Chủ động thoát nghèo
Gia đình anh Chìu Mằn Hỷ ở xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu là một trong những hộ sử dụng vốn vay hiệu quả. Năm 2011, anh vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo đầu tư nuôi dê. Tuy nhiên, đến năm 2016, đàn dê không cho thu nhập bao nhiêu, anh quyết định bán đàn dê được 170 triệu đồng và vay thêm 50 triệu từ chương trình cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn để đầu tư xây dựng chuồng bò (100m2) và mua 10 con bò giống. Sau hơn 1 năm, đàn bò sinh sản được 6 con bê. Năm 2017, anh bán 4 con bò với giá 17 triệu đồng/con.
Được vay vốn ưu đãi Ngân hàng CSXH, nhiều hộ nông dân ở Quảng Ninh đã chăn nuôi gà hiệu quả. Ảnh: Thu Hà
Bên cạnh việc thực hiện tốt công tác cho vay, nâng cao chất lượng tín dụng, các tổ chức Hội, đoàn thể còn thực hiện tốt công tác vận động nhân dân tham gia gửi tiết kiệm qua tổ TKVV. Đến hết năm 2018, có 67.684 thành viên tại 2.336/2.338 tổ TKVV thực hiện gửi tiền tiết kiệm với tổng số tiền hơn 199 tỷ đồng, tăng hơn 24 tỷ đồng so với đầu năm. |
“Nhờ có vốn vay hỗ trợ từ Ngân hàng CSXH, gia đình đầu tư phát triển sản xuất nên bớt khó khăn, cuộc sống cũng dần được nâng lên. Thấy nuôi bò cho thu nhập cao nên tôi mong được vay thêm vốn của Ngân hàng CSXH để mở rộng chuồng trại, diện tích trồng cỏ và mua thêm bò giống” - anh Hỷ tâm sự.
Ở thôn Hà Tràng Đông, xã Đông Hải, huyện Tiên Yên, gia đình chị Lương Thị Hương được biết đến là tấm gương vươn lên thoát nghèo tiêu biểu. Chị Hương đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã tín chấp với Ngân hàng CSXH huyện vay 50 triệu đồng theo chương trình hộ nghèo và vay mượn thêm của người thân để phát triển, mở rộng mô hình trồng cam, bưởi kết hợp chăn nuôi ngan, gà, vịt hiệu quả. Cùng với gia đình chị Hương, còn có 4 gia đình hội viên phụ nữ trong xã đã viết đơn tự nguyện thoát nghèo trong năm 2018 nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi.
Tăng cường vốn cho các mô hình hiệu quả
Để thực hiện tốt các chính sách ưu đãi, đưa nguồn vốn vay đến các hộ dân, những năm qua, Ngân hàng CSXH tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp tốt với các tổ chức hội đoàn thể. Hiện, Ngân hàng CSXH tỉnh Quảng Ninh phối hợp chặt chẽ với các Hội, đoàn thể triển khai và quản lý hiệu quả 16 chương trình tín dụng trong tổng số 18 chương trình tín dụng đang triển khai. Đến hết năm 2018 tổng dư nợ đạt gần 2.729 tỷ đồng, trong đó dư nợ ủy thác qua các tổ chức Hội, đoàn thể quản lý là 2.679 tỷ đồng đầu tư cho 71.011 hộ nghèo và đối tượng chính sách khác vay vốn.
Ngoài ra, tổng nguồn vốn ngân sách tỉnh và cấp huyện ủy thác qua Ngân hàng CSXH tỉnh đạt trên 136 tỷ đồng. Nguồn vốn ưu đãi đã giúp 4.327 hộ thoát nghèo, tạo việc làm cho trên 7.000 lao động…
Hội ND là 1 trong 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác hiệu quả vốn vay Ngân hàng CSXH. Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Quảng Ninh Bùi Minh Thanh khẳng định: “Để các mô hình kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn phát triển tốt, nguồn vốn chính là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Trong đó, một số kênh hỗ trợ vốn được đánh giá là hiệu quả đối với nông dân trên địa bàn tỉnh hiện nay như: Quỹ Hỗ trợ nông dân, các chương trình tín dụng ưu đãi của Ngân hàng CSXH…”.
Theo đó, 5 năm qua, các cấp Hội ND đã hỗ trợ hơn 39 tỷ đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân cho 106 dự án phát triển sản xuất với gần 1.400 lượt hộ vay vốn; tổng dư nợ thông qua ủy thác của 2 ngân hàng Agribank và Sacombank qua các cấp Hội ND đạt hơn 1.057 tỷ đồng, với hơn 29.000 hộ nông dân được tiếp cận nguồn vốn vay.
Riêng đối với Ngân hàng CSXH, đến nay Hội ND tỉnh đang thực hiện nhận ủy thác cho vay vốn 14 chương trình tín dụng. Nhiệm kỳ 2013-2018 là giai đoạn nguồn vốn tín dụng ủy thác do Hội ND thực hiện tăng trưởng vượt bậc, chất lượng tín dụng được củng cố và nâng cao. Theo đó, Hội ND phối hợp Ngân hàng CSXH thực hiện chương trình ủy thác với tổng dư nợ vay vốn đạt trên 837 tỷ đồng, với 23.557 hộ đang vốn thông qua 749 tổ tiết kiệm và vay vốn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.