Virus SARS-CoV-2 có thể biến mất không?

Diệu Linh Thứ ba, ngày 23/11/2021 19:00 PM (GMT+7)
Trước thông tin virus SARS-CoV-2 gần như biến mất khỏi Nhật Bản, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch thường trực Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM cho biết, điều này có thể xảy ra.
Bình luận 0

Virus SARS-CoV-2 không còn đất sống nếu miễn dịch cộng đồng cao

Bác sĩ Khanh chia sẻ, ông mới đọc được các thông tin về việc virus SARS-CoV-2 gần ở Nhật đã gần như biến mất và mới đây tại Châu Phi cũng đã ghi nhận hiện tượng này.

"Trước đây tôi đã chia sẻ rồi, nếu chúng ta đạt được miễn dịch cộng đồng thì virus SARS-CoV-2 sẽ tự thuần với con người, không còn khả năng gây bệnh, hoặc gây bệnh nhẹ, như cúm, không còn đáng lo ngại", bác sĩ Khanh cho biết.

Virus SARS-CoV-2 có thể biến mất không? - Ảnh 1.

Chủng Delta "càn quét" trên diện rộng là một nguyên nhân khiến miễn dịch cộng đồng tăng do người khỏi bệnh sản sinh kháng thể chống lại virus (Điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM. Ảnh BYT)

Bác sĩ Khanh phân tích, quy tắc hoạt động của nhiều con virus gây bệnh đường hô hấp trong đó có virus SARS-CoV-2 là phải nhân giống, "sinh đẻ" ra mới sống được. Chúng phụ thuộc vào "vật chủ" mà chúng lây nhiễm. Vòng đời của chúng rất ngắn, muốn tồn tại thì phải nhân lên và lây lan sang người khác thì mới tồn tại được.

Khi có kháng thể thì virus đi vào người sẽ đi ra. Nó đi ra bằng cách nào? Đó là do mình tạo ra kháng thể ngăn chặn nó nhân lên. Virus nó có chu kỳ sống nhất định, nó sống được khi được nhân lên còn không nhân được thì nó sẽ chết.

"Theo tôi, nước Nhật và các nước Châu Phi bớt dịch Covid-19 là nhờ có miễn dịch cộng đồng. Miễn dịch cộng đồng này có thể được tạo ra nhờ độ phủ của vaccine Covid-19, cũng có thể do người dân đã có được miễn dịch sau đợt càn quét nặng nề của virus bởi có đến 80% người nhiễm bệnh không có triệu chứng. Chính những điều này đã khiến dịch bị "chặn lại" và không lây thêm nữa", bác sĩ Khanh nhấn mạnh.

Theo bác sĩ Khanh, những quốc gia nào chưa bị những chủng cũ của SARS-CoV-2 (biến thể virus SARS-CoV-2 ở Anh, biến thể ở Nam Phi, biến thể ở Brazil) tấn công thì sẽ bị biến thể Delta càn quét dữ dội. Cụ thể như Việt Nam, số ca mắc chủng Nam Phi và Anh rất thấp và bị chủng có nguồn gốc ở Ấn Độ (Delta) "càn quét" mạnh. 

Và đến giờ khi chúng ta bắt đầu có miễn dịch cộng đồng thì số ca mắc Covid-19 cũng giảm đi và dần dần sẽ suy yếu. "Người dân Việt Nam đã đồng lòng tiêm vaccine Covid-19, tỷ lệ tiêm chủng rất cao. Do đó, tôi tin tưởng rằng Việt Nam sẽ đạt được miễn dịch cộng đồng sớm và sớm chặn đứng sự lây lan của Delta. Và đến ngày Delta sẽ không còn "đất' sống", bác sĩ Khanh nhấn mạnh.

Virus SARS-CoV-2 có thể biến mất không? - Ảnh 2.

Tiêm vaccine Covid-19 là cách tốt nhất để chặn đứng virus SARS-CoV-2 sinh sôi. (Tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em tại Hà Nội sáng 23/11. Ảnh Gia Khiêm

Bác sĩ Khanh cũng cho rằng, ngoài giả thuyết, Delta biến mất là do Nhật Bản đạt miễn dịch cộng đồng thì cũng có thể do làn sóng virus hô hấp khác đã lấn át virus SARS-CoV-2. Nếu người dân có triệu chứng viêm đường hô hấp, ho, sốt, sổ mũi là do chủng virus khác mà chỉ xét nghiệm tìm virus SARS-CoV-2 thì sẽ không phát hiện ra.

"Virus hô hấp có nhiều chủng, nhiều loại và có sự cạnh tranh rất lớn. Theo từng năm, virus này "lên ngôi" gây dịch và năm khác virus khác lại vươn lên. Nhưng dù là virus gì mà không gây tử vong là tín hiệu tốt", bác sĩ Khanh cho biết.

Bác sĩ Khanh cũng khuyến cáo người dân đừng quá lo lắng, "bị dọa" khi có các thông tin tiêu cực về Covid-19 mà chưa có bằng chứng khoa học rõ ràng…

"Covid-19 rồi sẽ qua, không phải căn bệnh gì ghê gớm. Vì theo quy luật tự nhiên, chu kỳ 10-20 năm sẽ có một loại virus mới gây bệnh nguy hiểm. Nếu không có Covid-19 thì sẽ có một bạo bệnh khác.

"Hãy tiêm vaccine Covid-19 để tạo miễn dịch cộng đồng. Đó chính là cách góp sức để làm suy yếu SARS-CoV-2 nhanh nhất mà bạn có thể làm được ngay", bác sĩ Khanh nhấn mạnh.

Theo China Daily, nghiên cứu được thực hiện bởi một số nhà khoa học Nhật Bản mới đây cho thấy, một bộ gen của biến thể Delta, một loại enzyme gọi là nsp14 đã bị đột biến dẫn đến việc giảm hoạt động hoặc không có khả năng sinh sản hay đột biến thêm - có thể được gọi là hiện tượng tự thoái hóa hoặc tự hủy diệt.

Điều đó đã khiến một số nhà nghiên cứu suy đoán rằng Covid-19 có thể đang "suy giảm mạnh" vì biến thể Delta tự hủy diệt. SARS-CoV-2 là một trong những loại virus có thể đột biến dễ dàng, đôi khi trong vòng một tuần.

Hiện giờ, Nhật Bản chỉ ghi nhận chưa đến 200 ca mắc mới mỗi ngày, trong khi số ca tử vong chỉ ở mức 1 con số. Ngày 7/11 vừa qua, nước này lần đầu tiên không ghi nhận ca tử vong trong suốt 15 tháng qua.

Các chuyên gia đã chỉ ra nhiều nguyên nhân khác nhau khiến làn sóng Covid-19 mới tại Nhật Bản sớm được dập tắt. Trước hết, Nhật Bản là nước có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất trong số các nước tiên tiến, với 75,7% dân số được tiêm phòng đầy đủ. Các yếu tố khác bao gồm tăng cường giãn cách xã hội và việc đeo khẩu trang hiện đã trở thành thói quen của người Nhật.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem