Việt Nam nhập lượng vật tư nông nghiệp khổng lồ từ Nga-Trung Quốc và bán lượng lớn cho Campuchia

K.Nguyên Thứ năm, ngày 31/03/2022 18:42 PM (GMT+7)
3 tháng đầu năm 2022, Việt Nam nhập một lượng phân bón khá lớn nhưng đồng thời cũng xuất khẩu một lượng phân bón khổng lồ, chủ yếu sang Campuchia, Hàn Quốc...
Bình luận 0

Việt Nam xuất khẩu lượng phân bón khổng lồ sang Campuchia

Trong khi giá phân bón trong nước tăng cao thì trong 3 tháng đầu năm 2022 cũng ghi nhận Việt Nam xuất khẩu một lượng phân bón khổng lồ, chủ yếu sang Campuchia, Hàn Quốc.

Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm đầu vào sản xuất của Việt Nam đạt khoảng 603 triệu USD, tăng 72,5%, trong đó, riêng xuất khẩu phân bón đạt 291 triệu USD, tăng 2,8 lần so với cùng kỳ năm trước.

Giá xuất khẩu trung bình phân bón đạt 685 USD/tấn, tăng 124,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Campuchia đang là thị trường nhập khẩu phân bón lớn nhất của Việt Nam, tuy nhiên, trong tháng 2/2022 xuất khẩu phân bón sang Campuchia giảm mạnh 51% cả về lượng và kim ngạch và giảm 1,1% về giá so với tháng 1/2022, đạt 17.581 tấn, tương đương 8,39 triệu USD, giá 477,4 USD/tấn.          

Nhận định về việc kim ngạch xuất khẩu phân bón tăng kỷ lục, ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng, thực tế năng lực sản xuất phân bón của các doanh nghiệp thừa khả năng cung ứng cho nhu cầu sản xuất trong nước và còn dư để xuất khẩu.

Việt Nam nhập lượng vật tư nông nghiệp khổng lồ từ Nga-Trung Quốc và bán lượng lớn cho Campuchia - Ảnh 1.

3 tháng đầu năm 2022, Việt Nam nhập một lượng phân bón khá lớn nhưng đồng thời cũng xuất khẩu một lượng phân bón khổng lồ, chủ yếu sang Campuchia, Hàn Quốc... Trong ảnh: Vận chuyển sản phẩm Đạm Cà Mau. Ảnh: I.T

Trong năm 2021, nước ta xuất khẩu trên 1,35 triệu tấn phân bón, thu về 559,35 triệu USD, tăng 16,4% về khối lượng, tăng 64,2% về kim ngạch so với năm 2020 và đạt mức cao kỷ lục về lượng từ trước tới nay.

Trong đó, Campuchia chiếm tới 40,2% trong tổng lượng và chiếm 37,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón của cả nước. Ngoài Campuchia, Hàn Quốc, Malaysia cũng nhập khẩu nhiều phân bón của Việt Nam.

"Tuy nhiên, trong bối cảnh chiến sự Nga - Ukraine còn căng thẳng, giá phân bón thế giới tăng cao, tôi cho rằng cần thiết phải có biện pháp tạm ngừng xuất khẩu phân bón lúc này để ổn định tâm lý sản xuất trong nước" - ông Hà nói.

Vừa xuất khẩu phân bón, Việt Nam cũng nhập khẩu lượng lớn phân bón từ Nga

Không chỉ xuất khẩu phân bón tăng, nhập khẩu phân bón của Việt Nam cũng tăng đáng kể, tới 55,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo đó, trong 3 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã nhập khẩu 2.451 lô phân bón với tổng khối lượng đạt 880.900 tấn.

Việt Nam nhập một lượng lớn phân bón từ Nga, năm 2021, Việt Nam chi 143,5 triệu USD để nhập khẩu 386.000 tấn phân bón từ Nga, chiếm khoảng 10% tổng nhu cầu sử dụng phân bón cả nước.

Có thể thấy, chiến sự Nga - Ukraine đang làm tăng nguy cơ gián đoạn thương mại phân bón toàn cầu.

Theo ông Phùng Hà, Nga là nước xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới, chiếm 23% xuất khẩu amoniac, 14% xuất khẩu urê, 10% xuất khẩu phốt phát chế biến và 21% xuất khẩu kali.

Ngay sau khi cuộc chiến Nga - Ukraine bùng nổ, giá phân urê trên thị trường đã tăng 25%. 

Nửa đầu tháng 3/2022, giá phân bón trong nước đã tăng thêm 300 - 700 đồng/kg tùy loại và đây là đợt tăng giá lần thứ 3 từ đầu năm. 

Theo nhiều dự báo, giá phân bón sẽ còn tiếp tục tăng khi chiến tranh Nga – Ukraine chưa có dấu hiệu dừng lại… 

Đáng chú ý, theo ông Phùng Hà, 100% phân kali (MOP) ở Việt Nam là dựa vào nguồn hàng nhập khẩu.

"Thời gian tới mặt hàng kali từ Nga và Belarus sẽ tạm thời không có mặt tại Việt Nam, thay vào đó sẽ là kali từ Canada và Israel, trong khi đó Nga và Belarus  chiếm hơn 40% lượng kali nhập khẩu của Việt Nam. Dự báo, giá kali ở Việt Nam sẽ tăng" - ông Hà cho biết.

Nga là nhà cung cấp phân bón lớn, Nga sản xuất trung bình 50 triệu tấn phân bón mỗi năm, chiếm 13% sản lượng phân bón trên thế giới. 

Năm 2020, Nga đứng đầu thế giới về xuất khẩu phân bón, chiếm tỷ trọng khoảng 30% tổng nhu cầu phân bón trên toàn thế giới đạt 7 tỷ USD, theo sau là Trung Quốc với 6,6 tỷ USD và Canada với 5,2 tỷ USD, Mỹ đứng thứ tư với 3,56 tỷ USD. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem