Vì tranh chấp đất đai, người chết, kẻ đi tù

An Sơn - Trương Hồng Thứ tư, ngày 09/09/2015 08:06 AM (GMT+7)
Cao điểm của những tranh chấp đất đai là án mạng, người chết, kẻ đi tù, hàng xóm thù hằn nhau.
Bình luận 0

Chỉ vì một thửa đất

Từ ngày người con trai Nguyễn Văn Tàu (SN 1991) vào tù về hành vi giết người, cuộc sống của vợ chồng ông Nguyễn Văn Hiền ở thôn Phú Cường, xã Lộc Thủy (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên- Huế) rơi vào cảnh cùng cực, vì Tàu là lao động chính trong nhà.

img

Ông Võ Huỳnh Trưởng mất đi để lại vợ và 4 đứa con thơ. Ảnh: Trương Hồng

Trước đây, ông Hiền được cô ruột là bà Nguyễn Thị Chắt cho một thửa đất và gia đình ông đã xây nhà ở trên thửa đất này. Khi bà Chắt qua đời, ông Trần Minh Ngãi (con trai bà Chắt) đòi lại mảnh đất này. Do bà Chắt chỉ cho bằng miệng nên ông Hiền không chứng minh được tính hợp pháp của việc mình được cho đất. Không ai chịu nhường ai, ông Hiền và ông Ngãi lao vào kiện tụng, tranh chấp quyền sở hữu thửa đất. Vụ việc sau đó được tòa án đưa ra xét xử và buộc ông Hiền bồi thường cho ông Ngãi 180 triệu đồng.

Nghe tin gia đình mình bị tòa buộc bồi thường cho ông Ngãi, Tàu đang làm thợ sửa chữa ôtô ở Đà Nẵng liền tức tốc về nhà. Tàu ra chợ mua 1 con dao giấu trong người, rồi chạy đi tìm người chú họ. Khi thấy ông Ngãi dắt xe máy ra khỏi nhà, Tàu xin đi nhờ và ông Ngãi đồng ý. Đến trước cổng Trường THCS Lộc Thủy, Tàu vung dao chém vào cổ ông Ngãi. Ông Ngãi ngã xuống đường, Tàu chém thêm nhiều nhát vào vai, gáy và cổ nạn nhân rồi bỏ trốn. Ông Ngãi được người dân đưa đi cấp cứu kịp thời nên thoát chết nhưng sức khỏe bị tổn hại nghiêm trọng. Ngày 12.6.2012, TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế tuyên phạt Tàu 11 năm 6 tháng tù, phải bồi thường cho nạn nhân 50 triệu đồng chi phí điều trị.

Ông Ngãi cho biết, sau khi xảy ra vụ việc trên, ông đã yêu cầu vợ con “cạch mặt” gia đình ông Hiền.  

Trao đổi với PV NTNN, ông Trần Văn Hữu - Chủ tịch UBND xã Lộc Thủy cho biết: Trường hợp tranh chấp giữa gia đình ông Hiền và gia đình ông Ngãi xã đã nhiều lần hòa giải không thành và tòa án cũng mở nhiều phiên xét xử nhưng đến nay vẫn chưa đem lại kết quả. “Đây là vụ việc dẫn đến hậu quả đau lòng, khiến người vào tù, kẻ thương tật nặng, gây phức tạp về an ninh trật tự”- ông Hữu nói.

Theo ông Hữu, thời gian tới, địa phương sẽ tăng cường tuyên truyền cho người dân các kiến thức về pháp luật, nhất là luật đất đai, để hạn chế tình trạng tranh chấp đất đai cũng như ngăn chặn những hậu quả do tranh chấp gây ra.

Chỉ vì cái hàng rào

Tại thôn Thạch Kiều (xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành, Quảng Nam), một vụ tranh chấp đất rừng dẫn đến 1 người chết, 7 người bị thương, 2 người lãnh án tù.

Theo Công an xã Tam Xuân 2, đó là việc tranh chấp đất rừng giữa gia đình ông Võ Huỳnh Trưởng (40 tuổi) và gia đình ông Huỳnh Huy Cường (50 tuổi, cùng thôn Thạch Kiều). Cuộc hỗn chiến giữa hai gia đình ông Trưởng và ông Cường bắt nguồn từ việc tranh chấp 300m2 đất trồng keo. Vì cùng một thôn với nhau nên rẫy keo của họ cũng giáp nhau. Ranh giới giữa rừng keo hai nhà hàng xóm này là những bụi dứa dại và hàng rào tre.

Nhà này bảo nhà kia lấn đất trồng keo của mình (cả hai đều không có giấy tờ sở hữu đất -PV). Sáng 13.10.2013, mẹ con bà Nguyễn Thị Thanh Nga (vợ ông Cường) lên rẫy keo cắt lá, dọn cỏ. Khoảng 6 giờ 50 cùng ngày, một nhóm gồm 15 người của gia đình ông Trưởng kéo đến chỗ bà Nga đôi co rồi hai bên xảy ra đánh nhau. Trong lúc đánh nhau, Huỳnh Huy Hội (24 tuổi, con trai ông Cường) đã dùng cây xới rơm, đâm ông Trưởng khiến ông này bị thương và tử vong sau 2 giờ cấp cứu. Cuộc ẩu đả cũng khiến 7 người khác bị thương. Ngày 16.9.2014, TAND tỉnh Quảng Nam đã tuyên Huỳnh Huy Hội 30 tháng tù, Võ Ngọc Hòa (SN 1988, em trai ông Trưởng) 24 tháng tù treo.

Trong căn nhà trống trải, bà Trần Thị Lệ Thu (vợ ông Trưởng) cứ sụt sùi đau đớn về cái chết của người chồng. Nhìn 4 người con ông Trưởng, trong đó có đứa chưa đầy 3 tuổi, đứng trước bàn thờ cha bên ngọn đèn dầu leo lắt mới thấy nỗi đau của người lớn để lại cho con trẻ không gì bù đắp được. 

 Điều 135 Luật Đất đai quy định: Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc thông qua hòa giải ở cơ sở. Khi các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp. UBND cấp xã có trách nhiệm phối hợp Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác để hòa giải. Thời hạn hòa giải là 30 ngày làm việc, kể từ ngày UBND cấp xã nhận được đơn. Trường hợp không hòa giải được tại UBND cấp xã, các bên tranh chấp có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem