Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Sáng 30.6, sự kiện VNNIC Internet Conference 2023, do Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) – Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT) phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM tổ chức đã diễn ra với chủ đề “Quản trị internet trong kỉ nguyên thông minh”.
Ông Nguyễn Hồng Thắng – Giám đốc trung tâm VNNIC chia sẻ, với việc internet phát triển “lớn hơn - nhanh hơn – an toàn hơn – phẳng hơn”, đặt ra vấn đề quản trị, để làm sao hành giữa việc làm chủ công nghệ và các qui tắc ứng xử, tăng cường sự tham gia của các bên, tạo thành hệ sinh thái hiệu quả của các cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp và người dùng trong việc xây dựng internet hiện đại, thông minh, an toàn, bền vững.
Theo thống kê đến năm 2023, tại Việt Nam tỉ lệ người dân sử dụng internet đạt 79,1%, tỉ lệ ứng dụng IPv6 đạt 57,3% đứng thứ 10 thế giới. Tuy nhiên trong kỉ nguyên thông minh, nó cũng đặt ra nhiều thách thức.
“Internet trong kỉ nguyên thông minh có hàng chục tỉ thiết bị kết nối với nhau. Vì thế nó nảy sinh nhiều vấn đề, yêu cầu về hạ tầng, mạng viễn thông thật tốt, có tốc độ cao, độ trễ thấp, cũng như các vấn đề liên quan đến việc thu thập, xử lí dữ liệu để đảm bảo việc sử dụng, chia sẻ an toàn”, ông Nguyễn Hồng Thắng chia sẻ. Theo ông Thắng, để thích ứng tình hình mới, Việt Nam sẽ có chiến lược để xây dựng các trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây, xây dựng các hành lang pháp lí… để đáp ứng các yêu cầu đặt ra.
Ông Trần Quốc Hưng - Phó Trưởng ban Công nghệ - Tập đoàn VNPT cho biết, trên thế giới vẫn có gần 50% dân số chưa được truy cập internet. Trong khi đó, Việt Nam có đến trên 78 triệu người đã sử dụng internet, đó là con số rất cao. Do đó, để đồng hành cùng Chính phủ, VNPT sẽ đẩy mạnh việc phổ cập internet sâu rộng đến các địa phương, đối tượng trong thời gian tới.
Ông Trần Quốc Hưng cho biết: “Thời gian tới, VNPT vẫn tiếp tục mở rộng vùng phủ, hiện nay chúng tôi đã đưa internet cáp quang đến 100% xã trên cả nước. Chúng tôi phấn đấu đến năm 2025, phủ 100% internet cáp quang đến thôn, xóm, cũng như mở rộng băng thông internet di động.
Ngoài ra, chúng tôi tiếp tục thực hiện các chương trình internet cộng đồng, ra các gói cước giá rẻ, hỗ trợ tối đa để cho các đối tượng khó khăn khó tiếp cận các dịch vụ, nhằm đồng hành cùng Nhà nước, đặc biệt là Quyết định số 411 của Thủ tướng về chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số Việt Nam đến năm 2025, phấn đấu 80% số hộ gia đình có internet cáp quang và đến năm 2030 tỉ lệ là 100%”.
Với các địa phương, trong đó có TPHCM, chính quyền cũng đã có chiến lược rõ ràng để phát triển internet trong thời gian tới. Bên lề sự kiện, bà Võ Thị Trung Trinh - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM cho biết, đến năm 2025, TPHCM phấn đấu 90% số hộ dân sẽ có băng thông rộng để sử dụng internet. Đây là nền tảng quan trọng để TPHCM phát triển đô thị thông minh, đẩy mạnh việc chuyển đổi số, xã hội số.
Bên cạnh đó, Sở TTTT TPHCM cũng hiểu rõ những thách thức trong kỉ nguyên internet. Bà Trinh chia sẻ: “Bên cạnh những lợi ích internet mang lại, vấn đề có giải pháp phù hợp để hạn chế những rủi ro tìm ẩn khi sử dụng internet cũng được đặt ra. Đối với TPHCM, chúng tôi sẽ có giải pháp để đảm bảo an toàn thông tin, làm sao sử dụng Inernet hiệu quả, bởi khi thực hiện công tác chuyển đổi số thì toàn bộ hoạt động của chính quyền, nền kinh tế đều được thực hiện trên môi trường này. Do đó, việc đảm bảo an toàn thông tin trên môi trường internet là rất quan trọng.
Bên cạnh đó, chúng tôi càng trang bị cho người dùng công cụ, kiến thức, kĩ năng để tự đề kháng trong quá trình tham gia sử dụng internet nhằm khai thác được những lợi ích của nó, hạn chế những rủi ro, cũng như ứng xử trên mạng xã hội sao cho phù hợp, để không trở thành con mồi cho đối tượng xấu, không tiếp tay cho việc chia sẻ, truyền bá thông tin xấu trên mạng xã hội”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.