Vĩnh Phúc dự kiến đưa 39 giáo viên đi Australia bồi dưỡng: "Quá tốt!"
Vĩnh Phúc dự kiến đưa 39 giáo viên đi Australia bồi dưỡng: "Quá tốt!"
Tào Nga
Thứ hai, ngày 27/03/2023 13:53 PM (GMT+7)
Dự kiến, 39 giáo viên tiếng Anh bậc THPT ở Vĩnh Phúc đạt năng lực IELTS từ 7.0 trở lên được đi bồi dưỡng phương pháp trong khóa học 4 tuần tại Australia.
Lần đầu tiên giáo viên tiếng Anh được đi học tập bồi dưỡng tại nước ngoài
Theo thông tin từ Sở GDĐT Vĩnh Phúc, trong kế hoạch năm 2023, Sở dự kiến sẽ tổ chức đưa 39 giáo viên tiếng Anh bậc THPT đã đạt năng lực IELTS từ 7.0 trở lên, đi bồi dưỡng phương pháp trong khóa học 4 tuần tại Australia. Địa điểm dự kiến là Sydney hoặc Melbourne vào khoảng thời gian nửa cuối năm 2023.
Ngoài điểm nhấn đào tạo giáo viên tại nước ngoài nêu trên, năm 2023, Sở GDĐT còn tập trung triển khai nhiều nội dung, nhiệm vụ khác nhằm nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong các trường phổ thông; phấn đấu thực hiện thành công, tạo chuyển biến hiệu quả và rõ nét trong thực hiện đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống GDĐT tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025".
Được biết, giáo viên Vĩnh Phúc sẽ được bồi dưỡng phương pháp dạy học tiếng Anh theo hướng phát huy năng lực của học sinh và hình thành, phát triển khả năng giao tiếp, sử dụng tiếng Anh cho học sinh (4 kỹ năng Nghe, Nói, Đọc, Viết); phương pháp tổ chức hoạt động dạy học hiệu quả, lấy học sinh làm trung tâm; bồi dưỡng phương pháp kiểm tra, đánh giá năng lực tiếng Anh theo hướng tiếp cận phương pháp quốc tế; bồi dưỡng ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác các nguồn học liệu, phần mềm dạy học tiếng Anh; áp dụng vào giảng dạy tiếng Anh hiệu quả, hỗ trợ học sinh học tiếng Anh mọi nơi; thực hành giảng dạy, dự giờ tại các trường phổ thông ở nước ngoài.
Việc đưa giáo viên tiếng Anh đi nước ngoài đào tạo nằm trong kế hoạch "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống GDĐT tỉnh giai đoạn 2021-2025". Đây là sự cụ thể hóa triển khai kế hoạch số 80/KH-UBND ngày 13/3/2023 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc.
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, đại diện Sở GDĐT Vĩnh Phúc cho hay: "Nếu kế hoạch được triển khai như đã đề ra, đây sẽ là lần đầu tiên giáo viên tiếng Anh của tỉnh được đi học tập bồi dưỡng tại nước ngoài bằng nguồn ngân sách nhà nước. Hiện tại vẫn chưa có con số kinh phí cụ thể".
"Đưa giáo viên ra nước ngoài bồi dưỡng là quá tốt"
TS Phạm Hiệp, Trưởng nhóm nghiên cứu Đổi mới Giáo dục, Trường Đại học Thành Đô chia sẻ với PV Dân Việt: "Theo nội dung trên thì Sở GDĐT Vĩnh Phúc đưa giáo viên ra nước ngoài bồi dưỡng về phương pháp giảng dạy. Không chỉ riêng ở các địa phương đầu tư cho giáo viên đi nước ngoài học tập mà chính Chính phủ Australia cũng có những chương trình bồi dưỡng ngắn hạn. Có khóa đào tạo tại Việt Nam, có khóa tại Australia, thời gian thì có thể 2 tuần, 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng. Bản thân tôi cũng từng sang Australia học 6 tháng. Có thể với giáo viên, 1 tháng bồi dưỡng ở nước ngoài không phải là nhiều nhưng chắc chắn sẽ học hỏi được nhiều điều nếu chương trình thiết kế hợp lý".
TS Phạm Hiệp nêu quan điểm: "Đưa giáo viên ra nước ngoài bồi dưỡng là quá tốt! Chúng ta nói giáo dục phải thay đổi, vì vậy giáo viên rất cần được thay đổi. Trước đây giáo viên chỉ được học trong trường sư phạm, vẫn là thói quen dạy trong sách giáo khoa thì bây giờ cho họ được trải nghiệm, tiếp thu cái mới rồi về dạy lại cho giáo viên khác.
Có địa phương dám làm khác đi thì hãy để cho họ được thử, thay vì giám sát, săm soi. Làm gì cũng bị dư luận "soi" rồi phản đối thì không ai dám làm hoặc có làm thì không hiệu quả. Chúng ta phải nhìn vào đề án lớn của họ. Giáo viên này đi nước ngoài phát triển năng lực thế nào, trách nhiệm đào tạo của họ cho giáo viên khác ra sao, giáo dục địa phương hưởng lợi gì. Hãy chú ý vào những điều này chứ không phải là số người đi bao nhiêu, thời gian đi bao nhiêu tháng, đi học hay đi chơi....".
Trước đó, vào tháng 9/2022, UBND TP.Hà Nội có quyết định phê duyệt chương trình bồi dưỡng nâng cao phương pháp dạy học, công nghệ thông tin ở nước ngoài cho giáo viên đạt điểm IELTS từ 6.5 trở lên. Giáo viên được cử đi tham gia khóa bồi dưỡng kéo dài trong 14 ngày, trong đó 5 ngày học lý thuyết, 5 ngày thực hành và thảo luận, 4 ngày dự giờ thực tế. Thông tin này đã gây tranh cãi về việc thời gian này quá ngắn không đủ để giáo viên tiếp thu tinh hoa kiến thức ở nước ngoài và chỉ cần đào tạo trong nước, tránh gây lãng phí.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.