Vì sao VASEP phản ứng với quy định mới của Cục Thú y về NK thủy sản

Đình Thắng Thứ sáu, ngày 08/12/2017 15:02 PM (GMT+7)
Nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu thủy sản cho rằng trong Dự thảo sửa đổi Thông tư 26 về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản có quy định doanh nghiệp phải có bản sao giấy chứng nhận đánh bắt do cơ quan thẩm quyền của nước có tàu khai thác cấp là chưa phù hợp, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Còn cơ quan quản lý cho rằng đây là điều kiện bắt buộc phải có để chứng minh rõ nguồn gốc và số lượng sản phẩm.
Bình luận 0

Tự trói chân mình?

Để khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của EU đối với hải sản xuất khẩu (XK) của Việt Nam, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) đang hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 26 quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản.

Thông tư này quy định chi tiết Khoản 3 Điều 53 của Luật thú y về Danh Mục động vật, sản phẩm động vật thủy sản thuộc diện phải kiểm dịch, miễn kiểm dịch; Danh Mục động vật, sản phẩm động vật thủy sản thuộc diện phải phân tích nguy cơ trước khi nhập khẩu vào Việt Nam; nội dung hồ sơ khai báo kiểm dịch nhập khẩu (NK) sản phẩm động vật thủy sản làm nguyên liệu gia công, chế biến thực phẩm XK; sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu từ tàu đánh bắt hải sản nước ngoài…

img

Sắp tới đối với nguồn nguyên liệu nhập về để chế biến, XK đi EU thì phải có giấy chứng nhận đánh bắt trong hồ sơ xin Giấy xác nhận. Ảnh: IT

Một trong những điểm của Dự thảo sửa đổi Thông tư 26 gây tranh cãi và được doanh nghiệp (DN) quan tâm góp ý nhiều đó là quy định đối với hàng NK để chế biến XK, DN phải có bản sao giấy chứng nhận đánh bắt do cơ quan thẩm quyền của nước có tàu khai thác cấp. Về điểm này, bà Trần Hoàng Yến – Phó Giám đốc Vasep.Pro cho biết, quy định trong hồ sơ đăng ký kiểm dịch, DN phải có bản sao giấy chứng nhận đánh bắt (C/C) do cơ quan thẩm quyền của nước có tàu khai thác cấp.

Ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng thư ký Hiêp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho rằng, quy định này là “tự mình trói chân mình”, do Luật Thủy sản chỉ quy định việc xác nhận nguyên liệu thủy sản, chứng nhận sản phẩm thủy sản khi có yêu cầu chứ không bắt buộc với tất cả các thị trường XK. Quy định của EU cũng chỉ yêu cầu DN nộp C/C khi nhập hàng vào EU.

Cũng theo Vasep, hiện nay mỗi năm các DN Việt Nam NK hơn 1 tỷ USD nguyên liệu thủy hải sản để chế biến XK. Dự báo đến năm 2020, nhập khẩu nguyên liệu sẽ là 2 tỷ USD.

Tổng cục Thủy sản cho rằng, những lô hàng dự kiến nhập để chế biến đi EU, DN cần có thông báo với các nhà XK cần có giấy C/C. Không còn cách nào khác, DN buộc phải lựa chọn các nhà XK, nếu nhà XK nào có C/C thì mới nhập để tránh sai sót trong hồ sơ sau này, có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu của thị trường EU.

Từ những lý do trên, Vasep kiến nghị sửa đổi Thông tư 26 theo hướng không yêu cầu DN nộp C/C trong hồ sơ kiểm dịch động vật thủy sản.

Đối với những lô nguyên liệu nhập khẩu không có giấy chứng nhận y tế (H/C) do cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu cấp thì cho phép cơ quan thẩm quyền Việt Nam tiến hành lấy mẫu kiểm tra, phân tích rồi cấp H/C để DN được nhập khẩu vào Việt Nam.

Yêu cầu rõ ràng số lượng, nguồn gốc hàng nhập

Bên cạnh góp ý cho quy định trên, các DN có một sô kiến nghị liên quan đến hàng nhập khẩu để tiêu thụ nội địa. Ông Nguyễn Xuân Nam - Tổng giám đốc Công ty TNHH Hải Vương đặt vấn đề về việc bên cạnh việc quản lý nguồn nguyên liệu nhập khẩu, dự thảo cần bổ sung nội dung quản lý đối với hàng nhập khẩu để tiêu thụ nội địa và hàng chuyển cảng. Bởi thực tế, lượng hải sản nhập khẩu tiêu thụ nội địa là rất lớn. Trong đó hải sản khai thác bất hợp pháp chiếm tỷ lệ không nhỏ. Khi EU nhận thấy có tàu bất hợp pháp vào cảng Việt Nam thì lập tức hàng xuất khẩu của Việt Nam cũng sẽ bị vạ lây.

Liên quan đến những đề xuất của DN, tại cuộc họp lấy ý kiến góp ý một số nội dung quy định tại dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 26 vào cuối tháng 11, ông Dương Tiến Thể - Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, sắp tới đối với nguồn nguyên liệu nhập về để chế biến, XK đi EU thì phải có C/C trong hồ sơ xin Giấy xác nhận, Cơ quan Thú y sẽ căn cứ vào các số liệu trong C/C đó để cấp giấy. Đối với những nguồn hàng tạm nhập tái xuất sẽ có những xử lý linh hoạt hơn do nguồn hàng nhập – xuất ra vào rất nhanh.

Phía Tổng cục Thủy sản cũng cho rằng, những lô hàng dự kiến nhập để chế biến đi EU, DN cần có thông báo với các nhà XK cần có giấy C/C.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem