Vì sao vốn ưu đãi điện mặt trời chưa tới doanh nghiệp sản xuất?
Vì sao nhóm doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chưa được nhận ưu đãi vốn lắp điện mặt trời?
Vũ Khoa
Thứ hai, ngày 19/06/2023 19:06 PM (GMT+7)
Việc Bộ Công Thương đưa ra Dự thảo khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà nhưng tạm loại trừ ưu đãi với cơ sở sản xuất, kinh doanh đang được thị trường đặt câu hỏi.
Doanh nghiệp phân vân về nhóm ưu đãi điện mặt trời
Công văn số 3750/BCT-ĐL ngày 16/6/2023 của Bộ Công Thương thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về chính sách huy động điện mặt trời áp mái từ nhà dân, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp.. đặc biệt tại khu vực miền Bắc. Theo đó, Bộ Công thương đã khẩn trương phối hợp với Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), Tổng Công ty Điện lực miền Bắc xây dựng Dự thảo quyết định cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của doanh nghiệp.
Theo Bộ Công Thương, trong bối cảnh tình hình cung ứng điện từ nay đến năm 2025, dự báo gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khu vực miền Bắc. Chính vì vậy, việc bổ sung các nguồn điện mặt trời, điện mặt trời tự sản, tự tiêu có ý nghĩa quan trọng. Việc xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà, điện mặt trời tự sản, tự tiêu cần nhiều thời gian để nghiên cứu, xây dựng, thẩm định, ban hành theo đúng các trình tự thủ tục về ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Do đó, Bộ Công Thương lựa chọn hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của doanh nghiệp để thực hiện trước. Dự thảo của Bộ Công Thương nhấn mạnh, điện mặt trời để tự sử dụng, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác. Một số ưu đãi có thể kể đến như tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển Hệ thống điện mặt trời mái nhà được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh điện và được vay vốn với lãi suất ưu đãi.
Tuy nhiên, khi Dự thảo được đưa ra, một số ý kiến phân vân về việc mới chỉ có nhóm nhà ở, trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện được ưu đãi, trong khi đó Dự thảo không bao gồm nơi có hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại. Chia sẻ với PV Dân Việt, đại diện một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lắp đặt thiết bị điện mặt trời cho rằng, những cơ sở sản xuất, kinh doanh mới là nơi tiêu thụ điện chính. Việc Dự thảo chưa đưa ưu đãi cho nhóm này tạo ra sự "hụt hẫng" đối với các doanh nghiệp đầu tư.
"Riêng đối với hộ gia đình, bởi tính chất trực tiếp nên hiệu suất sử dụng điện mặt trời trong hộ gia đình sẽ gặp nhiều hạn chế. Nhất là tại các thành phố, nhiều người chỉ ở nhà vào buổi tối. Lúc này họ phải sử dụng điện lưới nên việc lắp điện mặt trời là không phù hợp, ngay cả có ưu đãi vay vốn", đại diện doanh nghiệp phân tích.
Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, chi phí lắp đặt điện mặt trời đối với hộ gia đình (công suất 5-6kWh) khoảng 60 – 70 triệu đồng tùy theo kết cấu. Muốn lưu trữ điện, người dân sẽ phải bỏ ra số tiền tương đương chi phí lắp đặt, thậm chí có thể hơn. Mức đầu tư này không hề nhỏ, nếu so sánh với thu nhập của người lao động.
Tận dụng nguồn xã hội hóa tăng độ phủ của điện mặt trời
Trao đổi với PV Dân Việt, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Hoàng Tiến Dũng cho biết, hiện nay điện tự sản tự tiêu được phân thành 2 loại, một là lắp đặt quy mô nhỏ trên mái nhà dân, công sở, trụ sở doanh nghiệp. Phần còn lại là khu vực doanh nghiệp đầu tư làm điện mặt trời mái nhà, đây là những dự án có quy mô lớn hơn về diện tích, yêu cầu kỹ thuật cao.
Lý giải rõ hơn, ông Dũng cho biết việc chưa ưu đãi triển khai điện mặt trời tại những nơi có hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại bởi đang triển khai từng bước. Theo đó, sở dĩ đối tượng nhà dân, công sở được lựa chọn triển khai ưu tiên bởi tốc độ phủ, cũng như khả năng tận dụng xã hội hóa nhanh.
"Hiện trên cả nước có xấp xỉ 28 triệu hộ dân nên tốc độ đầu tư là khả quan. Mặt khác, việc này cũng phù hợp với mục tiêu cũng mục tiêu 50% tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện tự sản, tư tiêu tại Quyết định số 500/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030", Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo nói.
Về lo ngại tình trạng người dân sẽ không lựa chọn lắp điện mặt trời, ông Dũng cho biết, thực tế thì quyền lựa chọn thuộc về nhu cầu của người sử dụng.
"Có những hộ không ở nhà ban ngày, nhưng cũng có rất nhiều hộ sử dụng điện nhiều vào ban ngày. Như vậy là vẫn có nhu cầu. Còn tại các công sở, điện tiêu thụ chủ yếu vào ban ngày, với số lượng lớn nên nếu đẩy mạnh được là điều rất tốt", ông Dũng cho hay.
Mặt khác, việc Dự thảo chưa đưa vào thực hiện vì tính chất kỹ thuật phức tạp, nên các dự án này cần phải được nghiên cứu đầy đủ để xây dựng cơ chế. Tại Quyết định 500/QĐ-TTg, loại hình nguồn điện này được ưu tiên khuyến khích phát triển. Nhưng việc thực hiện với những dự án công suất hàng chục MW, với diện tích trải rộng hàng chục hecta, ảnh hưởng về mặt kỹ thuật, môi trường, lưới điện là rất lớn nên cần phải nghiên cứu kỹ.
"Tất nhiên là sẽ phải làm, nhưng chúng ta không thể vội vàng", ông Dũng cho biết.
Về lộ trình thực hiện Dự thảo, ông Dũng cho biết, hiện Bộ Công Thương đang lấy ý kiến các bộ, ngành về thủ tục và phấn đấu hoàn thiện trong tháng 7/2023.
Chia sẻ với PV, một chuyên gia về ngành điện cho rằng, hiện mục tiêu tiết kiệm sản lượng tiêu thụ, giảm áp lực cho mạng lưới điện Quốc gia được đặt lên hàng đầu. Với thực tế số lượng người sử dụng điện tập trung tại các cơ quan, văn phòng, công sở trên cả nước là rất lớn. Bởi vậy, nếu điện mặt trời tự sản, tự tiêu sớm đẩy nhanh ở các nhóm tiêu thụ này, hiệu quả về tiết kiệm là khả quan.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.