Vinaconex: Hiệu quả dự án nước Sông Đà lớn hơn nhiều thiệt hại vỡ ống

Thứ ba, ngày 06/03/2018 20:36 PM (GMT+7)
Trước tòa, đại diện Vinaconex cho rằng, dự án sử dụng công nghệ mới cùng nhiều nguyên nhân khác nên việc vỡ đường ống là khó tránh khỏi.
Bình luận 0

Hôm nay (6.3), TAND Hà Nội tiếp tục xét xử chín bị cáo tội Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng (khoản 2, Điều 229 Bộ luật Hình sự 1999) với cáo buộc tắc trách gây vỡ đường ống nước Sông Đà. Các thành viên Hội đồng quản trị của Vinaconex được triệu tập đến tòa với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

Theo cơ quan công tố, trước yêu cầu phát triển đô thị của thành phố Hà Nội, giải quyết nhu cầu dùng nước của người dân ở phía Tây Hà Nội và khu vực lân cận, Tổng công ty Vinaconex có chủ trương sử dụng vốn tự có, huy động do doanh nghiệp tự thu xếp và vay các tổ chức tín dụng để xây dự án cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây – Hòa Lạc – Xuân Mai – Miếu Môn – Hà Nội – Hà Đông (Dự án cấp nước Sông Đà – Hà Nội).

Dự án có 8 hạng mục công trình chính, trong đó có tuyến ống truyền tải nước sạch dài 46km làm bằng vật liệu bê tông cốt thép và ống gang dẻo, đường kính từ 600mm đến 1.500mm. Tổng mức đầu tư 4 giai đoạn là 170,8 triệu USD,  Vinaconex là chủ đầu tư dự án trực tiếp quản lý dự án thông qua Ban quản lý Dự án theo hình thức xây dựng – kinh doanh – sở hữu.

Ngày 10.10.2003, Chủ tịch HĐQT Vinaconex ký quyết định phê duyệt, tuyến ống truyền tải nước sạch gồm hai tuyến ống, vật liệu ống bằng gang dẻo, thép. Tuy nhiên, sau đó, HĐQT Vinaconex điều chỉnh thay đổi vật liệu từ ống gang dẻo sang ống composite cốt sợi thủy tinh.

Dự án có tổng mức đầu tư 1.450 tỷ đồng. Tuyến ống truyền tải nước sạch có gói thầu cung cấp ống composite cốt sợi thủy tinh và phụ kiện có giá trị quyết toán là 331 tỷ đồng, giá trị xây lắp tuyến ống là 122 tỷ. Ngày 31/3/2009, dự án hoàn thành đưa vào vận hành, khai thác.

img

Ông Nguyễn Văn Tuân (Ủy viên HĐQT, nguyên Tổng giám đốc Vinaconex, cầm micro). Ảnh chụp qua màn hình.

Có mặt tại tòa, ông Nguyễn Văn Tuân (Tổng giám đốc Vinaconex giai đoạn 2004 - 2008), trình bày, theo điều lệ, HĐQT Vinaconex làm "theo tập thể". Dự án nước sạch Sông Đà được biểu quyết trên cơ sở đồng thuận của 5 thành viên HĐQT.

Sau khi tiếp cận công nghệ sản xuất vật liệu composite của thế giới, năm 2004, Vinaconex đã tổ chức hội nghị toàn bộ lãnh đạo tổng công ty về dự án. Cuộc họp đó quyết định thay đổi từ gang dẻo sang cốt sợi thủy tinh.

“Lần đầu tiên quyết định sử dụng vật liệu mới, ý tưởng chúng tôi còn muốn sản xuất nước sạch trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài như Lào- Campuchia”, ông Tuân nói.

Theo ông Tuân, trong quá trình thực hiện dự án, 22.10.2004, HĐQT chỉ định thầu Công ty CP Ống sợi thủy tinh Vinaconex. "Khi triển khai dự án, Vinaconex có tâm huyết để làm sao để dân có nước sạch sử dụng. Đưa “một cái mới” vào thành công có một quá trình rất khó khăn nên đề nghị tòa xem xét cho các bị cáo", ông nói.

Ông Hoàng Ngọc Thương (cựu Ủy viên HĐQT Vinaconex), lãnh đạo đầu tiên của Vinaconex, cho hay trước việc thiếu nước trầm trọng, Vinaconex đã lập ra Dự án nước sạch, ban đầu có ý dùng ống bằng vật liệu gang dẻo nhưng sau đó đổi sang composite vì tính tiết kiệm (được khoảng 3 triệu USD). “Chúng tôi đã quyết định mua công nghệ sản xuất ống cốt sợi thủy tinh”, ông Thương nói. 

Theo ông, Dự án nước Sông Đà thi công cùng với giai đoạn đường cao tốc Láng – Hòa Lạc nên có thể dẫn đến các sự cố. Thực tế, tài liệu cũng thể hiện có nhiều nguyên nhân khi sự cố xảy ra. “Mong tòa xem xét toàn bộ quá trình thực hiện dự án và thiếu sót về nguyên nhân dẫn đến vỡ ống nước”, ông trình bày.

Đại diện Vinaconex có mặt tại tòa cho hay, Dự án Sông Đà là dự án đầu tiên quy mô, đường kính lớn 1.500mm đến 1.800mm và nguyên liệu là ống cốt sợi thủy tinh. Việc xảy ra sự cố là khó tránh khỏi. "Về mặt vật chất, thiệt hại gần 17 tỷ đồng song lãi hơn 500 tỷ. Số giờ mất nước trên tổng số giờ phục vụ chỉ là 0,56%, lượng nước ngừng cấp chỉ là 0,36%", vị này nói. 

“Đối với anh em tham gia dự án, đều tham gia công tác lâu, kinh nghiệm tốt. Đây là tai nạn nghề nghiệp, không có yếu tố tham ô tham nhũng. Xin tòa xem xét để làm sao khuyến khích các doanh nghiệp, dám làm đầu tiên”, đại diện Vinaconex nêu quan điểm.

Trong khi đó, sáng cùng ngày, đại diện cơ quan giám định tiếp tục khẳng định, nguyên nhân chính vỡ tuyến ống nước là do chất lượng không đảm bảo. Theo yêu cầu kỹ thuật, sau khi lắp đặt xong 1km ống, nhà thầu phải thử áp lực thủy tĩnh, không quá 3.000 m phải thực hiện một lần. Vành đai 3 phải thực hiện thử 7 đoạn. "Tuy nhiên, do áp lực tiến độ, để cấp nước cho người dân Hà Nội, Ban dự án đã lắp đặt toàn bộ ống trên dài 46km", đại diện giám định nói.

Phiên tòa dự kiến kéo dài trong 10 ngày. Các bị cáo bị truy tố về tội Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng theo khoản 2, Điều 229 Bộ luật Hình sự 1999, gồm các ông: Hoàng Thế Trung (57 tuổi, nguyên giám đốc Ban quản lý dự án); Nguyễn Văn Khải, Trương Trần Hiển (nguyên phó giám đốc và Trưởng phòng Vật tư, Ban quản lý dự án); Trần Cao Bằng, Vũ Thanh Hải (nguyên giám đốc và phó giám đốc Công ty CP Ống sợi thủy tinh - Vinaconex); Đỗ Đình Trì (cựu trưởng đoàn Tư vấn giám sát của Công ty cổ phần Nước và Môi trường Việt Nam - Viwase); Nguyễn Biên Hùng, Hoàng Quốc Thống và Bùi Minh Quân (nguyên cán bộ của Viwase).

Việt Dũng (VNE)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem