ở xã Bình Nghi (Tây Sơn – Bình Định), ớt ra trĩu cây, chín đỏ, trái đẹp nhưng thương lái thu mua với giá rất thấp.

Cụ thể, giá ớt chỉ thiên dao động từ 4.000 – 5.000 đồng/kg, bằng 1/3 so với vài tháng trước. Trong khi đó, ớt chỉ địa (ớt lớn) đầu vụ bán được 7.000 - 8.000 đồng/kg nhưng nay thì gần như không bán được, vì chẳng mấy người mua.

Theo nhiều thương lái chuyên thu mua ớt ở huyện Phù Mỹ, từ trước đến nay, giá ớt ở địa phương này luôn lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc. 

Tuy nhiên, vào chính vụ năm nay, giá ớt phía Trung Quốc thu mua cũng chỉ khoảng 10.000 đồng/kg nên giá ớt trong nước mới giảm thê thảm như vậy.

Trong khi đó, thời điểm cuối năm 2020, giá ớt tăng liên tục. Có lúc, giá ớt đạt đến trên 100.000 đồng/kg nên ở nhiều nơi, bà con đổ xô trồng ớt. Theo Phòng NNPTNT huyện Phù Mỹ, vụ đông xuân năm nay, người dân địa phương trồng đến 1.262 ha ớt, tăng 29 ha so cùng kỳ năm trước.

Tương tự, giá ớt ở một số địa phương thuộc tỉnh Quảng Ngãi cũng đang "chạm đáy" vì thưa vắng tiểu thương thu mua. 

Có năm, một sào ớt trồng ở TP.Quảng Ngãi có thể lời được 1 chỉ vàng. Nhưng bây giờ, ớt sai trĩu, chín đỏ mà người trồng ớt thì chỉ biết thở dài, buồn bã vì giá bán thấp dưới giá thành.

Ông Lê Văn Nghĩa- Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Nghĩa Hà cho biết, khắp nơi giá ớt đều giảm chứ không riêng gì tại Quảng Ngãi. Giá ớt phải đạt 10.000 đồng/kg nông dân mới có thể hoà vốn, còn giá ớt rẻ bèo như hiện nay thì ai cũng lỗ.

Vì sao Trung Quốc yêu cầu Việt Nam phải đáp ứng 1 trong 2 điều kiện này mới nhập khẩu ớt? - Ảnh 2.

Giá ớt giảm mạnh, không bõ công thu hoạch nên nhiều ruộng ớt chín rộ, bà con vẫn chưa buồn thu hái. Ảnh: I.T

Bà Nguyễn Thị Thu Hương – Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, sau quá trình gửi hồ sơ, phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã đồng ý trước mắt trong thời gian chờ họ làm phân tích nguy cơ dịch hại thì đồng ý cho Việt Nam tạm thời xuất khẩu ớt sang Trung Quốc trở lại.

Theo đó, Việt Nam cần đáp ứng được một trong hai điều kiện của họ. Thứ nhất là ớt sẽ phải được sản xuất từ những vùng không nhiễm ruồi đục quả. Thứ hai là phải được xử lý kiểm dịch thực vật trước khi xuất khẩu.

Tuy nhiên sau khi xem xét nghiên cứu, rà soát, Cục Bảo vệ thực vật cho rằng biện pháp sản xuất từ vùng không nhiễm dịch hại, không nhiễm ruồi đục quả sẽ rất khó.

Do đó, Cục Bảo vệ thực vật sẽ triển khai nghiên cứu và thiết kế các thông số kỹ thuật về xử lý kiểm dịch thực vật để gửi sang phía Trung Quốc. Biện pháp xử lý dự kiến là bằng Methyl Bromide và việc này sẽ phải mất thời gian để thực hành thử nghiệm, bởi sẽ phải thu gom lượng nguyên liệu lớn và làm nhiều lần. Cục sẽ cố gắng hoàn thành sớm bộ hồ sơ kỹ thuật về xử lý kiểm dịch thực vật sản phẩm ớt để gửi sang phía Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Cục Bảo vệ thực vật cũng sẽ hoàn thiện bộ hướng dẫn cho các tỉnh để thiết lập các vùng trồng không nhiễm dịch hại. Đây là biện pháp lâu dài và có tính chất bền vững hơn.

Cùng với Trung Quốc, thị trường Malaysia sau 2 năm tạm dừng thì mới đây cũng cho phép Việt Nam xuất khẩu ớt trở lại.

Điều kiện của Malaysia là ớt cũng phải được sản xuất từ những vùng được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số và kiểm soát toàn bộ quá trình từ lúc trồng đến cơ sở đóng gói, xuất khẩu.

"Các thị trường nhập khẩu hiện nay đều yêu cầu phải quản lý cụ thể từ từng vùng trồng, từng cơ sở đóng gói. Do vậy, trách nhiệm của địa phương rất lớn trong việc thường xuyên giám sát, đôn đốc, đảm bảo sản phẩm của địa phương đáp ứng đủ, đúng yêu cầu của các nước nhập khẩu.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem