Vì sao Vietcombank đẩy mạnh cho vay mua ô tô?

Huyền Anh Thứ bảy, ngày 27/04/2019 06:20 AM (GMT+7)
Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết, những năm gần đây, Vietcombank đã chuyển hướng trọng tâm sang mảng bán lẻ, tốc độ phát triển hàng năm khoảng 30%. Đến nay quy mô tài sản mảng bán lẻ đóng góp tới 40% tổng tài sản của ngân hàng và đóng góp tới 46% lợi nhuận của ngân hàng. Tuy nhiên, tiềm năng thị trường còn rất lớn nhất là lĩnh vực cho vay mua ô tô”.
Bình luận 0

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 tổ chức sáng nay (26.4), Hội đồng Quản trị Vietcombank đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ giai đoạn 2019-2020.

Dự kiến tăng vốn điều lệ thêm 49% trong 2 năm tới

Cụ thể, dự kiến Vietcombank sẽ tăng vốn thông qua hai đợt. Đợt 1, ngân hàng sẽ phát hành cổ phiếu tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ tối đa 40% cho cổ đông hiện hữu. Nguồn vốn thực hiện được lấy từ nguồn lợi nhuận giữ lại tích lũy đến cuối năm 2018.

Theo đó, số vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng từ mức 37.088 tỷ đồng lên 51.924 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2019.

Đợt 2, Vietcombank sẽ chào bán thêm cổ phần bằng hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ với quy mô tương đương 6,5% vốn điều lệ tại thời điểm chào bán (tương đương 337,5 triệu cổ phần).

img 

Đại hội đồng cổ đông năm 2019 của Vietcombank

Giá bán được xác định theo nguyên tắc giá thị trường, trên cơ sở được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật. Vốn điều lệ của ngân hàng theo đó sẽ tăng lên mức 55.299 tỷ đồng, tương đương tăng 49,1% so với mức hiện tại. Thời gian thực hiện dự kiến trong giai đoạn 2019-2020, sau khi thực hiện phát hành cổ phiếu tăng vốn.

Ban lãnh đạo Vietcombank cho biết, nguồn vốn tăng thêm dự kiến sẽ được dùng để đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, xây dựng trụ sở làm việc, mở rộng mạng lưới hoạt động, đầu tư công nghệ. Đồng thời, mở rộng hoạt động tín dụng, kinh doanh vốn và các hoạt động kinh doanh khác của ngân hàng.

Liên quan đến vấn đề tăng vốn bằng phát hành riêng lẻ, ông Phạm Quang Dũng, Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, hình thức tăng vốn năm nay sẽ khác, bao gồm phát hành cho cổ đông hiện hữu và cổ đông mới chứ không chỉ riêng cổ đông mới như phương án tăng vốn trong năm 2018.

“Vietcombank tiếp cận với các nhà đầu tư lớn và có nhiều nhà đầu tư cũng muốn tham gia vào Vietcombank, nên khả năng đợt tăng vốn tới sẽ có sự tham gia của các cổ đông này”, ông Dũng nói.

Liên quan đến câu hỏi của cổ đông về tiến trình thoái vốn tại MB, Eximbank và Vietnam Airlines, ông Phạm Quang Dũng, Tổng giám đốc Vietcombank thông tin, năm 2018, hoạt động thoái vốn của Vietcombank đã đạt hơn 1.600 tỷ đóng góp vào lợi nhuận năm 2018. Hiện nay, còn một số khoản đầu tư lớn ở MB và Eximbank và Vietnam Airlines.

“Nếu định giá thị trường đến ngày hôm nay thì Vietcombank có lãi khoảng 2.000 tỷ đồng từ 3 khoản đầu tư lớn này. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay cũng chưa có áp lực hay lý do nào để ngay lập tức phải thực hiện thoái vốn. Tùy theo tình hình thực tế, Vietcombank sẽ có kế hoạch cụ thể đối với từng khoản đầu tư, đảm bảo tối đa hóa lợi ích cho cổ đông”, ông Dũng nhấn mạnh.

Tập trung phát triển cho vay mua ô tô

Chia sẻ với cổ đông về kế hoạch phát triển mảng bán lẻ trong thời gian tới của Vietcombank, Tổng giám đốc Phạm Quang Dũng thừa nhận, những năm vừa qua Vietcombank đã chuyển hướng trọng tâm sang mảng bán lẻ, tốc độ phát triển hàng năm khoảng 30%. Đến nay quy mô tài sản mảng bán lẻ đóng góp tới 40% tổng tài sản của ngân hàng.

“Quy mô bán lẻ chỉ 40% nhưng mảng bán lẻ đóng góp tới 46% lợi nhuận sau dự phòng rủi ro của Vietcombank. Đây là thay đổi rất lớn đối với Vietcombank. Tuy nhiên, Vietcombank mới chỉ khai thác được 1 phần tiềm năng bán lẻ trên thị trường. Trong tiềm năng này, Vietcombank đánh giá lĩnh vực cho vay mua ô tô có khả năng phát triển mạnh trong thời gian tới do mức sống của người dân ngày càng cải thiện. Chính vì vậy, Vietcombank sẽ tập trung phát triển mảng cho vay này trong năm 2019”, ông Phạm Quang Dũng cho hay.

Bổ sung ý quan điểm về lĩnh vực này, Chủ tịch Vietcombank ông Nghiêm Xuân Thành chỉ ra 3 lý do để Vietcombank hướng tới phân khúc cho vay mua ô tô dù NIM phân khúc này chưa cao. 3 lý do ông Thành đưa ra bao gồm: Cho vay mua ô tô là lĩnh vực còn nhiều dư địa bởi đời sống ngày càng được cải thiện, nhu cầu mua ô tô của người dân ngày càng lớn. Bên cạnh đó, sản phẩm cho vay mua ô tô là sản phẩm chuẩn. Quan trọng hơn, với cho vay mua ô tô, Vietcombank có thể quản lý dòng tiền ngay từ phía nhà cung cấp, đại lý bản ô tô”.

Cũng tại ĐHĐCĐ, một vấn đề khác được cổ đông đề cập là xu hướng cho vay tiêu dùng như FECredit của VPBank hay HD Saison của HDBank hiện nay, vậy Vietcombank có kế hoạch gì không?

img 

Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành phát biểu tại ĐHĐCĐ năm 2019

Chủ tịch Vietcombank Nghiêm Xuân Thành thông tin: "Ban lãnh đạo Vietcombank xác định bây giờ chưa phải là thời điểm chín muồi để mở công ty cho vay tài chính tiêu dùng, tránh ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín của ngân hàng có tầm quốc tế như Vietcombank.

Bên cạnh đó, trong 4 NHTM Nhà nước hiện nay chưa có ngân hàng nào mở công ty tín dụng tiêu dùng riêng, đây là hướng đi đúng. Đặc biệt, thời gian gần đây xuất hiện những dư luận không tốt xoay quanh hình thức này nên NHNN đã kiểm soát tốc độ tăng trưởng cho vay tiêu dùng, đưa ra dự thảo quy định giải ngân bằng tiền mặt và cấm một số hình thức thu nợ tiêu dùng không phù hợp thuần phong mỹ tục của Việt Nam.

“Sự thận trọng của Vietcombank như hiện nay là rất cần thiết”, ông Thành khẳng định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem