Vì sao V.League là "cối xay" đáng sợ với HLV ngoại?

Thứ ba, ngày 09/06/2020 07:10 AM (GMT+7)
Sau khi chuyên gia Daniel Enriquez chia tay Hà Nội FC, đến lượt Fabio Lopez không thể hòa nhập với Thanh Hóa FC cho thấy sự thật là những HLV ngoại luôn khó có đất diễn tại sân chơi số 1 của Việt Nam.
Bình luận 0

Mới đây, CLB Thanh Hóa trở thành đội bóng thứ 2  tại V.League năm nay thay tướng. Theo đó, dù được đặt rất nhiều kỳ vọng với danh tiếng từng làm việc tại Italia, nhưng cuối cùng khi về với đội bóng xứ Thanh, ông Fabio Lopez đã không thể trụ nổi sau 3 vòng đấu tại V.League 2020. Sau 3 vòng, Thanh Hóa thua cả 3 và cũng đã bị loại khỏi vòng 1/8 Cup Quốc gia 2020. 

Như vậy, tính từ thời điểm khởi động cho đến khi diễn ra những vòng đầu tiên, V.League đã chứng kiến 2 thất bại của 2 HLV ngoại. Trước khi ông Fabio Lopez nói lời chia tay Thanh Hóa FC thì chuyên gia người Urugoay Daniel Enriquez cũng không thể có tiếng nói chung với đội bóng thủ đô Hà Nội FC và buộc ra đi.  

Vì sao V.League là "cối xay" đáng sợ với HLV ngoại? - Ảnh 1.

Ông Fabio Lopez trở thành HLV thứ 2 tại V.League 2020 chia tay ghế nóng

V.League không phải là giải đấu hàng đầu nhưng xét về độ khốc liệt thì có lẽ không thua một giải đấu nào trên thế giới. Tính cạnh tranh cao đã khiến mọi đội bóng không thể ngồi yên. Khi thành tích bết bát, họ sẽ nhanh chóng chọn phương án “thay tướng, đổi vận”. Giải đấu số 1 Việt Nam là sân đấu mang những bản chất đặc thù rất riêng. Chính vì thế, những HLV ngoại dù có nền tảng chuyên môn giỏi, giàu tính chuyên nghiệp, nhưng cuối cùng cũng phải ngậm ngùi ra đi vì không thể hòa nhập nổi. 

Nói thế không có nghĩa là không có những nhà cầm quân ngoại từng gặt hái được thành công tại V.League. Trong lịch sử giải đấu có hai người được xem là HLV ngoại thành công. Đó là ông Arjhan Srong-ngamsub (HAGL) và Henrique Calisto của  Đồng Tâm Long An. Những người còn lại đều không thể bước tới đỉnh cao và giang dở với mục tiêu riêng của mình khi đặt chân đến đất nước dải đất chữ S. 

Có chăng thì còn ông HLV Ljupko Petrovic, một HLV lão làng có bản lý lịch hoành tráng với đỉnh cao là chức vô địch Cup C1 cùng Red Star Belgrade năm 1991. Nhưng rồi vị chuyên gia rất tài năng này cũng chỉ trụ lại V.League được 1 năm dù đã giúp Thanh Hoá FC giành ngôi Á quân V.League 2017. 

Tại V.League 2019 năm ngoái, có 3 HLV ngoại nắm quân là Chung Hae-seong (TP.HCM), Lee Tae-hoon (HAGL) và Lee Heung-sil của Viettel FC. Trong số đó, ông Chung Hae-seong được xem là thành công hơn cả khi giúp TP.HCM giành ngôi vị Á quân đầy bất ngờ. 

Tuy nhiên, chính ông Chung Hae-seong cũng đã từng nhận thất bại hồi còn làm việc tại đội bóng phố Núi HAGL năm 2018. Người đồng hương với ông Chung là Lee Tae-hoon chỉ giúp dàn sao HAGL đứng thứ 8 chung cuộc, còn Lee Heung-sil thì sớm chia tay với đội bóng áo lính Viettel FC.

Vì sao V.League là "cối xay" đáng sợ với HLV ngoại? - Ảnh 2.

HLV Lee Tae-hoon được dự đoán là người tiếp theo nhường ghế nếu HAGL tiếp tục thi đấu không tốt

 V.League 2020 đang ở giai đoạn khởi động, nhưng đã có những cuộc chia tay từ băng ghế chỉ đạo. Guồng quay cỗ máy xay HLV đã bắt đầu và xét ở tình hình thực tại, người được cho là có nguy cơ mất ghế cao nhất sau ông  Fabio Lopez chính là ông Lee Tae-hoon ở HAGL. Đội bóng phố Núi vừa nhận thất bại ê chề 0-3 trước Hà Nội FC đã chỉ ra vô số những hạn chế cần phải khắc phục gấp. Ông Lee xem ra chưa đủ khả năng để có thể chèo lái con thuyền đang nỗ lực hướng tới một diện mạo mới sau bao năm chỉ chăm chăm lo việc trụ hạng.

Sau trận đấu trên sân Hàng Đẫy,  HLV Lee Tea-hoon dường như  đã sẵn sàng cho một kết cục không mong muốn sẽ đến với mình:  “Tôi sẵn sàng lắng nghe cũng như thực hiện mọi quyết định mà CLB đưa ra cho chiếc ghế của mình. Tôi không trách các học trò, họ đã nỗ lực hết sức rồi”. 

Sự khác biệt về môi trường và rào cản ngôn ngữ được cho là nguyên nhân chính khiến các HLV ngoại khó lòng thành công tại Việt Nam. Thêm nữa, V.League là giải đấu có tiếng là cạnh tranh cao nhưng đẳng sau đó là cách vận hành còn chưa thực sự chuyên nghiệp tại các đội bóng. 

Các cầu thủ sinh hoạt nặng về tình cảm hơn là nghĩ tới mục tiêu chung dù tồn tại sự khác nhau về quan điểm cũng như triết lý chiến thuật. Những người lãnh đạo ở cấp thượng tầng CLB còn  thói quen can thiệp sâu vào chuyên môn nên dễ tạo sự bất đồng đối với những chuyên gia từng quen làm việc ở những môi trường bóng đá chuyên nghiệp và phát triển hơn.  

QH (Thể thao HCM)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem