Virus corona tác động ra sao tới Thế Giới Di Động của ông Nguyễn Đức Tài?

P.V Thứ hai, ngày 10/02/2020 07:31 AM (GMT+7)
Thị giá cổ phiếu MWG những phiên gần đây đã giảm do lo ngại về virus corona tại Việt Nam. Theo dự báo, bệnh dịch do virus corona có thể khiến Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động dưới sự điều hành của ông Nguyễn Đức Tài chịu ảnh hưởng về lưu lượng khách hàng tại các cửa hàng,vì người dân hạn chế đến những nơi công cộng và thay đổi tiêu dùng sang các hàng hoá cần thiết.
Bình luận 0

img

Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động.

Dưới sự điều hành của ông Nguyễn Đức Tài và các cộng sự, Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động đã kết thúc năm 2019 với doanh thu thuần tăng 18% so với năm 2018, lên 102.170 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận ròng tăng trưởng tới 33% lên 3.836 tỷ đồng. Với con số tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận khá tích cực, Thế Giới Di Động đã hoàn thành 94% kế hoạch doanh thu và 107% kế hoạch lợi nhuận năm 2019.

Kết quả vừa nêu thực tế sát với ước tính năm 2019 đã được Công ty Chứng khoán SSI đưa ra trước đó với mức doanh thu đạt 101.954 tỷ đồng và lợi nhuận ròng đạt 3.866 tỷ đồng.

img

Điện Máy Xanh đóng góp 57% vào tổng doanh thu của Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động.

Trong đó, chuỗi Điện Máy Xanh vẫn là động lực tăng trưởng chính cho doanh nghiệp khi ghi nhận doanh thu tăng 22% so với cùng kỳ năm 2018, lên 58.239 tỷ đồng, chiếm 57% tổng doanh thu.

Cụ thể, tăng trưởng doanh thu ĐMX là nhờ tăng trưởng doanh thu cửa hàng hiện hữu (SSSG) một con số, tăng số lượng cửa hàng mở mới và việc chuyển đổi các cửa hàng Thế Giới Di Động thành các cửa hàng Điện Máy Xanh mini. Đồng thời, thay đổi trong cách trưng bày để đưa thêm sản phẩm vào cửa hàng.

Số lượng cửa hàng Điện Máy Xanh tính tới cuối 2019 đã đạt 1018 cửa hàng, vượt mục tiêu 900 cửa hàng. Đồng thời, tăng thêm 268 cửa hàng so với đầu năm nhờ 227 cửa hàng mở mới và 41 cửa hàng chuyển đổi từ Thế Giới Di Động. Theo ước tính của Công ty Chứng khoán SSI, Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động cũng đã thay đổi cách trưng bày cho 483 cửa hàng Điện Máy Xanh mini để đưa thêm nhiều sản phẩm vào cửa hàng hơn, vượt kế hoạch 200 cửa hàng. Còn doanh thu trên mỗi cửa hàng chỉ đạt 4,8 tỷ đồng/ tháng, giảm 10% do tốc độ mở mới nhanh hơn rất nhiều so với năm 2018 và chiến lược chuyển đổi các cửa hàng Thế Giới Di Động với doanh thu thấp thành cửa hàng Điện Máy Xanh mini.

Đáng chú ý, trong tháng 12/2019, doanh thu thuần và lợi nhuận ròng của Thế Giới Di Động đều tăng trưởng lần lượt 21% và 25% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 9.088 tỷ đồng và 294 tỷ đồng.

Nếu so sánh với mức tăng trưởng luỹ kế 11 tháng của năm 2019, tăng trưởng doanh thu thuần tháng 12 tại doanh nghiệp của ông Nguyễn Đức Tài đạt mức 21%, cao hơn so với mức 18% sau 11 tháng của năm 2019. Nguyên nhân tới từ khuyến mãi cuối năm và tiêu thụ tăng để chuẩn bị cho kỳ nghỉ Tết.

Tuy nhiên, hoạt động mở mới cửa hàng diễn ra mạnh mẽ vào tháng 12/2019, với 110 cửa hàng mở mới, con số chỉ thấp hơn tháng 11/2019 với 117 cửa hàng mở mới đã khiến tăng trưởng lợi nhuận ròng của Thế Giới Di Động trong tháng 12 chậm hơn so với luỹ kế 11 tháng của năm 2019, ở mức 25% so với 34%.

Thực tế, điều này không quá khó hiểu khi việc mở mới nhiều cửa hàng, về logic, sẽ kéo chi phí bán hàng của doanh nghiệp tăng theo, từ đó làm giảm tốc độ tăng trưởng lợi nhuận.

img

Tốc độ mở mới của hàng liên tục tăng trưởng qua từng tháng khiến Thế Giới Di Động đối mặt với bài toán gia tăng nợ vay và hàng tồn kho.

Cũng liên quan tới hoạt động mở mới và chuyển đổi cửa hàng, doanh nghiệp do ông Nguyễn Đức Tài điều hành cũng tăng cường vay nợ, khiến nợ ngắn hạn tăng gần 59% lên mức 28.442. Trong đó, vay ngắn hạn tại ngày 31/12/2019 là 13.031 tỷ đồng, gấp 2,23 lần so với con số đầu năm 2019, chiếm 44% tổng nợ phải trả. Trong đó, nợ vay gia tăng chủ yếu là do tăng vay nợ ngắn hạn ngân hàng.

Tính tới cuối năm 2019, Thế Giới Di Động đã vay các ngân hàng hơn 13.000 tỷ đồng, đều nằm ở khoản mục nợ vay ngắn hạn. Trong đó, Ngân hàng TNHH MTV HSBC Việt Nam là đơn vị cho Thế Giới Di Động vay nhiều nhất với khoản cho vay hơn 1.951 tỷ đồng, xếp sau là Sumitomo Mitsui – Chi nhánh hà Nội với khoản vay hơn 1.843 tỷ đồng. VietinBank, ANZ – Chi nhánh TP.HCM và Mizuho – Chi nhánh Hà Nội là 3 ngân hàng còn lại cho doanh nghiệp của ông Nguyễn Đức Tài vay ngắn hạn với số tiền hơn 1.000 tỷ đồng.

Đây đều là các khoản vay tín chấp với lãi suất thả nổi, nhằm mục đích bổ sung nhu cầu vốn lưu động của Công ty. Đồng thời, hạn cuối để doanh nghiệp thanh toán cả gốc và lãi vay đều ở trong tháng 2 hoặc tháng 3/2020.

Ngoài ra, khoản mục phải trả người bán ngắn hạn của Thế Giới Di Động cũng tăng khoảng 30% so với thời điểm đầu năm 2019, lên mức hơn 12.055 tỷ đồng.

Với loại hình doanh nghiệp hoạt động thương mại, có vòng quay hàng hoá nhanh, hoạt động theo phương thức bán hàng – thu tiền ngay, vốn tài trợ chủ yếu cho hoạt động kinh doanh của Thế Giới Di Động sẽ đến từ các khoản vay ngắn hạn và vốn chiếm dụng tạm thời, không phải trả chi phí sử dụng vốn - thực chất là các khoản phải trả nhà cung cấp, khách hàng ứng trước, các khoản phải trả khác… Vậy nên, các khoản nợ phải thu luôn chiếm một tỷ trọng nhỏ trong tổng tài sản của Thế Giới Di Động.

Một điều bất ngờ trong quý IV/2019 là dòng tiền tại doanh nghiệp của ông Nguyễn Đức Tài âm 1.286 tỷ đồng trong năm 2019, trong khi năm 2018 dòng tiền này dương 2.261 tỷ đồng do giá trị hàng tồn kho tăng đột biến so sới cùng kỳ năm 2018.

Theo lý giải của Công ty Chứng khoán HSC, do hàng tồn kho cần phải được dự trữ từ 3 - 4 tuần trước dịp Tết, đây là mùa mua sắm cao điểm của điện thoại di động, hàng điện tử tiêu dùng và tạp hóa. Tết Canh Tý 2020 tới sớm hơn so với mọi năm, do đó, HSC cho rằng hàng tồn kho đã có thể đạt mức cao nhất tại thời điểm cuối tháng 12/2019.

Ngoài ra, HSC cũng dẫn lời của ban lãnh đạo Thế Giới Di Động, khẳng định doanh thu dịp Tết Nguyên đán vừa qua khả quan và toàn bộ hàng tồn kho gia tăng đã được giải phóng.

img

Diễn biến thị giá cổ phiếu MWG trên TTCK Việt Nam.

Về phía Công ty Chứng khoán SSI, dù kết quả kinh doanh quý IV/2019 của Thế Giới Di Động là đáng khích lệ. Song thị giá cổ phiếu MWG những phiên gần đây đã giảm trước lo ngại từ bệnh dịch do virus Corona tại Việt Nam.

“Quan điểm của chúng tôi là Thế Giới Di Động có thể chịu ảnh hưởng từ bệnh dịch do virus Corona khi lưu lượng khách hàng tại các cửa hàng giảm, người dân hạn chế đến những nơi công cộng, Đồng thời, thay đổi tiêu dùng từ các sản phẩm không thiết yếu (như hàng ICT) sang hàng cần thiết (thuốc). Trong khi đó, kênh bán hàng hiện đại và online có thể giành thị phần từ thị trường truyền thống, do người tiêu dùng sẽ tìm kiếm môi trường mua sắm hợp vệ sinh hơn. Chúng tôi sẽ cung cấp phân tích đầy đủ sau khi tham dự cuộc họp nhà phân tích sắp tới”, Công ty Chứng khoán SSI cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem