Vĩnh biệt nhà thơ Trúc Chi: Tiếng chim gõ kiến còn vang vọng

Thứ năm, ngày 29/01/2015 09:57 AM (GMT+7)
Nói đến nhà thơ Trúc Chi, làng văn nhớ đến ông nhiều nhất ở phóng sự dài kỳ về lĩnh vực giáo dục một thời: Tiếng kêu cứu của con chim gõ kiến. Ông vừa qua đời lúc 1h09 phút ngày 28/1 tại TP.HCM sau một thời gian lâm bệnh nặng.
Bình luận 0

Nói đến nhà thơ Trúc Chi, làng văn nhớ đến ông nhiều nhất ở phóng sự dài kỳ về lĩnh vực giáo dục một thời: Tiếng kêu cứu của con chim gõ kiến. Ông vừa qua đời lúc 1h09 phút ngày 28.1 tại TP.HCM sau một thời gian lâm bệnh nặng.

Nhà thơ Trúc Chi sinh ngày 3.12.1935 tại xã An Ninh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ông là hội viên Hội Nhà văn TP.HCM, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 1950, ông đi bộ đội, từng công tác ở các đoàn văn rồi về dạy văn học tại các trường Học sinh miền Nam, Phổ thông Công nghiệp ở Hải Phòng. Sau 1975, ông trở về công tác tại quê nhà khi hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa nhập thành tỉnh Phú Khánh.

img

Nhà thơ Trúc Chi

Năm 1987, nhà thơ Trúc Chi viết loạt phóng sự nhiều kỳ phản ánh tình trạng giáo dục chạy theo phong trào và thành tích mà bỏ quên sự thực học. Loạt phóng sự này in trên các tờ báo lớn và uy tín ở trung ương. Cũng trong năm 1987, nhà thơ Trúc Chi tập hợp các bài viết này in thành sách với tên gọi: Tiếng kêu cứu của con chim gõ kiến. Cuốn sách gây tranh cãi gay gắt ở địa phương, khiến tác giả của nó gặp không ít phiền toái. Sau đó, ông vào TP.HCM sinh sống và tiếp tục công việc dạy học ở Trường Cao đẳng Sư Phạm TP.HCM. Năm 1989, ông cho in lại Tiếng kêu cứu của con chim gõ kiến.

Nhà thơ Trúc Chi đã để lại cho đời các tập thơ: Cánh chim biển (1967), Dư âm sóng (1980), Chú dế đàn (1980), Thành phố hoa mặt trời (Trường ca, 1986), Miền sóng trắng tôi yêu (1987)...; truyện ngắn: Arú và con voi già (1987), Thị trấn đêm màu trắng (1989), Điều kỳ lạ trong vườn chim (1989), Câu chuyện từ lớp học này (1989), Con trai người săn cá mập (1997)...; truyện dài: Huyền thoại biển (2000); bút ký và phóng sự: Cuộc đời như một truyền thuyết (1992); Vị giám đốc hát rong (2001), Tiếng kêu cứu của con chim gõ kiến (1989); Dặm đường cát bụi (1997); tiểu luận phê bình: Ba mươi năm một nền thơ (1999).

Theo kỷ yếu của Hội Nhà văn TP.HCM, nhà thơ Trúc Chi bày tỏ quan điểm sáng tác hiện nay: “Sáng tác văn học nghệ thuật hiện nay phải hướng về biển đảo, chứ không mãi chỉ có cánh đồng lúa, cây cầu tre. Bởi đó là cuộc sống, là đất đai của Tổ quốc mình…”.

Linh cữu nhà thơ Trúc Chi được quàn tại Nhà tang lễ TP.HCM (25 Lê Quý Đôn, Q.3); lễ động quan, hỏa táng sẽ diễn ra vào 3 giờ chiều ngày 29.1. Nhà thơ Trúc Chi ra đi, nhưng “tiếng con chim gõ kiến” mà ông đã dốc tâm viết ra vào cuối những năm 1980 còn vang vọng.

(Theo Thể thao & Văn hóa)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem