Viên nén là gì mà Việt Nam làm ra bao nhiêu Nhật Bản, Hàn Quốc cũng mua hết?

K.Nguyên Thứ sáu, ngày 16/09/2022 18:50 PM (GMT+7)
Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu viên nén lớn thứ 2 trên thế giới. Đáng chú ý, hiện mặt hàng này là một trong những mặt xuất khẩu quan trọng nhất của ngành gỗ.
Bình luận 0

Theo báo cáo của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) phối hợp với Tổ chức Forest Trends và các hiệp hội gỗ địa phương thực hiện, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu viên nén lớn thứ 2 trên thế giới. Hiện mặt hàng này là một trong những mặt xuất khẩu quan trọng nhất của ngành gỗ. 

Theo Tổng cục Hải quan, năm 2021 lượng viên nén xuất khẩu từ Việt Nam đạt 3,5 triệu tấn với kim ngạch hơn 413 triệu USD. Năm 2022 lượng và kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh.

Trong 6 tháng đầu 2022, lượng xuất khẩu viên nén đạt gần 2,4 triệu tấn với kim ngạch 354 triệu USD. Nếu tốc độ tăng trưởng được duy trì như hiện nay, kim ngạch xuất khẩu viên nén trong năm 2022 có thể đạt trên dưới 700 triệu USD. 

Trong tương lai, viên nén có tiềm năng sẽ lọt vào nhóm các mặt hàng nông lâm sản xuất khẩu có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Gần 100% lượng viên nén của Việt Nam được xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc.

Viên nén là gì mà Việt Nam làm ra bao nhiêu Nhật Bản, Hàn Quốc cũng mua hết? - Ảnh 1.

Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu viên nén lớn thứ 2 trên thế giới. Nguồn nguyên liệu làm viên  nén lại chủ yếu là mùn cưa, dăm bào, gỗ vụn. Ảnh: VIFOREST.

Theo con số thống kê không chính thức, hiện Việt Nam có khoảng trên 300 cơ sở sản xuất viên nén, với khoảng 70-80% tập trung tại các khu vực phía Nam nơi có các trung tâm chế biến và tại khu vực Duyên hải Miền Trung.

Hiện nay, nhu cầu sử dụng viên nén trên thị trường thế giới đang tăng mạnh. Nguyên nhân chủ yếu là do cuộc xung đột Nga – Ukraine làm mất nguồn cung khí đốt từ Nga cho các quốc gia khu vực EU

Tuy nhiên, theo VIFOREST, sản xuất viên nén trong nước hiện lại không được thuận lợi như mong muốn. Mặc dù nguyên liệu đầu vào để sản xuất viên nén đa dạng hơn so với dăm, bao gồm các phụ phẩm của ngành gỗ, ngành viên nén đang phải cạnh tranh về nguyên liệu với các bộ phận khác của ngành gỗ, đặc biệt là nguyên liệu cho dăm.

Nguồn dăm bào, mùn cưa, gỗ vụn từ gỗ nhập khẩu là một trong những nguồn cung gỗ đầu vào quan trọng nhất cho viên nén. Hiện nguồn cung này chiếm khoảng dưới 10% trong tổng lượng cung gỗ nguyên liệu cho cả ngành viên nén. 

Dăm bào, mùn cưa và gỗ vụn có nguồn gốc từ gỗ nhập khẩu chủ yếu là các phế phụ phẩm từ các xưởng xẻ và các nhà máy chế biến đồ gỗ ở khu vực Đông Nam Bộ, nơi có các trung tâm chế biến đồ gỗ xuất khẩu với các diện tích rừng trồng trong nước hạn chế. 

Mặc dù có một lượng gỗ rừng trồng trong nước ở các khu vực miền Trung và miền Bắc được các doanh nghiệp tại các trung tâm chế biến này sử dụng, chi phí vận chuyển cao làm cho giá thành gỗ nguyên liệu rừng trồng trong nước không cạnh tranh được với gỗ nhập khẩu. 

Theo VIFOREST, nguồn nguyên liệu gỗ đầu vào có vai trò quan trọng nhất đối với sự lớn mạnh của ngành sản xuất viên nén. Nguồn nguyên liệu hiện tại của ngành chủ yếu là các phế phụ phẩm từ các cơ sở chế biến gỗ. 

Tuy nhiên nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào đặc biệt ở các khu vực nơi có các cơ sở sản xuất và xuất khẩu dăm phát triển (ví dụ khu vực Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên) đang phải cạnh tranh khốc liệt với nguyên liệu của ngành dăm. 

Theo chia sẻ từ một số doanh nghiệp, hiện chi phí sản xuất viên nén cao hơn khoảng 30 USD/tấn so với chi phí sản xuất dăm, tuy nhiên giá viên nén xuất khẩu lại thấp hơn khoảng 30 USD/tấn so với giá dăm xuất khẩu.

VIFOREST khuyến cáo, trong tương lai, các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu viên nén (cũng như các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ, dăm, ván ép… có sử dụng gỗ rừng trồng) cần quan tâm tới việc tạo ra các vùng nguyên liệu của mình nhằm ổn định nguồn nguyên liệu đầu vào. 

Tạo vùng nguyên liệu có thể thông qua hình thức các doanh nghiệp liên kết với các hộ dân, là những người có tiếp cận với nguồn quỹ đất trồng rừng. Các doanh nghiệp viên nén cũng có thể tìm kiếm cơ hội liên kết hợp tác với các công ty lâm nghiệp có quỹ đất sản xuất để phát triển vùng nguyên liệu. 

Chủ động được nguồn nguyên liệu thông qua các hình thức liên kết với các hộ trồng rừng hoặc/và công ty lâm nghiệp giúp các doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem