Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 5 căn bệnh không lây nhiếm phổ biến nhất hiện nay bao gồm: bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường, bệnh phổi mạn tính và bệnh tâm thần có thể gây thiệt hại về mặt kinh tế thế giới lên tới 47.000 tỷ USD trong 20 năm tới.
Ảnh minh họa
Cục Y tế dự phòng cho biết, tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 520.000 ca tử vong do nguyên nhân bệnh tật trong đó tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới 73%, như vậy tính trung bình cứ 10 người chết thì có 7 chết bởi bệnh không lây nhiễm.
Đáng báo động hơn là 43% số ca tử vong do bệnh không lây nhiễm lại rơi vào nhóm người dưới 70 tuổi (theo số liệu thống kê năm 2012).
GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế nói: Việt Nam đang phải đương đầu với những khó khăn thách thức to lớn để giải quyết gánh nặng bệnh tật kép. Trong khi tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm có xu hướng giảm nhưng vẫn diễn biến phức tạp thì tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm ngày càng gia tăng liên tục trong gần 3 thập kỷ qua.
Năm 1986 tỷ lệ bệnh không lây nhiễm tại các bệnh viện là 40%, năm 2010 tăng lên 71%, gấp hơn 3 lần các bệnh lây nhiễm.
Đặc biệt, gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm đang chiếm tới trên 2/3 tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong toàn quốc.
Hiện tại, nước ta có khoảng 12,5 triệu người mắc bệnh tăng huyết áp, 2,5 triệu người mắc bệnh đái tháo đường, trên 2 triệu người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản và mỗi năm có khoảng 125.000 người mắc mới ung thư.
Bên cạnh đó, các bệnh không lây nhiễm gây tàn phế nặng nề và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh nếu không được phát hiện sớm và điều trị, theo dõi, chăm sóc lâu dài.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.