Riêng Chủ tịch HĐND TP.HCM, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng: “Từ chức là việc bình thường nhưng chưa mang tính phổ biến, cán bộ không làm được việc thì nên từ chức”.
Giữ lời hứa: Cởi áo về vườn
Hình ảnh ông Đoàn Ngọc Hải và đội quản lý trật tự đô thị quận 1 trong những lần xuống đường. Ảnh: H.V
"Từ chức là một việc rất bình thường, chỉ có điều nó chưa phổ biến. Cán bộ mà làm việc không được thì nên từ chức, đó là điều đúng đắn”.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm
|
“Không dẹp được vỉa hè sẽ cởi áo về vườn”, lời hứa này đã được ông Đoàn Ngọc Hải - Phó Chủ tịch UBND quận 1 thực hiện tại cuộc họp kiểm điểm thường trực UBND quận 1. Sáng 8.1, ông Hải đã bất ngờ nộp đơn xin từ chức.
"Từ tháng 1 đến tháng 10.2017, công tác lập lại trật tự lòng, lề đường quận 1 đã tạo hiệu ứng lớn cho cả nước, Thủ tướng Chính phủ đánh giá tốt và chỉ đạo các địa phương khác thực hiện... Nhưng việc xử lý hành vi lấn chiếm lòng, lề đường đã động chạm đến lợi ích rất to lớn - hàng ngàn tỷ đồng của các bãi ô tô, xe gắn máy, nhà hàng, khách sạn, các hộ kinh doanh mặt tiền...", trong đơn viết.
Cuối đơn, ông Hải phân trần: "Nhìn lại, tôi thấy mình không thực hiện được lời hứa trước nhân dân, trước kỳ vọng của các đồng chí lão thành cách mạng là sẽ giải quyết dứt điểm vấn đề này, vì thế tôi xin từ chức…".
Trước đó, ngày 20.2.2017, ông Đoàn Ngọc Hải đã cùng đoàn công tác xử lý vi phạm trật tự đô thị và tuyên bố: "Từ đây đến cuối năm không làm được, tôi sẽ cởi áo về vườn không làm nữa, chứ không làm theo phong trào, đánh trống bỏ dùi, để nổi tiếng".
Đến tháng 5.2017, UBND quận 1 ra văn bản yêu cầu ông Hải không được xuống đường (từ tháng 5 đến tháng 8.2017), lề đường và vỉa hè bị chiếm trở lại, tình trạng nhếch nhác, lộn xộn đến mức ông Hải than thở: "Tình trạng lấn chiếm vỉa hè đã tái diễn, sau khi tôi bị buộc phải tạm ngừng chiến dịch chấn chỉnh trật tự lòng lề đường. Công sức của anh em trong hai tháng gần như đã trở về con số 0. Hàng ngày đi ra đường, tôi thấy rõ cảnh vỉa hè nhếch nhác, bề bộn. Rất khó chịu nhưng làm sao được khi tôi không còn đứng đầu chiến dịch và có quyền xử lý vi phạm, cũng như khiển trách cán bộ cấp dưới?".
Phương pháp làm việc của anh Hải chưa phù hợp
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Chủ tịch HĐND TP.HCM cho rằng: “Từ chức là việc bình thường nhưng chưa phổ biến”. Ảnh: H.V
Sáng 9.1, trả lời phóng viên Báo NTNN bên lề hội nghị gặp gỡ báo chí, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết không bất ngờ trước việc anh Hải từ chức nhưng cũng không dự định trước được việc này.
“Anh Hải là người làm việc nhiệt tình, năng nổ. Tuy nhiên, trong một cuộc kiểm điểm lại mới đây (về việc dọn dẹp trật tự vỉa hè) có những việc anh Hải làm tốt, làm được nhưng về phương pháp xử lý thì có lúc chưa phù hợp, anh Hải cần nhìn lại phương pháp làm việc của mình”- ông Phong nói thêm.
Cũng theo ông Phong, ngoài việc báo cáo Thành ủy, UBND TP.HCM cũng chỉ đạo Sở Nội vụ gặp riêng anh Hải để nắm thêm thông tin cũng như tâm tư và nguyện vọng của cá nhân anh Hải. Trước câu hỏi: “Chủ tịch có muốn anh Hải ở lại vị trí cũ (Phó Chủ tịch quận 1), ông Phong chỉ cười và không trả lời thêm.
Ông Phong cũng cho biết thêm, chủ trương dọn dẹp trật tự vỉa hè, lòng lề đường phải làm theo địa bàn từng quận, không làm giống nhau. “Cụ thể, anh dọn dẹp người bán rong thì phải tìm cơ hội cho người ta mưu sinh, chứ cứ dẹp người ta tái chiếm rồi dẹp thì chẳng có hiệu quả gì”- ông Phong nói.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cũng thừa nhận “có sự tái chiếm vỉa hè, có nhếch nhác lộn xộn trở lại”. Vì vậy, ngày mai ông sẽ chủ trì cuộc họp sơ kết và bàn tiếp phương pháp dọn dẹp trật tự vỉa hè, lòng đường và chỉ đạo các quận, huyện phải quyết liệt trong việc này.
