Vinh danh “mẹ” của siêu lúa

Thứ năm, ngày 20/10/2011 08:48 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trong 7 cá nhân được vinh danh tại Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm nay có GS-TS Nguyễn Thị Lang - “mẹ” của hàng chục giống lúa lai siêu khỏe, đem lại năng suất cao.
Bình luận 0

Lúa cũng như người

OM4498, OM5930, OM4900, OM6073… là những giống lúa vinh danh Ô Môn - nơi đặt trụ sở Viện Lúa ĐBSCL. Sau nhiều năm gắn bó với cây lúa, GS-TS Nguyễn Thị Lang - Trưởng phòng Di truyền giống Viện Lúa ĐBSCL - đã liên tục lai tạo nhiều giống lúa với những đặc tính nổi bật, khắc phục được các điểm yếu của các giống lúa trước.

img
GS-TS Nguyễn Thị Lang miệt mài trong phòng thí nghiệm.

Lặn lội trên những vùng sâu Đồng Tháp Mười, bà đã tìm ra một loại “lúa ma” có tính năng chịu đựng được phèn mặn và ngập lụt, nhưng năng suất thấp. Cấy ghép lai tạo từ cây lúa “dại” ấy, bà Lang đã cho chào đời giống lúa AS 996 có thể chịu mặn rất tốt.

Giống lúa đấy không chỉ được trồng rộng rãi ở các vùng ngập mặn nước ta mà còn “di cư” sang nhiều nước trên thế giới. Nhưng chỉ một thời gian sau, bà lại “sinh” đứa con OM 4498, chỉ sinh trưởng trong vòng 100 ngày, có thân rạ cứng, có khả năng đẻ nhánh nhiều, thích ứng với phèn và mặn, năng suất cao và đặc biệt cơm rất ngon, chống chọi tốt với bệnh rầy nâu và đạo ôn.

Hiện TS Lang đang “thai nghén”, đưa vào thử nghiệm gần một chục giống lúa mới như OM523, OM5629… Điều mà GS-TS Lang canh cánh là Việt Nam chưa có chiến lược đầu tư lâu dài cho cây lúa trong hoàn cảnh biến đổi khí hậu. Việc sản xuất chắp vá, tự phát và theo kinh nghiệm cổ truyền sẽ khiến người nông dân vất vả, hàng hóa lúa gạo không được coi trọng, đồng thời, cây lúa sẽ không được bảo vệ xứng đáng.

Ngoài ra, bà còn lo ngại việc nông dân sử dụng các loại thuốc trừ sâu bừa bãi; áp lực về việc tăng năng suất và lạm dụng phân bón ở mức cao; sự thiếu nước và hạn hán xuất hiện ngày càng thường xuyên và việc mở rộng canh tác ở những vùng đất khó khăn nhất là giống lúa bị ngập và mặn của các vùng lúa ven biển.

“Sự kết hợp của nhiều phương pháp dựa trên những tiến bộ gần đây trong nghiên cứu về genomic đã được xây dựng để giải quyết những thách thức này. Hiện tôi đang nghiên cứu giống có tính kháng đối với nhiều loại côn trùng, nhiều loại bệnh và hàm lượng chất dinh dưỡng cao, có khả năng chống khô hạn, ngập, nóng và mặn” – bà Lang cho biết.

Gia đình “lúa”

Chồng GS - TS Nguyễn Thị Lang là GS-TS Bùi Chí Bửu - Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam. Ông cũng cống hiến hết mình cho cây lúa.

Theo TS Lang, người làm khoa học phải dám nghĩ và có can đảm để vượt qua khó khăn, bảo vệ thành quả nghiên cứu của mình. Nếu không dũng cảm, những điều đúng đắn, những sự tiên phong trong khoa học sẽ không thể ứng dụng vào cuộc sống.

TS Lang tâm sự: Gần như hai vợ chồng lúc nào cũng thay nhau đi “ăn ngủ nghỉ” với cây lúa, vì vậy hai cậu con trai phải rèn rũa tính tự lập từ nhỏ. Có chung tâm huyết với cây lúa nên vợ chồng bà luôn giữ được sự cảm thông và chia sẻ. TS Lang có 10 người em chồng, vì thế việc đối nhân xử thế với gia đình nhà chồng cũng luôn phải khéo léo, công bằng để 10 người em chồng không có gì phàn nàn về chị dâu.

Bà tâm sự: “Phụ nữ làm khoa học rất vất vả, vì thế mình luôn phải quý trọng thời gian, sắp xếp công việc thật khoa học, xử lý dứt khoát. Ngoài ra, tôi cũng phải rèn luyện sức khỏe thật tốt, nếu không khỏe, có giỏi cũng chẳng có sức mà làm việc, có yêu chồng thương con cũng chẳng đủ hơi mà chăm sóc”. Ngoài ra tôi phải không ngừng học hỏi. Học ở đây không chỉ về chuyên môn mà học cả những xử thế trong cuộc sống ”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem