Nhớ lại những ngày thôn chìm ngập trong ô nhiễm, chị Phạm Thị Hồng, thôn Xuân Đán (Đồng Ích) cho hay: “Trước đây dọc hai bên đường, bờ mương đâu đâu cũng thấy phân trâu bò, lợn và chất thải sinh hoạt, túi nylon tràn ngập hai bên đường. Nhiều hôm gặp gió người đi đường còn bị túi nylon trùm lên đầu, mặt rất nguy hiểm và mất vệ sinh. Trời khô ráo còn đỡ, nhất là những hôm trời nồm xú uế bốc lên từ những đống rác rất khó chịu, cũng may là thôn, xã kịp thành lập tổ thu gom rác và tuyên truyền đến người dân, chứ cứ đà này có khi vài năm nữa cả làng kéo nhau đi bệnh viện hết vì bệnh ung thư cũng nên”.
Từ năm 2013 đến nay, Đồng Ích tất cả 7/7 thôn đều đã thành lập tổ, đội thu gom rác với hàng chục người tham gia, nhờ đó mà tình trạng ô nhiễm môi trường đã dần được khắc phục. Chị Phạm Thị Dung một thành viên của tổ gom rác thôn Xuân Đán cho hay: “Khi thành lập tổ, thôn, xã đã phổi hợp Hội ND, phụ nữ, cựu chiến binh, thanh niên để tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, đặc biệt là “cấm” việc thải chất thải chưa qua xử lý ra môi trường. Về chất thải sinh hoạt, mỗi hộ tự sắm một thùng rác để ở đầu ngõ 2 – 3 ngày tổ sẽ đi thu gom một lần và các hộ hàng tháng sẽ góp vài ngàn đồng mỗi khẩu để trả “lương” cho tổ”.
Ông Phạm Văn Hải – Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hưng cho biết: “Cùng với chương trình xây dựng NTM, chúng tôi đã vận động người dân tham gia thành lập các tổ thu gom rác ở các thôn, tập hợp rác tại bãi rác của xã. Đồng thời mở các hội thảo tuyên truyền về vệ sinh môi trường, phát tờ rơi đến từng hộ dân, trong nông nghiệp thì xây dựng mô hình cánh đồng sinh học… nhờ đó ý thức của người dân đã được nâng lên, môi trường ngày một trong sạch hơn”.
Ông Kiều Văn Hùng – Phó Giám đốc Sở TNMT Vĩnh Phúc cho biết, từ đầu năm đến nay tỉnh đã đầu tư gần 60 tỷ đồng để mua 18 lò đốt chất thải công nghệ cao để cấp cho các địa phương xử lý chất thải khu vực nông thôn, công suất mỗi lò khoảng 10 tấn rác/ngày đêm. Để đáp ứng việc xử lý rác thải, đảm bảo vệ sinh môi trường, huyện Lập Thạch đã thành lập 43 tổ thu gom, tất cả các xã, thị trấn đều đã được trang bị phương tiện thu gom rác như xe đẩy, bảo hộ lao động và thị trấn Lập Thạch đã có xe chở rác chuyên dụng. Tính đến nay, 100% xã, thị trấn đã có bãi tập kết rác, hơn 9.300 hộ chăn nuôi hợp vệ sinh, 1.700 hộ xây hầm biogas, nhờ đó môi trường đã được cải thiện đáng kể.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.