Từ chức - Bình thường nhưng chưa phổ biến
Cũng tại buổi gặp gỡ báo chí, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Chủ tịch HĐND TP.HCM cho biết: “Việc từ chức của anh Hải không có gì bất ngờ, đó là quyền của mỗi cán bộ”. Phóng viên NTNN hỏi thêm: "Liệu bà có xem từ chức là một văn hóa bình thường hay bất thường với TP.HCM?”, bà Tâm cho rằng, từ chức là một việc làm bình thường, TP.HCM trước đây cũng có lãnh đạo quận 9 từ chức.
“Từ chức là một việc rất bình thường, chỉ có điều nó chưa phổ biến. Cán bộ mà làm việc không được thì nên từ chức, đó là điều đúng đắn”-bà Tâm nói thêm.
Trước đánh giá cho rằng "ông Đoàn Ngọc Hải là người năng nổ, nhiệt tình…”, bà Tâm nói thẳng: “Phải xem lại cách đánh giá đó”.
Về hành động bất ngờ làm đơn từ chức của ông Hải, phóng viên NTNN đã phỏng vấn một số cán bộ lão thành về động thái này.
Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm (nguyên Giám đốc Học viện Hải quân) cho biết: “Trước hết, việc làm đơn từ chức theo tôi là một hành động bình thường. Còn trong công việc, cụ thể là “chủ trương dẹp vỉa hè, lòng đường”, anh Hải làm tốt hay không tốt, được lòng dân hay không thì nó thể hiện trên thành quả công việc. Nhưng về mặt nội bộ, họ không công khai, minh bạch cho người dân thì khó mà đánh giá được. Có thể cách làm của anh Hải không được nội bộ ủng hộ, vì vậy anh ấy (ý nói ông Đoàn Ngọc Hải) thấy không làm tiếp được nữa thì từ chức. Và theo tôi, việc này là bình thường”- ông Lâm nói.
Để có “văn hóa từ chức” phải có nhiều bước đi
Trao đổi với PV NTNN, PGS-TS Trịnh Hòa Bình - Phó Tổng Thư ký Hội Xã hội học Việt Nam cho rằng, để có được “văn hóa từ chức” ở nước ta không phải là một sớm một chiều mà phải có các bước đi.
“Chúng ta phải có những gợi ý như trải qua thời gian nếu nhận thấy một cá nhân, công chức, công việc không đạt yêu cầu thì có tính chất báo động để người ta có ý thức tự xử thay cho việc miễn nhiệm, cách chức. Bởi vì cách chức thì phải có khuyết điểm cụ thể còn những việc làm không xuất sắc, ưu tú hay ngồi nhầm chỗ thì không rõ để cách chức, thành thử chúng ta phải có gợi ý cho người ta từ chức để tạo ra văn hóa từ chức” – PGS-TS Trịnh Hòa Bình nói.
Theo ông Bình, để có được văn hóa ứng xử, chúng ta phải lưu ý đến tâm lý, cách hành xử của cá nhân bởi người phương Đông rất đề cao thể diện - nhất là đối với những nghề nghiệp đề cao tính minh bạch.
“Lâu nay hệ thống sinh ra để đánh giá hoạt động của các cá nhân phát huy rất ít hiệu quả. Ví dụ phải chọn tiêu chí này, tiêu chí kia, còn việc toàn bộ tổ chức cho ý kiến thì rất là hình thức, đa số toàn đoán ý của người đứng đầu. Theo đó, việc từ chức liên quan đến cách hành xử, vị thế, quan điểm, tính hướng đích của người đứng đầu” - ông Bình nhận định. Về ý kiến cho rằng chúng ta cần có một nghị định về văn hóa từ chức, ông Trịnh Hòa Bình cho rằng không nên có nghị định về việc này mà phải được chuyển hóa vào Luật Cán bộ công chức. Bởi vậy, ngay từ các quy trình bổ nhiệm cán bộ phải được đề cập đầy đủ yêu cầu bổ nhiệm và miễn nhiệm, từ chức cán bộ.
“Chúng ta phải tính đến tất cả những điều đó đối với tất cả những người được giao nhiệm vụ thì hay hơn chúng ta ra một văn bản, nghị định về văn hóa từ chức. Bởi nó nằm ngay trong tính liêm sỉ, nhận thức, toàn bộ kỹ năng ứng xử của người cán bộ trong bất cứ tình huống, địa vị nào” – PGS-TS Bình nhấn mạnh.
Thành An (ghi)
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.