Đại thụ của làng báo
Trong làng báo Việt Nam đương đại, ông vẫn được coi là “Cây đại thụ” không chỉ bởi tuổi đời, tuổi nghề mà còn bởi trí tuệ, sự nhạy cảm và tính tiên phong trong nhịp thở của báo chí cách mạng.
Nhà báo Hữu Thọ tham dự một hội thảo về tam nông do Báo NTNN tổ chức tháng 6.2008. Ảnh: THANH SƠN
Ông là học sinh Trường Bưởi (Hà Nội), tham gia cách mạng từ tháng 8.1945. Kinh qua các chức vụ chính trị trong quân đội và ông bắt đầu làm báo chuyên nghiệp từ tháng 8.1957. Hữu Thọ từng là Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Chủ nhiệm khoa Báo chí của Học viện Báo chí và Tuyên truyền; rồi Ủy viên T.Ư Đảng, Đại biểu Quốc hội, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, Trợ lý Tổng Bí thư. Tài năng trong viết báo của ông được tưởng thưởng bằng 8 giải Nhất báo chí và rất nhiều các giải thưởng cao quý khác. Những cống hiến của ông cho sự nghiệp báo chí cách mạng được ghi nhận bằng 2 Huân chương Kháng chiến (hạng Nhất, hạng Ba), Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất; các huy chương: “Chiến sĩ văn hóa”, “Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam”, “Vì sự nghiệp báo Nhân Dân”...
Bạn đọc nhớ đến ông bằng các tác phẩm nổi tiếng: “Cô gái thôn Bạt” (1962), “Người hay cãi” (1991), “Theo bước chân đổi mới” (2002), “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc” (2001-tái bản 2007), “Đối thoại” (2008)...
Một trí tuệ mẫn tiệp
Trong cuộc đời làm báo chuyên nghiệp của mình tôi được tiếp xúc, làm việc, trò chuyện nhiều lần với nhà báo, nhà quản lý báo chí Hữu Thọ. Thú thật không phải tất cả những điều ông nói tôi đều thích, nhưng phải thừa nhận rằng những điều ông nói bao giờ cũng hấp dẫn và nó luôn ẩn chứa một triết lý sâu xa về thế cuộc. Trong các câu chuyện ông chưa bao giờ cho rằng mình là người thông thái (mặc dù trên thực tế ông quá thông thái).
Ông bảo ông cũng từng trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, cũng là thương binh, nhưng ông lại bảo chính những người đã nằm xuống trên chiến trường kia mới thực sự là vĩ đại nhất. Những người chiến sĩ thế hệ ông còn sống, nhưng lại im lặng không hề kể về những chiến công của mình là vĩ đại thứ hai, còn những người như ông là thường lắm, quá may mắn. May mắn vì được sống, được cầm bút nên đôi khi cũng "múa may" được dăm bảy chữ bày tỏ lòng mình, chứ những người chiến sĩ chết trẻ kia đâu có được cái hạnh phúc ấy.
Có gần ông, nghe ông trong những lúc "trà dư tửu hậu", mới hiểu rằng những khao khát cống hiến của ông cho đời thật là ghê gớm. Giữ những trọng trách lớn ông không thể, hay nói đúng hơn là không có quyền bày tỏ chính kiến riêng của mình về những vấn đề quốc kế dân sinh, “là người của tổ chức, nói và làm theo tổ chức” (như lời ông nói), nhưng bằng nhiều cách như viết báo, trò chuyện với giới trí thức, nhất là cánh báo chí chúng tôi, ông luôn thể hiện tư tưởng của mình. Cách ông khen hay chê người khác cũng thật khác thường. Ông không bao giờ dùng quyền uy của mình, mặc dù có lúc ông nắm “quyền sinh, quyền sát”, để đe nẹt kẻ yếu. Khi phê phán ai ông cũng rất nhẹ nhàng, mặc dù trong lòng ông không ưa những lỗi lầm đó.
Cần lắm những cây bút có tầm
Những triết lý của ông về viết báo, làm báo, nhà báo thường có sức cuốn hút lớn. Tôi nhớ có lần ông bảo, bây giờ ta đang nói đến cái thương hiệu của doanh nghiệp. Với cơ quan báo chí, đó là sự tin cậy của cái măng -sét, bởi vì trong măng -sét đó có những cây bút có thẩm quyền. Khi đã quyết định mua tờ báo này hay mở máy ra đọc tờ báo khác, bạn đọc sẽ xem ai viết bài báo đó, có phải là một cây bút quen thuộc không, có phải là cây bút đáng tin cậy cả về năng lực và phẩm chất đạo đức hay không để quyết định đọc bài nào, bỏ qua bài nào. Như thế để thấy rằng, có hai việc cực kỳ quan trọng đối với người làm báo. Đối với một tổng biên tập, cần phải quyết định vấn đề của một tờ báo có phải là vấn đề bức xúc của xã hội hay không, có phải là vấn đề độc giả quan tâm hay không. Thứ hai là, tòa soạn phải có những cây bút có tầm, những cây bút có dấu ấn trong lòng bạn đọc.
Trong tình hình hiện nay, với sự phát triển của đất nước, sự phát triển phong phú của xã hội, khó có được một cây bút sắc sảo toàn diện. Nói như một đại văn hào Đức, trên đời này mỗi người chỉ nên sắm một chiếc chìa khóa để mở thành công một cánh cửa. Tất nhiên, cũng có những cái chìa khóa vạn năng mở được mọi cánh cửa dẫn tới thành công, nhưng chỉ có hai loại người có được chìa khóa vạn năng đó. Đấy là thiên tài và kẻ trộm...
Thực tế là thiên tài thì rất ít, còn kẻ trộm lại quá nhiều. Cho nên mục tiêu của mình không hẳn đã là tìm ra được những cây bút "đadinăng", việc gì cũng giỏi, vì đó là chuyện quá khó, hầu như không khả thi. Cái chính là biết phát hiện, vun vén, bồi dưỡng những tài năng thành những cây bút có thẩm quyền của từng lĩnh vực. Tờ báo phải như một khối nam châm hút trí tuệ xã hội chứ không đơn thuần là phát huy trí tuệ của những người làm báo chuyên nghiệp tại chỗ. Đấy là sự lựa chọn sinh tử đối với cơ quan báo chí".
Ông vẫn tự ví mình là “Người hay cãi” (cũng là tên một cuốn sách của ông). Ông đi xa, làng báo Việt Nam, bạn đọc sẽ nhớ ông rất nhiều.
Chia buồn
Nhà báo lão thành Hữu Thọ - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng văn hóa Trung ương, người bạn thân thiết của Báo NTNN đột ngột qua đời vào 7 giờ 40 phút ngày 13.8, hưởng thọ 84 tuổi. Lễ viếng tổ chức từ 7 giờ ngày 14.8, tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng - số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ truy điệu và đưa tang vào hồi 10 giờ 30 cùng ngày.
Đảng ủy, Ban Biên tập, cán bộ, phóng viên Báo NTNN và Báo điện tử Dân Việt xin chia buồn cùng gia đình nhà báo Hữu Thọ.
NTNN
|
Nhiều người nói, giá ông không giữ những trọng trách chốn quan trường, chắc chắn ông đã là nhà tư tưởng lớn... Có gần ông, nghe ông trong những lúc "trà dư tửu hậu", mới hiểu rằng những khao khát cống hiến của ông cho đời thật là ghê gớm.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.