Việt Nam đăng cai ASIAD 2019: Sau niềm vui là nỗi lo

Thứ sáu, ngày 09/11/2012 09:24 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hồi hộp chờ đợi, cuối cùng Việt Nam đã nhận được quyền đăng cai ASIAD 18 (2019). Sau niềm vui vỡ òa, giới chuyên môn lại đang đau đầu với những thách thức phía trước...
Bình luận 0

Trao đổi với Dân Việt chiều qua (8.11), ngay sau khi chính thức giành quyền đăng cai ASIAD 2019, ông Hoàng Vĩnh Giang - Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Olympic Việt Nam cho biết: “Chúng ta đã chuẩn bị tất cả để chờ đợi thời khắc này. Cuối cùng, Việt Nam đã trở thành nước chủ nhà ASIAD 2019.

img
Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội và thách thức khi giành quyền đăng cai ASIAD 2019.

Phía trước, chúng ta sẽ phải rất nỗ lực để hoàn thiện cơ sở vật chất, lực lượng vận động viên hướng tới ASIAD. Tôi tin tưởng các vận động viên Việt Nam sẽ làm được những điều kỳ diệu khi Á vận hội được tổ chức tại nước nhà. Đây là một bước ngoặt lịch sử, không chỉ nâng tầm thể thao, mà còn quảng bá hình ảnh, đất nước con người Việt Nam với bạn bè quốc tế”.

Ông Hoàng Vĩnh Giang chia sẻ: “Với tôi, thời khắc đáng nhớ nhất lúc này là 17 giờ 8' (giờ Macao) - khi tên Hà Nội - Việt Nam được xướng lên với tư cách là chủ nhà ASIAD 18-2019. Với sự vào cuộc mạnh mẽ của tất cả các ban, ngành, theo sự chỉ đạo của Chính phủ, chắc chắn Hà Nội - Việt Nam sẽ thực hiện tốt vai trò là chủ nhà của ASIAD 18-2019”.

Có thể cảm nhận rõ niềm vui, sự tự hào đã lan tỏa từ các thành viên phái đoàn vận động đăng cai của Việt Nam tới triệu triệu trái tim người hâm mộ trong nước. Nhưng sau đó lại là rất nhiều nỗi lo trong thời buổi khủng hoảng kinh tế hiện nay.

Trước khi nhận quyền đăng cai ASIAD 2019, trong quá khứ, Việt Nam đã từng tổ chức thành công SEA Games 2003, Đại hội thể thao châu Á trong nhà 2009. Với việc giành quyền đăng cai, Việt Nam cam kết sẽ có những chuẩn bị tốt nhất về mọi mặt để tạo nên một kỳ đại hội thành công. Cụ thể, tại ASIAD 2019, Hà Nội sẽ là địa tiểm tổ chức chính, cùng với 14 địa điểm vệ tinh khác như TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Hải Dương...

Xung quanh câu chuyện này, ông Nguyễn Hồng Minh - nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao Tổng cục TDTT, Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam (TTVN) tại nhiều kỳ SEA Games phân tích: “Quan điểm của tôi trước sau như một, việc Việt Nam đăng cai ASIAD lúc này đồng nghĩa với việc đối mặt với rất nhiều thách thức. Tại sao Đài Loan, rồi sau đó là UAE lại rút lui, và chỉ còn Việt Nam và Indonesia thi đấu “chung kết”?

Nói thật, tôi không bất ngờ khi chúng ta giành quyền đăng cai. Nhưng mọi việc đã xong rồi, trong khoảng 6 năm tới, đòi hỏi mọi thành phần trong xã hội, đặc biệt là những người làm thể thao phải nỗ lực tối đa để tổ chức thành công Á vận hội”.

Theo ông Minh, lực lượng vận động viên của Việt Nam lúc này không đủ để mơ tới những thành tích tương xứng với vị trí chủ nhà ASIAD: “Chúng ta sẽ phải đầu tư thêm rất nhiều. Cơ sở vật chất cũng phải nâng cấp, làm mới nhiều thứ: Sân bóng chày, bóng bầu dục, đặc biệt là đua thuyền-môn thi bắt buộc tại ASIAD. Không thể đưa đua thuyền về Hồ Tây thi đấu được. Tôi ước tính, để tổ chức ASIAD sẽ phải mất gấp 4-5 lần, thậm chí 10 lần số tiền dự kiến ban đầu là 150 triệu USD. Trong điều kiện kinh tế vô cùng khó khăn như hiện nay, đó là một thách thức kinh khủng” - ông Minh nói.

Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng: Còn nhiều việc phải làm ngay

Việc giành được quyền đăng cai ASIAD là niềm vinh dự, hạnh phúc đối với Thể thao Việt Nam. Đây là một công việc rất quan trọng mà chúng ta đã hoàn thành. Thời gian tới, còn rất nhiều công việc cần bắt tay vào thực hiện: Xây dựng đề án tổ chức ASIAD, chuẩn bị lực lượng vận động viên, thành lập ban chỉ đạo, ban tổ chức…

Thuận lợi là chúng ta đã có kinh nghiệm tổ chức SEA Games 2003, Đại hội thể thao châu Á trong nhà 2009, lại nhận được sự ủng hộ của Chính phủ. Chúng ta cũng có một hệ thống cơ sở vật chất tương đối tốt sau 2 sự kiện thể thao đã tổ chức thành công.

Tuy nhiên, trong những năm tới, kinh tế dự báo sẽ rất khó khăn, việc đầu tư, làm mới một số công trình thể thao chắc chắn cũng sẽ là một bài toán nan giải. Vấn đề đặc biệt đáng lưu tâm là đội ngũ cán bộ làm thể thao hiện nay năng lực còn hạn chế. Chúng ta sẽ phải nâng tầm đội ngũ cán bộ cũng như chất lượng vận động viên để tổ chức ASIAD 2019 thành công.

45 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự

ASIAD 18 dự kiến sẽ diễn ra và tháng 11.2019 có sự tham dự của 45 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ước tính, Á vận hội 2019 sẽ thu hút 12.000 VĐV, 1.000 quan khách quốc tế, 1.000 trọng tài, 8.000 hướng dẫn viên, 2.000-3.000 phóng viên.

35 môn thể thao dự kiến thi đấu tại ASIAD 18: Bắn cung, thể dục, điền kinh, cầu lông, xe đạp, thể thao dưới nước, kiếm, judo, bắn súng, vật, golf, cầu mây, kabaddi, karatedo, taekwondo, bóng ném, rowing, canoe-kayak, bóng rổ, quyền Anh, bóng chuyền, bóng đá, thuyền buồm, wushu, bóng bàn, cử tạ, ba môn phối hợp, squash, đá cầu, cờ, quần vợt, bóng chày, hocky trên cỏ, bóng bầu dục và 5 môn phối hợp hiện đại.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem