Việt Nam mong được hỗ trợ gì từ đất nước "nuôi được cả thế giới"?

Khánh Nguyên Thứ ba, ngày 09/04/2019 12:56 PM (GMT+7)
Phát biểu tại hội nghị đánh giá “Thỏa thuận đối tác chiến lược về nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực” tổ chức sáng nay, ngày 9/4 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, Hà Lan là một đối tác chiến lược quan trọng của Việt Nam trong phát triển nông nghiệp bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bình luận 0

Hợp tác nhiều mặt

Trong thời gian qua, hợp tác giữa Bộ NNPTNT với Hà Lan tập trung ưu tiên vào các lĩnh vực như nông nghiệp công nghệ cao/ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý an toàn thực phẩm, thuỷ lợi và phòng chống thiên tai.

Cụ thể, trong lĩnh vực trồng trọt, phía Hà Lan cung đã hỗ trợ và tăng cường năng lực cho các cơ quan liên quan của Việt Nam thông qua tổ chức hội thảo, tập huấn, trao đổi chuyên gia;  thực hiện các nghiên cứu phân tích chuỗi giá trị sản phẩm (cà phê, cacao, rau, hoa…) hướng tới thị trường.  Một số công ty của Hà Lan hoạt động trong lĩnh vực trồng trọt đã đầu tư tại Việt Nam và đang có xu hướng mở rộng (Rijk Zwaan, East West Seeds, The Fruit Republic…).

img

Giống cà chua của Hà Lan trồng theo công nghệ cao tại Lào Cai. Ảnh: BLC.

Hai bên cũng đang nghiên cứu thành lập diễn đàn/tổ hợp về trồng trọt (Cluster on horticulture) gồm nhiều đối tác trong chuỗi giá trị của lĩnh vực trồng trọt, bao gồm giống, canh tác, chế biến, bảo quản sau thu hái, lưu thông/phân phối, xuất nhập khẩu…

Trong lĩnh vực chăn nuôi, các đối tác của hai bên đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nội dung hợp tác theo hình thức đối tác công - tư (PPP), theo đó phía Hà Lan đã phối hợp với Cục Chăn nuôi hỗ trợ Thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh xây dựng thí điểm/mô hình chuỗi thịt lợn sạch. Một số công ty của Hà Lan đã đầu tư mạnh vào chăn nuôi lợn, gà tại Việt Nam như Tập đoàn Hoàng gia De Heus, Công ty Friesland Campina. 

Đất nước của cối xay gió và hoa tuy lip cũng giúp Việt Nam nhân rộng các mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu (CSA). Cụ thể, tháng 3/2017, Hà Lan đã hỗ trợ cho Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Chương trình nghị sự cấp cao trong khuôn khổ Hội nghị khu vực (ASEAN+6) về an ninh lương thực tại Hà Nội. Hội nghị có sự tham gia của hơn 200 đại biểu và đã có được 55 thỏa thuận/hợp đồng giữa các đối tác góp phần nhằm đảm bảo an ninh lương thực trong khu vực và trên thế giới. 

Hỗ trợ để đổi mới quản lý nông nghiệp

img

De Heus là một trong những tập đoàn của Hà Lan đã đầu tư vào Việt Nam. Ảnh: I.T

Từ thực tế hợp tác hiệu quả thời gian qua, Bộ NNPTNT rất mong Hà Lan tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật thí điểm xây dựng chuỗi giá trị gắn với chỉ dẫn địa lý và xây dựng thương hiệu theo tiêu chuẩn quốc tế cho một số mặt hàng chiến lược và đặc sản địa phương của Việt Nam. Ưu tiên thí điểm đối với một số nông sản Hà Lan có thế mạnh (như rau, hoa, thịt gia cầm, sữa) và có nhu cầu nhập khẩu cao (như cà phê, hồ tiêu...).

Trao đổi, học tập kỹ thuật mới áp dụng trong giết mổ, chế biến các sản phẩm chăn nuôi; phương pháp quản lý và công nghệ xử lý chất thải nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, quản lý chất thải chăn nuôi và sử dụng có hiệu quả nguồn năng lượng có thể tái tạo.

Xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật trong chăn nuôi phù hợp, tạo điều kiện để các sản phẩm chăn nuôi Việt Nam thâm nhập vào hệ thống phân phối toàn cầu, trong đó có thị trường Hà Lan.

Hợp tác chống xói lở bờ sông bờ biển, cụ thể đề nghị phía Hà Lan hỗ trợ công nghệ sử dụng cát gây bồi tạo bãi. Hỗ trợ xây dựng các mô hình chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại các tiểu vùng ở ĐBSCL và dự án chống sạt lở bờ biển Hội An...

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đứng trước bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với nền tảng tích hợp các công nghệ, kết nối internet, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất của thế giới, Bộ NNPTNT đang có chủ trương đẩy mạnh nghiên cứu, áp dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm và xây dựng nền nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.

Để đạt được như vậy, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị phía Hà Lan cùng chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp với cách thức đổi mới trong sản xuất, đầu tư và kinh doanh nông nghiệp, ứng dụng thành quả của khoa học công nghệ và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất nông nghiệp thông minh để phát huy lợi thế của nông nghiệp Việt Nam theo từng vùng sinh thái và nâng cao giá trị nông sản Việt Nam, qua đó cải thiện đời sống của người nông dân và góp phần tăng trưởng thương mại song phương. 

img

Hà Lan đã chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp bền vững. Trong ảnh: Một góc nông thôn Hà Lan. Ảnh: I.T

Những năm qua, quan hệ thương mại Việt Nam-Hà Lan không ngừng phát triển, kim ngạch thương mại khá lớn và tăng đều hàng năm. Tổng kim ngạch thương mại của hai nước năm 2018 đạt 7,8 tỷ USD trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hà Lan đạt hơn 7 tỷ USD.

Đối với các sản phẩm nông lâm thủy sản, kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2018 vào khoảng trên 1 tỷ USD, trong đó ta xuất khẩu 948 triệu USD và nhập khẩu 63 triệu USD. Các mặt hàng nông sản xuất khẩu chính của Việt Nam sang Hà Lan là hạt điều, hạt tiêu, cà phê, thủy sản, rau quả, đồ gỗ và các sản phẩm gỗ, sản phẩm từ mây tre đan và cao su. Các mặt hàng nhập khẩu chính từ Hà Lan là sữa và các sản phẩm sữa, thức ăn gia súc, và cao su

Hà Lan vốn là quốc gia nghèo đất canh tác nhưng đã xây dựng thành công một nền nông nghiệp phát triển cao, bền vững, có sức cạnh tranh và hiệu quả hàng đầu thế giới. Kim ngạch xuất khẩu nông sản của Hà Lan hiện nay chỉ đứng sau Mỹ. Sản xuất nông nghiệp Hà Lan đã được cơ giới hóa và ứng dụng khoa học công nghệ cao, sản xuất ngoài trời chỉ chiếm 6% diện tích đất nông nghiệp, sản xuất trong nhà kính rất phát triển.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem