Việt Nam không đặt cọc tiền để đăng cai ASIAD 18

Thứ tư, ngày 02/04/2014 11:09 AM (GMT+7)
Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 1.4, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên đã phải trả lời liên tiếp nhiều câu hỏi liên quan tới việc Việt Nam dự định đăng cai tổ chức ASIAD 18 năm 2019.
Bình luận 0
Về quy trình xin đăng cai tổ chức ASIAD 18 có gì bất thường hay không, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên khẳng định: Ngay từ năm 2010, khi Bộ VHTTDL nắm được thông tin này, Bộ đã đề nghị lên Thủ tướng Chính phủ để xem xét. Phó Thủ tướng phụ trách mảng này thống nhất chủ trương để bắt đầu chuẩn bị đăng cai ASIAD 18 (2019). Sau đó, Ủy ban Olympic châu Á đã đồng ý cho Việt Nam đăng cai ASIAD 18. Giai đoạn 2 là Bộ VHTTDL báo cáo cho Chính phủ, sau đó cùng các bộ, ngành, Hà Nội và một số địa phương lân cận xem khả năng có làm được không. “Những ngày qua, Thủ tướng giao nhiệm vụ phải tìm hiểu kỹ, lắng nghe ý kiến từ nhân dân, các chuyên gia. Trong phiên họp Chính phủ sáng nay, Thủ tướng đã giao Bộ trưởng Bộ VHTTDL tuần sau phải báo cáo lại vấn đề này để Thủ tướng có kết luận về việc có đăng cai ASIAD 18 hay không” - Bộ trưởng Nên cho biết.

Các thành viên Chính phủ tham dự phiên họp ngày 1.4.
Các thành viên Chính phủ tham dự phiên họp ngày 1.4.

Liên quan đến câu hỏi có phải Việt Nam đã đặt cọc một số tiền lớn để được quyền đăng cai ASIAD và nếu từ bỏ việc đăng cai, Việt Nam sẽ mất số tiền này cùng với việc phải nộp phạt, Bộ trưởng Nên khẳng định ngay: Chúng ta chưa đặt cọc đồng nào cả, chỉ có đăng ký số tiền để tổ chức là 150 triệu USD. Đó là vào thời điểm năm 2010 và tính tới 9 năm sau, khi đất nước phát triển cao thì việc tổ chức ASIAD cũng là phù hợp, nhưng giờ hoàn cảnh kinh tế lại khó khăn hơn. “Không có vấn đề gì khó khăn ở đây nếu chúng ta muốn từ chối đăng cai. Trên thực tế đã có 2 nước từ chối đăng cai rồi. Tất nhiên chuyện trả lại cũng phải có điều kiện. Mình muốn trả lại cũng phải có lý lẽ. Tôi chưa nghe thấy thông tin là nếu từ bỏ quyền đăng cai thì bị phạt - ông Nên chia sẻ.

Trong phiên họp thường kỳ tháng 3 (ngày 1.4), Chính phủ đã thảo luận và thống nhất: Tình hình kinh tế - xã hội đã được những kết quả tích cực, đúng hướng trên hầu hết các lĩnh vực. Tăng trưởng GDP quý I.2014 ước đạt 4,96%, cao hơn cùng kỳ hai năm trước, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,37%. Lạm phát tiếp tục được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 3 giảm 0,44%, 3 tháng đầu năm chỉ tăng 0,8%, thấp nhất trong 13 năm qua.

Về nghi án nhận hối lộ của quan chức ngành đường sắt Việt Nam từ công ty Nhật Bản, người phát ngôn của Chính phủ cho biết, Chính phủ vẫn hết sức rốt ráo chỉ đạo giải quyết vụ việc. “Đến thời điểm này, phía bạn cho biết vẫn đang tiến hành điều tra và các cơ quan tư pháp của Nhật Bản vẫn chưa cung cấp thêm thông tin gì mới” - Bộ trưởng Nên thông báo.

Về quan điểm của Chính phủ trước tình trạng nông sản cứ được mùa là mất giá mà mới nhất là câu chuyện về ứ đọng dưa hấu ở cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), Bộ trưởng Nên nhận định: Tình trạng ứ đọng hàng hóa nông sản đã diễn ra nhiều năm rồi. Không chỉ dưa hấu mà cả lúa, cá basa... cũng gặp khó khăn. Nếu cứ đưa ra giải pháp xử lý tình thế năm này qua năm khác thì liệu có hợp lý không. Cách tốt nhất là chúng ta phải tái cơ cấu nền nông nghiệp một cách toàn diện và triệt để. Điều này cũng đã được đề cập, bàn thảo rất kỹ lưỡng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã kết luận rõ tại hội nghị tổ chức ở Cần Thơ mới đây về tái cơ cấu nông nghiệp.

Hải Phong (Hải Phong)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem