Tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam thuộc hàng thấp nhất thế giới
Việt Nam có tỉ lệ thất nghiệp thuộc hàng thấp nhất toàn thế giới
Thùy Anh
Thứ hai, ngày 11/01/2021 14:23 PM (GMT+7)
Trong giai đoạn 2016-2020, Việt Nam là một trong 10 quốc gia có tỉ lệ thất nghiệp thấp nhất thế giới (hơn 2%) khi giải quyết việc làm cho trên 8 triệu lao động, đưa 635.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Báo cáo của Bộ LĐTBXH cho thấy, trong giai đoạn 2016-2020, Việt Nam trở thành một trong 10 quốc gia có tỉ lệ thất nghiệp thấp nhất thế giới (hơn 2%) khi giải quyết việc làm cho trên 8 triệu lao động, đưa 635.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Qua 5 năm, Bộ LĐTBXH đã trình Quốc hội ban hành Bộ luật Lao động (2019), Luật Trẻ em (2016). Đặc biệt, Bộ Luật Lao động (2019) đã có nhiều điểm mới như ghi nhận hợp đồng lao động điện tử, tăng tuổi nghỉ hưu cho người lao động.
Tính riêng năm 2020, tỉ lệ hộ nghèo đã giảm xuống còn 2.75%, đưa nước ta về đích trước 10 năm so với Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hiệp quốc.
Một trong những nhóm thành tựu nổi bật nhất trong năm 2020, đó là thành tựu từ lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (GDNN).Năm 2020, dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng lĩnh vực này đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới, công nhận ngày 4/10 hàng năm là ngày Kỹ năng lao động Việt Nam, tiếp tục triển khai đào tạo thí điểm theo chương trình chuyển giao từ Đức, Úc. Triển khai đào tạo liên thông chất lượng cao từ trung cấp lên cao đẳng đối với đối tượng tốt nghiệp trung học cơ sở, góp phần đẩy mạnh phân luồng và nâng cao chất lượng tuyển sinh, tổng kết 10 năm thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Kết quả, năm 2020 cả nước tuyển sinh khoảng 2,28 triệu người, đạt 100,9% kế hoạch, trong đó, tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng khoảng 580.000 người, tuyển sinh trình độ sơ cấp và các hình thức đào tạo nghề nghiệp khác khoảng 1,7 triệu người. Tốt nghiệp theo các trình độ đào tạo khoảng 2,19 triệu người, trong đó, tốt nghiệp cao đẳng và trung cấp khoảng 510.000 người, sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác khoảng 1,68 triệu người.
Bên cạnh đó, GDNN cũng tiến hành rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở GDNN theo lộ trình, đến nay cả nước có 1.911 cơ sở GDNN (408 trường cao đẳng, 446 trường trung cấp và 1.057 trung tâm GDNN), trong đó cơ sở tư thục và có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 35,8%.
Ước tuyển sinh 5 năm đạt khoảng 11,1 triệu người. Trong đó, trình độ cao đẳng và trung cấp khoảng 2,47 triệu người, sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác khoảng 8,63 triệu người. Ước tốt nghiệp theo các trình độ đào tạo khoảng 10,2 triệu người. Trong đó, tốt nghiệp cao đẳng và trung cấp khoảng 1,99 triệu người, sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác khoảng 8,21 triệu người. Nhân lực chất lượng cao tăng cả về số lượng và chất lượng, một số ngành nghề, lĩnh vực đạt trình độ khu vực và quốc tế, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.
Chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam xếp thứ 49 toàn thế giới
Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết và triển khai hoạt động ngành LĐTBXH năm 2020-2021, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, dù năm 2020 có quá nhiều khó khăn nhưng ngành lao động vẫn vượt qua nhiều khó khăn, đạt được những thành tựu đáng ghi nhận.
Đây cũng là năm Việt Nam được quốc tế đánh giá cao, chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam đứng thứ 49 toàn thế giới.
Điểm lại có thể thấy, năm qua ngành lao động đã làm tốt công việc xét hồ sơ công nhận liệt sĩ, người có công. Đây là việc làm rất nhân văn, bởi vì có những người đã hy sinh, hồ sơ tồn đọng gần 100 năm nay mới được xử lý. Bên cạnh đó, đây cũng là lần đầu tiên chúng ta đưa vào chạy Cổng thông tin liệt sĩ.
Cùng với GDNN, mảng xuất khẩu lao động cũng vượt khó để hoạt động. Các mảng đưa, đón lao động đều gặp khó khăn. Tuy vậy, chúng ta vẫn đưa được hơn 600.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Phó thủ tướng nhấn mạnh tới vai trò điều phối của Bộ LĐTBXH, chỉ đạo Bộ cần phải tốt hơn nữa hoạt động này nhằm huy động được tất cả tổ chức chính trị - xã hội vào cuộc để mang lại thành quả tới người dân.
Thủ tướng chỉ đạo cần phải áp dụng công nghệ nhiều hơn nữa trong việc quản lý đối tượng lao động, người có công, đối tượng bảo trợ. Bên cạnh đó, thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp người có công bảo trợ xã hội qua bưu điện.
"Muốn có mạng lưới an sinh tốt thì cần phải làm tốt hệ thống an sinh bằng cách áp dụng công nghệ thông tin. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng không thể tin là chỉ trong 17 năm Việt Nam đã phổ cập được BHYT. Có được điều này là bởi Việt Nam đã làm tốt công tác truyền thông, kết hợp với phổ cập công nghệ thông tin", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Nhắc đến câu chuyện về BHXH, Phó thủ tướng cũng cho rằng, dù BHXH đã phát triển nhanh, vượt bậc, nhưng theo đúng nghị quyết ban đầu thì vẫn còn chậm, chỉ sau khi điều chỉnh chỉ tiêu thì mới đạt.
Nguyên nhân là do nông dân, lao động phi chính thức, chưa có thói quen tham gia vào cơ chế BHXH "tự bỏ tiền". Nhiệm kỳ tới đây, cần phải xem xét kỹ vấn đề này. Mục tiêu, cần phải làm thay đổi thói quen của người dân, thực hiện bán từng gói nhỏ, đi chậm nhưng chắc. Thực tế, chỉ sau một thời gian áp dụng thí điểm để bưu điện bán BHXH thì số lượng người mua đã tăng lên gấp đôi, đã có hơn 1 triệu người tham gia BHXH tự nguyện.
Trong năm 2020, để ứng phó với tình hình dịch Covid-19, Chính phủ đã hỗ trợ 31,5 nghìn tỷ đồng cho hàng triệu người dân bị ảnh hưởng. Trong đó ngân sách chi trực tiếp trên 12,9 nghìn tỷ đồng cho trên 13 triệu người dân bị ảnh hưởng… Bên cạnh đó, Chính phủ cũng kịp thời hỗ trợ tiền mặt, cấp phát gạo cho người dân chịu thiệt hại bởi thiên tai, hạn mặn, lũ lụt.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.