Vĩnh biệt GS. Nguyễn Tài Cẩn: “Một thế giới mất đi”

Thứ hai, ngày 28/02/2011 16:37 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tôi dám chắc một điều, không một sinh viên, một nhà nghiên cứu, hay một giáo sư Việt Nam nào dù học trong nước, hay ngoài nước về ngành Ngôn ngữ, mà không đọc, không tham khảo sách của thầy Nguyễn Tài Cẩn.
Bình luận 0

Uyên bác trong sự giản dị

Không kể chúng tôi, lớp hậu sinh chỉ võ vẽ viết dăm ba quyển sách giáo trình, chuyên luận, mà ngay đến những bậc cao minh như GS Đinh Văn Đức, Nguyễn Đức Dân, Nguyễn Cao Đàm, Đoàn Thiện Thuật, Nguyễn Hàm Dương, Hoàng Trọng Phiến... lên lớp cho sinh viên, mỗi khi khẳng định một vấn đề, đều nói: Như Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn đã viết, hoặc điều này ông Nguyễn Tài Cẩn đã kết luận...

img
GS Nguyễn Tài Cẩn

Ấy thế mà cả cuộc đời viết sách, nghiên cứu của mình, chưa bao giờ Thầy đề trên bìa sách, hoặc tự viết chức danh của mình là GS, TS, Giải thưởng Hồ Chí Minh... mà chỉ đơn thuần tên họ là Nguyễn Tài Cẩn!

Những quyển sách mang tính kinh điển bao nhiêu năm nay của ngành ngôn ngữ do thấy viết, tên của nó đều là Sơ thảo. Sơ thảo là khởi đầu, là chưa chính thức, ấy thế mà hơn nửa thế kỷ qua, những quyển Sơ thảo về ngữ pháp tiếng Việt, Ngữ pháp Hán Việt, Phát âm tiếng Hán... đó lại là những tài liệu nghiên cứu giảng dạy chính thống trong hệ thống các Trường Đại học VN.

Thầy đã từng được mời giảng dạy ở hầu hết các Trường Đại học lớn trên thế giới, từ Berlin, Matxcơva, Leningrat, Paris, Tokyo, Washington, New York... Những chuyến đi của Thầy không một ai tháp tùng, không một người làm thư ký, Thầy đi một mình, không làm phiền ai cả.

Với một va ly nhỏ quần áo, một chiếc cặp, hành trang giản dị, phục sức giản dị. Thế nhưng không vì thế mà các bậc trí thức, chính khách khắp thế giới giảm đi sự kính trọng đối với Thầy. Được gặp Thầy, được ngồi nghe Thầy giảng, đó là một niềm vinh hạnh đối với những thức giả.

Thầy Cẩn trong mọi người

Chục năm trước, GS Phạm Xuân Hằng - Hiệu trưởng Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cùng với GS Bùi Thanh Quất và tôi đến thăm Thầy ở Xanh Peterburg. Thầy sống trong một căn hộ hai buồng đơn sơ của khu nhà năm tầng kiểu Khrutsov.

Trên bàn của Thầy đầy các loại phong bì thư gửi từ khắp các châu lục đến, ngoài chỉ đề vẻn vẹn: Russia - Leningrat - Nguyen Tai Can. Thế mà tất cả những bức thư đó mang địa chỉ một thành phố ngót nghét bảy triệu dân vẫn đều đến tận tay Thầy, một ông già ngoại quốc nhỏ bé sống lặng lẽ trên một khu phố bình thường!...

Dù rất bận, mỗi phút, mỗi giờ của Thầy đều hiếm hoi và quý báu, nhưng Thầy vẫn dành ra hàng giờ để tiếp khách, để mạn đàm, trao đổi. Khi tôi đến thăm Thầy, ngồi chừng mươi phút, giữ ý, tôi xin cáo ra về, thì Thầy giữ lại với một lý do: Em ngồi thêm một lát nữa, lâu rồi mình không được nghe tiếng Nghệ. Xưng hô với ai, Thầy cũng dùng đại từ ngôi thứ nhất là mình.

Khi về hưu (hưu theo nghĩa tuổi tác, chứ đối với một người lao động như Thầy, thì không bao giờ có khái niệm nghỉ ngơi), Thầy sang Nga làm việc. Các GS, các học sinh cũ của Thầy qua Matxcơva, ai cũng muốn ghé thăm Thầy.

Dạo tháng 6.2010, ông Vũ Đức Nghiệu - Hiệu phó Trường ĐHKHXH&NV Hà Nội sang Matxcơva, coi việc ghé thăm tôi và làm việc không có gì đáng nói, mục đích chính là thăm thầy Cẩn! Gặp được thầy Cẩn, đối với ông là toại nguyện lắm rồi. Tôi về Hà Nội, gặp ai, câu đầu tiên là lời hỏi thăm thầy Cẩn.

Tối 25.2.2011, trái tim của Thầy ngừng đập giữa thành phố Matxcơva. Trong phút giây này, tôi không biết nói gì hơn với người bạn đời của thầy - bà Nonna Xtankevits, với các bạn, tôi chỉ biết rằng sự ra đi của Thầy là một mất mát rất lớn đối với gia đình, là sự đau xót của cộng đồng người Việt tại nước Nga, là sự tổn thất rất lớn của ngành Ngôn ngữ học VN.

Tôi xin muốn lấy mấy dòng thơ của nhà thơ Nga vĩ đại Evtusenko để trang trải nỗi lòng: Mỗi con người mất đi, một thế giới mất đi/Một thế giới mất đi, không thể gì tái tạo/Tôi muốn kêu lên, kêu to lên điều ấy/ Trước đời người lần lượt tựa thoi đưa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem