"Việt Nam không thể công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành công nếu chỉ dựa vào FDI"

Bạch Dương Chủ nhật, ngày 05/06/2022 15:17 PM (GMT+7)
Chiều 5/6, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4 với chủ đề "Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng" đã chính thức khai mạc. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự diễn đàn.
Bình luận 0
"Việt Nam không thể công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành công nếu chỉ dựa vào FDI" - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự diễn đàn. Ảnh: Nguyễn Thuỷ

Việt Nam cơ bản là nền kinh tế thâm dụng vốn, gia công, lắp ráp

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhìn nhận, bên cạnh những thành tựu nổi bật, năng lực tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc hoặc tác động bên ngoài còn yếu. Khả năng tự chủ của nền kinh tế chịu ảnh hưởng mạnh từ biến động hoạt động sản xuất khu vực đầu tư nước ngoài và một số thị trường lớn.

Hiện nay, trong cơ cấu kinh tế, khu vực FDI đóng góp tới 20,13% GDP, chiếm 72% tổng giá trị xuất khẩu, khoảng 50% sản lượng công nghiệp; nếu đánh giá căn cứ vào chỉ số giá trị gia tăng, doanh thu và việc làm thì các doanh nghiệp FDI chi phối 12 trên 24 phân ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, đóng vai trò chi phối ở 4 trong 5 ngành công nghiệp xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là dệt may, da giày, điện tử, sản xuất đồ đồ gỗ và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thay thế nhập khẩu như ngành cao su-nhựa, kim loại cơ bản, các sản phẩm cơ khí.

Trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp FDI là từ các nước mới nổi, nhất là từ Trung Quốc; hoạt động chủ yếu nhập khẩu để phục vụ sản xuất, từ đó hiệu ứng lan tỏa đến nền kinh tế trong nước còn thấp. Số hợp đồng chuyển giao công nghệ của các doanh nghiệp FDI rất khiêm tốn, chỉ khoảng 1.000 hợp đồng trong tổng số gần 27.500 dự án đầu tư nước ngoài. Trong đó, chuyển giao công nghệ bao gồm đối tượng sở hữu công nghiệp chỉ chiếm 13%; tỷ lệ nội địa hóa ở mức thấp, bình quân chỉ đạt 20-25%.

"Kinh nghiệm các nước cho thấy, Việt Nam không thể công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành công nếu chỉ dựa vào FDI", ông Tuấn Anh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, kết quả phân tích cấu trúc liên ngành IO cho thấy, nền kinh tế Việt Nam cơ bản là một nền kinh tế thâm dụng vốn và gia công, lắp ráp là chủ yếu; đóng góp vào tăng trưởng của TFP mặc dù đã tăng từ 34,3% giai đoạn 2011-2015 lên 45,9% giai đoạn 2016-2020 nhưng trong cơ cấu của TFP, vai trò của khoa học công nghệ chỉ đóng góp ở mức khiêm tốn 28,44%.

Các yếu tố nền tảng ở mức thấp

Trong những năm qua, mặc dù xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo có sự cải thiện nhưng các yếu tố nền tảng còn ở mức thấp. Tổng chi cho nghiên cứu và phát triển của Việt Nam cả nhà nước và tư nhân chỉ đạt 0,53% GDP năm 2019, thấp hơn nhiều so với bình quân thế giới ở mức 1,7% và một số nước như Thái Lan 0,8%, Malaysia 1,4%, Trung Quốc 2,1%; năng lực sáng tạo còn thấp. 

Số bằng sáng chế của Việt Nam do các cơ quan uy tín thế giới cấp chỉ bằng 1/3 Thái Lan, 1/11 Malaysia, 1/3170 Trung Quốc, tỷ lệ bằng sáng chế/1 triệu dân là 0,21 đứng thứ 91/141 quốc gia; trong 20 năm (2011-2020), số bằng độc quyền sáng chế cấp cho người Việt Nam chỉ chiếm 4,62% tổng số bằng được cấp.

Năng lực tự chủ của ngành công nghiệp còn ở mức thấp với việc nhập khẩu hầu hết công nghệ, máy móc thiết bị, phụ tùng, nguyên liệu chính cho sản xuất công nghiệp. Việt Nam nhập siêu tới 9,3 triệu tấn thép cuộn cán nóng/năm, nhập khẩu 85,4% xơ sợi (60% từ Trung Quốc, 13,7% từ Hàn Quốc và 11,7% từ Đài Loan), ngành da giầy nhập 40-45% nguyên liệu từ nước ngoài, 75%-80% nguyên liệu và phụ liệu đầu vào phục vụ cho hoạt động sản xuất nhựa phải nhập khẩu…

"Việt Nam không thể công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành công nếu chỉ dựa vào FDI" - Ảnh 3.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh. Ảnh: Nguyễn Thuỷ

Trình độ công nghệ của các doanh nghiệp công nghiệp còn ở mức thấp, phần lớn đang sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới từ 2-3 thế hệ. Trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam phải nhập khẩu trên 70% máy móc, thiết bị phục vụ nông nghiệp; giống một số loại cây trồng, vật nuôi còn phụ thuộc vào nhập khẩu, điển hình như như 80% giống rau và 60% giống ngô.

Về tổng thể cho thấy, nền kinh tế Việt Nam hội nhập cao, có độ mở lớn nhưng lại tập trung vào một số ít thị trường và cơ cấu thiếu bền vững dẫn đến bị phụ thuộc.

Những bất cập trên đã làm cho tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu chiến lược đề ra, biên độ tăng trưởng có xu hướng giảm dần theo chu kỳ 10 năm (giai đoạn 1991-2000 đạt 7,6%/năm, giai đoạn 2001-2010 xuống còn 6,6%/năm, giai đoạn 2011-2020 trung bình chỉ đạt 6,17%/năm). Thu nhập bình quân đầu người gia tăng với tốc độ chậm và vẫn nằm ở mức thấp, nguy cơ tụt hậu so với các nước trong khu vực đang hiện hữu (về tương quan so sánh với các nước trong khu vực, thu nhập của Việt Nam bằng 72,7% của Philippine; 53,6% Indonesia; 31,6% Thái Lan; 16,4% Malaysia và chưa đến 5,0% Singapore). 

"Việt Nam không thể công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành công nếu chỉ dựa vào FDI" - Ảnh 4.

Lãnh đạo Nhà nước tham dự Diễn đàn Kinh tế Việt Nam chiều 5/6. Ảnh: Nguyễn Thuỷ

Chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh nền kinh tế còn yếu; yêu cầu thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo hướng rút ngắn đứng trước nhiều thách thức; năng suất lao động còn thấp so với yêu cầu phát triển. Năm 2020, theo báo cáo của Tổ chức Năng suất châu Á (APO), năng suất lao động Việt Nam tụt hậu so với Nhật Bản 60 năm, so với Malaysia 40 năm và Thái Lan 10 năm.

Thực tiễn nêu trên cho thấy, để đạt được mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao, nhiệm vụ cấp thiết có tính then chốt, nhất quán và lâu dài là phải xây dựng nền kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững, độc lập, tự chủ trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với nâng cao hiệu quả trong hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Ông Tuấn Anh nhìn nhận, sau 2 năm đại dịch Covid-19, nền kinh tế Việt Nam đang tiếp tục dần trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh như trước dịch. Tuy nhiên, tác động của đại dịch vừa qua cùng với sự xuất hiện nhiều biến cố mới thuộc về bối cảnh quốc tế, điển hình là xung đột Nga – Ukraine đã và đang đặt ra yêu cầu Việt Nam cần đẩy nhanh hơn, quyết liệt hơn, thực chất và hiệu quả hơn việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem