Vi Thùy Linh và "cơn bão" giấc mơ thơ

Ái Giang Thứ sáu, ngày 03/06/2022 11:50 AM (GMT+7)
Triển lãm "Còn hôm nay ta còn mãi mãi" diễn ra từ lúc 9 đến 22 giờ ngày 4/6 tại số 212, đường Lý Chính Thắng, phường 9, quận 3, TP. HCM. Sự kiện có một không gian "Châu thổ giấc mơ" - tên tác phẩm trình diễn của Vi Thùy Linh đầy sang trọng, khơi gợi và bay bổng.
Bình luận 0

Tháng 6, Sài Gòn đang mùa mưa. Và có một "cơn bão" êm đềm của thơ đặc biệt cho công chúng. Là gương mặt tiêu biểu hàng đầu thế hệ 8X bởi đăng đàn từ tháng 9/1995, lao động say mê - chuyên nghiệp và sức sáng tạo bền bỉ, Vi Thùy Linh là nhà thơ duy nhất được mời từ Thủ đô.

Đơn vị tổ chức đã coi tiếng Việt như "mỏ vàng" của sáng tạo và vẻ đẹp tâm hồn qua hoạt động thi ca. Thơ trầm tỏa tâm hồn của mỗi quốc gia, sức sống của thơ là bảo chứng của lịch sử đời sống, của tinh thần Việt. 

Vi Thùy Linh và "cơn bão" giấc mơ thơ - Ảnh 1.

Nhà thơ Vi Thùy Linh và "cơn bão" giấc mơ thơ. (Ảnh: NVCC)

Tọa lạc tầng trệt với diện tích hơn 600m2, sức chứa tối đa tại triển lãm trong cùng 1 thời điểm là 400 khán giả, để trải nghiệm không gian triển lãm một cách tốt nhất.

Chất liệu giấy bìa carton kết hợp giấy roki tạo hình. Khung sắt với gỗ định hình phần khung, giấy tạo hình thành những làn phù sa bồi đắp. Gần 400m2 giấy được sử dụng riêng cho khu vực Vi Thùy Linh. Thời gian lắp đặt từ ngày 1/6 và xuyên suốt trong 3 ngày đêm để hoàn thành các hạng mục trong triển lãm.

Tone màu chủ đạo là màu nâu sáng, be, trắng kết hợp với hiệu ứng loang sáng tựa sóng nước. Trăm cây nến đặt xung quanh tạo nên sự huyền ảo. Và thi sĩ xuất hiện như thiên sứ tình yêu, với cây nến thật Vi Thùy Linh đốt lên, cầm khi trình diễn - ánh lửa của nghệ thuật và khát vọng.

Phần ánh sáng được chuẩn bị công phu, thiết kế với đạo cụ và phối cảnh, tạo nên một "mê cung ánh sáng". (Nếu sáng hơn thì các bề mặt vật liệu sẽ bị lóe sáng, không đẹp). Tổng diện tích khu vực triển lãm là 600m2.

Bản Méditation (Thaïs) của Jules Émile Frédéric Massenet rất nổi tiếng viết cho piano và violin được Vi Thùy Linh và Violinist Tăng Thành Nam chọn làm "song tấu" thơ - nhạc sẽ quyến rũ người xem. Vừa có chất suy tư, vừa da diết và vấn vương chất ma mị.

Vi Thùy Linh và "cơn bão" giấc mơ thơ - Ảnh 2.

Hình ảnh khu vực nhà thơ Vi Thuỳ Linh. (Ảnh: BTC)

Nối tiếp sau Méditation là Après un rêve (Sau một giấc mơ) của nhạc sĩ Gabriel Faure. Định mệnh là Tăng Thành Nam - người bạn tin cậy, sau những cuộc trao đổi, lập tức đưa ra tác phẩm chọn hợp ý ViLi. Đó là "giấc mơ âm nhạc" cho giấc mơ thi ca của Linh. Và đều là nhạc của nhạc sĩ Pháp, xứ sở lục giác mà hai nghệ sĩ đã sống tuổi trẻ ở đó những tháng ngày đẹp nhất.

Vi Thùy Linh và "cơn bão" giấc mơ thơ - Ảnh 3.

Violinist Tăng Thành Nam. (Ảnh: NVCC)

Mỗi lần xuất hiện, Vi Thuỳ Linh đều nỗ lực với khả năng là tối đa, trước công chúng Ngày thơ Việt Nam ở sân Thái Học, Văn Miếu hay các đêm diễn chật kín khán phòng L'Espace (Trung tâm Văn hóa Pháp), Nhà Văn hóa học sinh - sinh viên, Nhà hát Lớn. 

Quà cho khán giả bao giờ cũng là những ấn tượng chưa ai làm, bất ngờ, cảm động. ViLi nhấn mạnh: "Tôi tận hiến vì danh dự, uy tín, vì sự tin yêu của bạn hữu và khán giả. Đồng hành với Linh từ cuộc trình diễn tháng 3/2014, hơn 8 năm mới tái xuất bộ đôi Tăng Thành Nam sẽ cùng Vi Thùy Linh làm được "Giấc mơ" của mình".

Vi Thùy Linh và "cơn bão" giấc mơ thơ - Ảnh 4.

Triển lãm "Còn hôm nay ta còn mãi mãi" diễn ra từ lúc 9 đến 22 giờ ngày 4/6 tại số 212, đường Lý Chính Thắng, phường 9, quận 3,TP. HCM. Hình ảnh dẫn dắt vào không gian triển lãm. (Ảnh: BTC)

Tối 3/6, BTC quay các nghệ sĩ ở khu vực triển lãm, theo tinh thần lúc đó còn ngổn ngang. Ngày 4/6, BTC sẽ quay đẹp đẽ, nhà thơ mặc đồ thoải mái tuỳ sở thích. Việc lên ý tưởng thiết kế, thực hiện, triển khai được thực hiện cùng đội ngũ tư vấn nghệ thuật. Toàn cảnh không gian dạng sân khấu tròn, khán giả xung quanh.

Về thơ và cuộc tái xuất này, nhà thơ Vi Thùy Linh chia sẻ: Pablo Neruda (1904 -1973), nhà thơ lớn của Chile và Mỹ Latin, tác giả ảnh hưởng hàng đầu của thi ca sáng tác bằng tiếng Tây Ban Nha với những kiệt tác thơ tình cuồng nhiệt. Nhận Nobel Văn học 1971, thơ ông được dịch khắp thế giới. 

Nhưng Neruda khiến tôi nhớ nhất, là câu khẳng định về sức mạnh thơ ca: "Nếu không có thơ, ngay cả lời nói cũng trở nên ú ớ". Và như thế, tôi bền cháy ngọn lửa đam mê sáng tạo Tiếng Việt cho trước hết, là công chúng Việt Nam. 

Khi một thi sĩ tầm cỡ vượt khỏi biên giới quốc gia, thì đấy không còn là ngôn ngữ nói - viết trong ranh giới lãnh thổ, dân tộc. Nhà thơ lớn là nhà thơ có từ trường ảnh hưởng, sức hút mãnh liệt và sâu sắc, để cái đẹp và tư tưởng truyền tỏa không biên giới. Đó là thế giới nghệ thuật, là châu thổ giấc mơ. Tôi sống cho thơ và chết như mơ".

Duy nhất, tại khu "Châu thổ" của Vi Thùy Linh (diện tích hơn 120m2) có 5 chiếc gối lớn, thơ mộng để nằm thưởng thơ và hòa mình vào "Giấc mơ". Và những bí mật của nàng Vi vẫn truyền năng lượng qua thi ca về sức mạnh của lãng mạn, niềm tin vào tinh thần tương lai, từ hiện tại.

Một trong các sinh thú kinh điển của nhân loại là đọc sách. Đến với "cơn bão" thơ đặc biệt nhiều phương diện lần này, một không gian bàng hoàng của những vẻ đẹp kết tụ trong ánh sáng từ nguồn sáng thi ca, nghệ thuật đa phương tiện cho công chúng những phức cảm liên hoàn vượt xa mọi hình dung về cách thức tiếp nhận quen thuộc. 

Thời cách mạng công nghệ, văn hóa đọc và vị thế thi ca có phần suy giảm, sức sống của thơ vẫn gây kinh ngạc. Khán giả không chỉ đứng, ngồi, mà còn được chuẩn bị những chiếc gối "lười" để nằm đọc thơ Vi Thùy Linh. Nằm để hòa mình vào giấc mơ lộng lẫy...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem