Việt Nam đã thành công thanh toán tình trạng thiếu hụt i-ốt

PV Chủ nhật, ngày 14/11/2021 18:26 PM (GMT+7)
Trong thời gian qua Bệnh viện Nội tiết Trung ương luôn tiếp nhận và điều trị cho rất nhiều bệnh nhân không may mắc các bệnh lý tuyến giáp, các bệnh liên quan đến tình trạng thiếu hụt iot.
Bình luận 0

Ngày 14/11, tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã diễn ra Lễ mít tinh hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống Đái tháo đường (14/11) và ngày toàn dân mua và sử dụng iot. 

Bệnh đái tháo đường đang trẻ hóa

Tại buổi lễ, TS Phan Hoàng Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, tỷ lệ người mắc đái tháo đường đang tăng chóng mặt và ngày càng trẻ hóa. Rất nhiều người mắc đái tháo đường mà không biết.

Đây là căn bệnh có diễn tiến âm thầm nhưng nguy hiểm. Tỷ lệ tử vong của nó đứng thứ ba trong các bệnh không lây nhiễm. Vì vậy, chủ động phòng đái tháo đường làm giảm tỷ lệ mắc mới, giảm và chậm quá trình biến chứng, tăng chất lượng cuộc sống cho người bệnh", TS Hiệp nhấn mạnh. 

Việt Nam đã thành công thanh toán tình trạng thiếu hụt i-ốt - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tại Lễ mít tinh. Ảnh BVCC

Trong những năm vừa qua, với mạng lưới các bệnh viện vệ tinh, Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã thực hiện việc hỗ trợ, chuyển giao nhiều kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến dưới, nâng cao chất lượng trong việc thăm khám, điều trị, chăm sóc sức khỏe nhân dân tại tuyến cơ sở.

PGS.TS Đỗ Trung Quân, Phó Chủ tịch Hội Nội tiết đái tháo đường Việt Nam, Chủ tịch Hội Nội tiết đái tháo đường Hà Nội cũng chia sẻ, năm 2021, trên thế giới ước tính có 537 triệu người trưởng thành (20-79 tuổi) đang sống chung với căn bệnh đái tháo đường. 

Đái tháo đường chính là nguyên nhân gây ra 6,7 triệu ca tử vong vào năm 2021. Trung bình cứ 5 giây lại có 1 ca tử vong.

"Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đang phải gánh chịu áp lực từ sự gia tăng số người mắc bệnh đái tháo đường trong cộng đồng. Theo số liệu của IDF năm 2019, tại Việt Nam, có khoảng gần 3,8 triệu người phải sống chung với căn bệnh đái tháo đường. Hầu hết trong số này là đái tháo đường type 2". 

Thiếu iot sẽ gây ra gánh nặng bệnh tật lớn

Tại buổi lễ, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết, Việt Nam đã sớm thấy được tầm quan trọng của phòng chống bệnh đái tháo đường và các rối loạn do thiếu iot bảo vệ sức khỏe nhân dân. 

Việt Nam đã thành công thanh toán tình trạng thiếu hụt i-ốt - Ảnh 2.

Khám và tư vấn đái tháo đường cho bệnh nhân tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương. Ảnh BVCC

Cách đây 27 năm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 481/QĐ-TTg ngày 8/9/1994 về việc tổ chức và vận động toàn dân ăn muối iot thay cho muối thường. Trong đó muối i-ốt được coi là một loại thuốc để phòng bệnh bướu cổ, bệnh đần độn và các bệnh do thiếu iot khác. Từ quyết định sáng suốt trên Việt Nam đã thực hiện thành công thanh toán tình trạng thiếu iod trên toàn quốc vào năm 2005.

Ngày 31/7/2017 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1125/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020 trong đó có Hoạt động phòng chống bệnh đái tháo đường và các rối loạn do thiếu iot. 

Theo TS.Phan Hướng Dương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương, thiếu iot sẽ gây bệnh bướu cổ, suy giảm trí thông minh, đần độn và nhiều rối loạn nghiêm trọng khác. Đặc biệt, nếu thiếu iot trong giai đoạn mang thai còn gây ra sảy thai, thai chết lưu, suy giảm sự phát triển về thể chất, trí tuệ của trẻ nhỏ, để lại hậu quả lâu dài.

Cũng theo TS Dương, qua khảo sát của BV Nội tiết Trung ương mấy năm gần đây cho thấy, nguy cơ thiếu hụt iot có thể quay trở lại. 

"Chúng ta cần phải sử dụng iot thường xuyên, hàng ngày để chống rối loạn do thiếu iot. Nếu không gánh nặng bệnh tật sẽ rất lớn và ảnh hưởng đến sự phát triển khỏe mạnh của trẻ", TS Hướng cảnh báo. 



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem